vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Hội thảo khoa học “Thượng thư, Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận-Con người và Sự nghiệp”


Sáng ngày 12/11/2019, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức hội thảo khoa học “Thượng thư, Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận-Con người và Sự nghiệp” tại nhà Tiền Đường, di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 553 năm ngày đại đăng khoa (1466-2019) của Thượng thư, Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận.

Toàn cảnh hội thảo 

Tới dự Hội thảo có GS.TSKH Lưu Trần Tiêu-Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc Gia; TS. Nguyễn Viết Chức –Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng Quốc hội, Viên trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long; PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Phó Viện trưởng Viện Sử học; TS. Nguyễn Hữu Mùi-Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu Hán Nôm; TS. Lê Xuân Kiêu-Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám cùng đông đảo các nhà khoa học và hậu duệ dòng họ Đỗ tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, Tỉnh Vĩnh Phúc.

Các đại biểu tham dự hội thảo dự lễ Dâng hương 

Tại hội thảo,thông qua 18 bài tham luận,  các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng các hậu duệ dòng họ Đỗ đã tập trung thảo luận và đưa ra các đánh giá các nội dung sau:

1. Quê hương, dòng họ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận.

2. Thượng thư, Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận - Con người và sự nghiệp.

3. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến Thượng thư, Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận.

Các bài tham luận và ý kiến tại hội thảo đều khẳng định tài năng văn chương của Thượng thư, Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận cùng với những đóng góp to lớn của ông đối với quê hương đất nước. Đánh giá về công lao to lớn và tài năng của Tiến sĩ Đỗ Nhuận , GS.TS KH Lưu Trần Tiêu đã khẳng định: Ông là danh nhân văn hóa tiêu biểu, có những đóng góp to lớn không chỉ đối với sự nghiệp di sản mà còn đối với lịch sử của dân tộc.

GS.TS KH Lưu Trần Tiêu phát biểu tại hội thảo

 

TS. Lê Xuân Kiêu phát biểu tại hội thảo

Đỗ Nhuận (1446-?) người xã Kim Hoa, huyện Kim Hoa, thừa tuyên Kinh Bắc - nay thuộc thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, Hà Nội. Năm Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận 7 (1466), ông thi đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. Năm Tân Mão (1471), ông được nhậm chức Đông các Hiệu thư. Năm Hồng Đức 15 (1484), Hàn lâm viện Thị độc kiêm Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận cùng một số quan đồng triều đã soạn văn bia Tiến sĩ từ khoa thi năm Đại Bảo 3 (1442) đến khoa thi Hồng Đức 12 (1481). Ông cũng từng giữ chức Độc quyển của các khoa thi 1475, 1481, 1487, 1493 và làm quan chủ yếu dưới thời Lê Thánh Tông (1460-1497). Tài năng văn chương của Đỗ Nhuận được vua yêu mến, nhiều sáng tác của ông có trong tác phẩm tiêu biểu của Hội Tao đàn.

Hội thảo khoa học “Thượng thư, Đông các Đại học sĩ Đỗ Nhuận-Con người và Sự nghiệp” không chỉ giúp các thế hệ đương thời hiểu rõ hơn về tài năng và những đóng góp của Tiến sĩ Đỗ Nhuận  đối với quê hương, đất nước. Hơn nữa, hội thảo còn có ý nghĩa tôn vinh các danh nhân, nhân vật lịch sử của đất nước Việt Nam, điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

CVT


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám