Nhân kỷ niệm 340 năm ngày sinh của Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận (1678-2018), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo khoa học “Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận (1678-1758) và dòng họ khoa bảng Nguyễn Huy - làng Sủi, Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội” nhằm đánh giá những đóng góp của Danh nhân Nguyễn Huy Nhuận đối với sự nghiệp văn hóa, chính trị và Truyền thống khoa bảng dòng họ Nguyễn Huy đối với quê hương, đất nước. Hội thảo được tổ chức tại Nhà Tiền đường khu Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám sáng ngày 28/12/2018.
Lễ dâng hương lên các bậc tiên thánh, tiên hiền
Tham dự hội thảo có Đ/c Nguyễn Huy Việt - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, chủ tịch HĐND Huyện Gia Lâm.TS. Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long. PGS. TS. Nguyễn Đức Nhuệ - Phó Viện trưởng Viện Sử học Viện Hàn lâm KHXH VN.TS Nguyễn Hữu Mùi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Hán Nôm Viện Hàn lâm KHXH VN.Đ/c Lê Anh Quân - Chủ tịch UBND Huyện Gia Lâm. Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Đại diện dòng họ Nguyễn Huy.
Trình bày tham luận trong hội thảo
Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu phát biểu tại hội thảo
Phú Thị là một trong những làng khoa bảng tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội, trong đó dòng họ Nguyễn Huy và dòng họ Cao là 2 dòng họ khoa bảng có tiếng nhất của làng. Từ năm Ất Mão (1075) đến năm Kỷ Mùi (1919), làng có tất thảy 10 vị đỗ đại khoa, mà dòng họ Nguyễn Huy đã có đến 5 vị đỗ Tiến sĩ, mở đầu là Nguyễn Huy Nhuận (1678-1758) đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi (1703). Hai người em con nhà chú của Nguyễn Huy Nhuận đều cùng đỗ Tiến sĩ. Đó là Nguyễn Huy Mãn (1688-1740) đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1721); Nguyễn Huy Thuật (1690-1772) đỗ Tiến sĩ khoa Quý Sửu (1733). Con trai trưởng của Nguyễn Huy Nhuận là Nguyễn Huy Dận (1708-1780) đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1748) và Nguyễn Huy Cận (1729-1789) là con của Nguyễn Huy Dận, cháu đích tôn của Nguyễn Huy Nhuận đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1760).
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận sinh năm Mậu Ngọ (1678), mất năm Mậu Dần (1758).Nguyễn Huy Nhuận đã đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Mùi, niên hiệu Chính Hòa thứ 24, đời Lê Hy Tông (1703). Ông làm quan đến chức Thượng thư, Tham tụng, hàm Thiếu phó Thái bảo, Nhập thị Kinh Diên, Tri Quốc Tử Giám. Về trí sĩ được phong tặng Đại tư không, Phụng thị ngũ lão. Khi mất, được truy tặng Đại tư mã. Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận là người khai khoa cho dòng họ Khoa bảng Nguyễn Huy và cũng là người đỗ Đại khoa đầu tiên của làng khoa bảng Phú Thị.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã nhận định: “Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận là người đã để lại những dấu ấn trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa, giáo dục ở thế kỷ XVIII”.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nhân tài cho đất nước, trong đó có Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Đề cập về vấn đề này, TS. Đặng Kim Ngọc cho biết: “Về đóng góp của Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám, năm Cảnh Hưng thứ 6 (1755) Nguyễn Huy Nhuận tâu xin sửa lại chương phục tượng thánh thờ ở Văn Miếu, bằng việc dùng phẩm phục đế vương thay cho áo mũ của quan Tư khấu như trước, được chúa Trịnh Doanh chấp nhận”. Việc dùng phẩm phục đế vương thờ ở Văn Miếu bắt đầu từ đó. Lúc này Nguyễn Huy Nhuận rất chú trọng tới việc giáo dục, đào tạo nhân tài. Ông dành khá nhiều thời gian cho việc chăm lo tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám.Việc làm này cũng rất hợp với ý của chúa Trịnh Doanh. Tháng 5 năm Bính Tý (1756), Trịnh Doanh đã chỉ dụ cho Nguyễn Huy Nhuận, Nguyễn Bá Lân rằng: “Trước vì ngoài biên nhiều việc, việc giảng đọc hơi ít. Nay triều đình vô sự, ta muốn ngày ngày giảng đọc để tắm gội đạo lý của Thánh hiền. Các khanh ai nấy cũng nên cố gắng, chớ để một ngày giảng mười ngày không”. Sau đó Trịnh Doanh cho Tham tụng Nguyễn Huy Nhuận giữ chức Tri Quốc Tử Giám. Chức trách của quan Tri Giám là trông coi việc giảng dạy và học tập ở trường Giám.
Lê Hương