vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Giao lưu và trình diễn kéo co Hàn Quốc –Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2015 tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.


Nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, chiều ngày 22/11/2018,  Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Giá trị Di sản Văn hóa(CCH) thuộc Hội Di sản Việt Nam tổ chức đón tiếp Hiệp hội Bảo vệ kéo co truyền thống Hàn Quốc tới giao lưu và trình diễn kéo co tại sân Thái Học, di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Tham dự buổi giao lưu có Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu-Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý-Giám đốc Trung tâm CCH, Tiến sĩ Weonmo Park -Trưởng Ban Tri thức và Xuất bản, Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về Di sản Văn hóa Phi vật thể khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Su Sig Sin-Chủ tịch Hội bảo vệ Kéo co Gigisi, các chuyên gia và các thành viên của 6 đội kéo co Hàn Quốc.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Nghi lễ và trò chơi kéo co đã xuất hiện từ rất lâu đời, gắn bó với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ở các nước có canh tác lúa nước tại châu Á và khu vực Đông Nam Á. Kéo co ở các cộng đồng thường diễn ra vào dịp lễ hội mùa xuân, khởi đầu cho một chu kỳ mùa vụ mới, với mong ước cho mưa thuận, gió hòa và mùa màng bội thu.

Dù tên gọi, quy tác và cách tổ chức ở các nơi có sự khác biệt, người Campuchia gọi là LbaengTeanhProt, Phi-lip-pin gọi là Punnk, Hàn Quốc là Juldarigi, Việt Nam là Kéo co, Kéo mỏ hay Kéo song. Tuy nhiên, nghi lễ và trò chơi này luôn mang ý nghĩa gắn kết, giữ gìn và phát huy các giá trị chung của cộng đồng. Đặc biệt rằng, năm 2015, Nghi lễ và trò chơi kéo co tại bốn nước Campuchia, Phi-lip-pin, Hàn Quốc và Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Dây kéo co 

Buổi trình diễn không chỉ giúp công chúng nhận diện Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống của Hàn Quốc-di sản văn hóa phi vật thể; Bên cạnh đó, hơn 30 bức ảnh chụp trò chơi kéo co của bốn nước được trưng bày tại sân Thái Học, qua đây du khách và những người đam mê tìm hiểu và nghiên cứu văn hóa có cơ hội tìm hiểu về sự đa dạng và nét riêng biệt của trò chơi này tại bốn quốc gia trên.

Buổi giao lưu và trình diễn kéo co đã thu hút đông đảo và tạo sự phấn khích, tò mò đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Rất đông các khách du lịch Việt Nam và quốc tế khi đến thăm di tích đã nhiệt tình tham gia giao lưu kéo co trong sự cổ động náo nhiệt của những người có mặt. Đây thực sự là buổi giao lưu ý nghĩa, giúp tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy tình đoàn kết hữu nghị và ý thức cộng đồng đối với việc gìn giữ những giá trị di sản văn hóa của nhân loại.

Khách du lịch tham gia giao lưu 

Người chơi vào tư thế chuẩn bị 

Quyết tâm giành chiến thắng

Chuong Van


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám