vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám


Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay là di tích Quốc gia đặc biệt. Được khởi lập vào cuối thế kỷ XI ở phía Nam Kinh thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một quần thể gồm có Văn Miếu và Quốc Tử Giám. Văn Miếu được xây dựng năm 1070, dưới triều Vua Lý Thánh Tông. Năm 1076, dưới triều vua Lý Nhân Tông, Quốc Tử Giám được khởi lập phía sau của Văn Miếu. Trải qua gần 1.000 năm tuổi, qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử hiện di tích vẫn còn giữ được những nét kiến trúc của thời Lê và thời Nguyễn.

Quần thể di tích hiện nay nằm trên diện tích là 54.331m2 được bao bọc bởi những bức tường gạch vồ. Bốn mặt di tích đều là phố: phố Quốc Tử Giám (phía Nam), phố Nguyễn Thái Học (phía Bắc), phố Tôn Đức Thắng (phía Tây), phố Văn Miếu (phía Đông). Quy mô, bố cục của di tích ngày nay gồm:

1. Ngoại tự:

Hồ Văn nằm ở phía trước Văn Miếu và bị ngăn cách với nội tự bởi phố Quốc Tử Giám.

Vườn Giám chạy dọc bờ tường bên phía Tây của khu nội tự. Ngoài ra còn có Tiền án là khoảng không gian mở ra phía trước tạo cho Văn Miếu dáng vẻ bề thế, uy nghiêm. Khu này được bắt đầu bằng tứ trụ (nghi môn) và hai bia Hạ mã hai bên.

Ảnh: Tứ trụ Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Ảnh: Cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám

2. Nội tự: được chia thành 5 khu nhỏ, mỗi khu được giới hạn bởi các tường gạch vồ và có các cửa thông nhau, một cửa chính giữa và 2 cửa phụ hai bên với các kiến trúc chủ thể là:

- Khu Nhập đạo: Chính giữa khu Nhập đạo có đường Thần đạo dẫn đến cổng Đại Trung vào khu thứ hai ngày nay gọi là khu Thành Đạt.

Ảnh: Đường Thần đạo

- Khu Thành Đạt: được bắt đầu bằng cổng Đại Trung.

Hai bên cổng Đại Trung có hai cổng nhỏ: Thành Đức và Đạt Tài. Tên của hai cổng này mang ý nghĩa giáo dục đào tạo con người vừa có đức, vừa có tài.

Ảnh: Cổng Đại trung

- Khu vườn bia Tiến sĩ: Khu này được tiếp nối bởi gác Khuê Văn với 2 cổng nhỏ Súc Văn và Bí Văn. Đi qua Khuê Văn Các là vào khu vườn bia Tiến sĩ. Chính giữa khu thứ ba và một chiếc giếng vuông có tên gọi là Thiên Quang tỉnh (giếng ánh sáng trời).

Ảnh: Khuê Văn Các

 

Ảnh: Khuê Văn Các và Giếng Thiên Quang

Hai dãy bia Tiến sĩ gồm 82 tấm bia phân đều thành 2 bên, mỗi bên 41 bia đối xứng nhau qua giếng Thiên Quang. Hai toà đình bia xây dựng vào năm 1863, bốn mặt bỏ trống.

 

- Khu Đại Thành: Đây là là khu vực chính thờ Khổng Tử và các bậc Tiên hiền, Tiên nho, bao gồm điện Đại Thành, nhà Bái Đường, hai dãy Đông vu, Tây vu và sân Đại bái.

Ảnh: Sân Bái đường

- Khu Thái Học: Gồm các công trình kiến trúc chính là Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, nhà chuông, nhà trống được xây dựng trên nền đất xưa của trường Quốc Tử Giám. Hậu đường khu Thái học có hai tầng. Tầng 1, thờ thầy giáo Chu Văn An, tầng 2,  là nơi thờ các vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông. Hai nhà tả hữu vu, là khu công sở làm việc của Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Ảnh: Cổng Thái học

Ảnh: Nhà Tiền đường - Khu Thái học

Về quy mô, bố cục của Văn Miếu Hà Nội hiện nay là Văn Miếu lớn nhất trong cả nước, được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh đã thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và nước ngoài, trở thành điểm du lịch quan trọng của Thủ đô và cả nước./.


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám