vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

HỘI THẢO KHOA HỌC “DANH NHÂN CHU VĂN AN – CON NGƯỜI VÀ SỰ NGHIỆP”


Nhằm chuẩn bị cho công tác xây dựng Hồ sơ Danh nhân Chu Văn An trình UNESCO và tổ chức kỷ niệm 650 năm mất của Danh nhân vào năm 2020, chiều ngày 6/4/2018, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo khoa học “Danh nhân Chu Văn An – Con người và sự nghiệp” tại nhà Tiền Đường khu Thái học – Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

 

Ảnh: Đại biểu tham dự Hội thảo dâng hương trước hương án Thầy Chu Văn An

 

Tham dự Hội thảo có ông Phạm Sanh Châu –Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Mai Phan Dũng – Phó Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, bà Phạm Thị Thu Huyền – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, GS. TSKH Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, PGS. TS Đặng Văn Bài – Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Thế giới, PGS. TS Nguyễn Đức Nhuệ –  Phó Viện trưởng Viện Sử học, TS. Nguyễn Hữu Mùi – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, TS. Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

Ảnh: Đại biểu tham dự phát biểu tại Hội thảo

 

Danh nhân Chu Văn An (1292-1370), tên tự là Linh Triệt, tên hiệu là Tiều Ẩn, tên thụy là Khang Tiết tiên sinh, tước hiệu là Văn Trinh công. Ông người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thầy Chu Văn An là Tư nghiệp Quốc Tử Giám, trực tiếp giảng dạy cho Thái tử, sau khi mất được đưa vào thờ tại Văn Miếu . Suốt cuộc đời Thầy gắn bó với sự nghiệp dạy người để làm người, phụng sự đất nước, chính trực, thanh liêm, không cầu danh lợi.

Hội thảo đã nhận được 17 bài tham luận của các nhà khoa học, tập trung nghiên cứu, đánh giá các nội dung sau:

  1. 1. Môi trường văn hóa, xã hội tác động đến danh nhân Chu Văn An;
  2. 2. Nhân cách Chu Văn An;
  3. 3. Đóng góp của Chu Văn An với văn hóa, giáo dục Việt Nam;
  4. 4. Định hướng xây dựng hồ sơ danh nhân Chu Văn An đề nghị UNESCO kỷ niệm nhân dịp 650 năm ngày mất.

 

Ảnh: Ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ “Tổ chức Hội thảo về Chu Văn An không chỉ nhằm tôn vinh ông mà qua đó, có cơ sở khoa học để nhìn nhận sâu sắc hơn con người, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của ông đối với dân tộc trong bối cảnh chung của thế giới”.

Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng lập Hồ sơ Danh nhân Chu Văn An đề nghị UNESCO cùng kỷ niệm nhân dịp 650 năm ngày mất của Danh nhân vào năm 2020.

An Nhiên


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám