vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Hội thảo khoa học: Tế Tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì - Con người và sự nghiệp (1572-1651)


Nhân kỷ niệm 418 năm ngày Đại đăng khoa của Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì (1598-2016), 365 năm ngày mất của ông (1651-2016), và hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo khoa học Tế Tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì - Con người và sự nghiệp” nhằm đánh giá những đóng góp của Ông đối với sự nghiệp văn hóa, giáo dục của đất nước.

Tham dự Hội thảo khoa học có các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc cùng nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, hán nôm, mỹ thuật và hậu duệ của Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì.

 

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội nêu rõ:“Việc nghiên cứu thân thế, sự nghiệp của các vị đại khoa nói chung, đặc biệt là các vị Tiến sĩ Nho học từng giữ cương vị Tế tửu Quốc Tử Giám - người đứng đầu trường Quốc học là một việc làm hết sức quan trọng và có ý nghĩa về nhiều mặt, không chỉ thể hiện truyền thống Uống nước nhớ nguồn, Tôn sư trọng đạo, Coi trọng hiền tài của dân tộc ta, mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cha ông. Hội thảo “Tế Tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì - Con người và sự nghiệp” không chỉ góp phần làm sáng tỏ về thân thế, sự nghiệp của một nhà khoa bảng, về truyền thống hiếu học của dòng họ mà còn là dịp để chúng ta tưởng nhớ tấm gương sáng của bậc tiền nhân danh vọng, góp phần bảo tồn di sản cha ông, từ đó động viên, khích lệ thế hệ trẻ noi gương, tiếp nối, nhằm giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hiến của dân tộc, quê hương, dòng họ”.

 

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

 

Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì (1572-1651) người Thanh Lãng, Vĩnh Phúc, là danh nhân tiêu biểu của nước ta ở nửa đầu thế kỷ XVII. Khoa thi năm Mậu Tuất (1598), Nguyễn Duy Thì đỗ Hoàng giáp. Ông từng giữ nhiều trọng trách trong triều như Công bộ Thượng thư, Binh bộ Thượng thư, Thượng thư Bộ Lại, giữ việc 6 Bộ… Trong cuộc đời làm quan, Ông còn kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác thuộc lĩnh vực ngoại giao, văn hóa, giáo dục như Tư nghiệp rồi Tế tửu Quốc Tử Giám; làm Giám thí của khoa Quý Sửu niên hiệu Hoằng Định 14 (1613) và khoa thi Quý Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ 5 (1623); Tri cống cử khoa Đinh Sửu niên hiệu Dương Hòa 3 (1637). Nguyễn Duy Thì còn góp phần trong đấu tranh ngoại giao, khẳng định vị thế, chủ quyền và độc lập dân tộc. Năm 1612, Nguyễn Duy Thì đã dâng bài Khải “Đạo trị nước” xoay quanh vấn đề tư tưởng thân dân, qua đó thể hiện cái nhìn đúng đắn của ông trước thế sự, có sự kế thừa từ người đi trước, là “kim chỉ nam” cho sự ổn định lâu dài của mọi triều đại. Năm 1651, Nguyễn Duy Thì mất, được triều đình gia tặng chức Thái tể, ban thụy là Hành Độ.

Với 27 bài tham luận của các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, đánh giá 3 nội dung:

1. Quê hương, dòng họ của Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì

2. Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì - Con người và sự nghiệp

3. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản dòng họ Nguyễn Duy ở Vĩnh Phúc

 

Ảnh: TS. Phạm Văn Ánh - Viện Văn học trình bày tham luận 

 

Ảnh: Ông Nguyễn An Kiều - Hậu duệ của Tế tửu Nguyễn Duy Thì trình bày tham luận

 

Trong hội thảo, Ban tổ chức trưng bày chuyên đề về Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì với hơn 100 hình ảnh, tài liệu và hiện vật phản ánh khá chân thực về cuộc đời và sự nghiệp của ông như: Giới thiệu về Quê hương Thanh Lãng; Tóm tắt sự nghiệp của Tế tửu Nguyễn Duy Thì với dấu son trên con đường quan lộ là bức đạc họa tấm bia khoa thi Tiến sĩ năm Mậu Tuất niên hiệu Quang Hưng thứ 21 (1598) và một số sắc phong triều đình ghi nhận ông là trụ cột của đất nước và gắn bó với sự nghiệp đào tạo giáo dục nhân tài ở cương vị là người đứng đầu Quốc Tử Giám; Và Tác gia Nguyễn Duy Thì với những đóng góp cho nền văn học trung đại. Ông là tác giả của hai bài thơ chép trong “Toàn Việt thi lục” và 3 bài văn bia.

 

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 

 

Ảnh: TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm trao hiện vật phục chế tới dòng họ Nguyễn Duy

 

 

Ảnh: Dòng họ Nguyễn Duy trao Giải thưởng học bổng Nguyễn Duy Thì tới Trường THPT Nguyễn Duy Thì

 

Ảnh: TS. Đặng Kim Ngọc - Tổng kết Hội thảo khoa học

 

Ảnh: Một số hiện vật, tư liệu trưng bày về Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì

 

Ảnh: Giới thiệu về Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì qua hiện vật trưng bày

 

Bài và ảnh: Văn Quốc Nghiên

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám