vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Khổng Tử


Khổng Tử tên là Khâu, tự là Trọng Ni, sinh ngày 27 tháng 8 năm 551 trước Công nguyên tại ấp Trâu, làng Xương Bình, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà triết học và là nhà giáo dục tiểu biểu của Trung Quốc cổ đại.

       Cha của Khổng Khâu là Thúc Lương Ngột (cháu 13 đời của Vi Tử Diễn, anh của vua Trụ nhà Thương) là quan võ thuộc ấp Trâu, đến 70 tuổi mới lấy Nhan thị mà sinh ra ông. Nhiều sử sách ghi rằng, ông sinh trong gia cảnh nghèo, có ông tổ ba đời thuộc dòng quý tộc sa sút từ nước Tống dời đến nước Lỗ. Năm lên ba, Khổng Khâu mồ côi cha, lớn lên, phải làm lụng vất vả để nuôi mẹ, nhưng rất ham học. Năm 19 tuổi, ông lấy vợ và làm một chức quan nhỏ coi kho. Do quản lý kho tàng, xuất nạp tiền lương công bằng chuẩn xác, ông được thăng chức lên làm quan Tư không, chuyên quản lý việc xây dựng công trình. Năm 22 tuổi, ông mở lớp dạy học. Khổng Tử hết sức đề cao việc học tập, ông là người “học không biết mỏi, dạy không biết chán”. Tương truyền, ông có đến 3000 học trò, trong đó có 72 Hiền triết.

          Năm 30 tuổi, Khổng Tử cùng học trò đi chu du nhiều nước để truyền bá tư tưởng của mình. Có nơi ông được trọng dụng nhưng cũng có nơi ông bị coi thường. Năm 51 tuổi, ông quay lại nước Lỗ và được giao coi thành Trung Đô, năm sau được thăng chức Đại Tư khấu (coi việc hình pháp). Sau này do bị ly gián, gièm pha, ông bèn từ quan, trở về tiếp tục dạy học và biên soạn sách.

          Khổng Tử đã biên soạn và san định Kinh Thi, Thư, Lễ, nhạc, Dịch và Kinh Xuân Thu. Những trước tác của ông đã trở thành kinh điển của Nho giáo, được truyền bá và lưu truyền cho đến ngày nay. Về cơ bản, tư tưởng của Khổng Tử là bảo thủ, muốn duy trì và phát triển thế lực của giai cấp quý tộc cũ đang mất dần thực quyền, bị các đại phu và thế lực quý tộc mới chèn ép. Trung tâm học thuyết của ông là chữ “Nhân” với một phạm vi bao quát rộng lớn được tùy trường hợp mà giải thích khác nhau. Nhân gần với Lễ, là những quy phạm đạo đức lễ nghi để duy trì quan hệ trong xã hội. Có thể coi Lễ là phương thức giúp người ta đạt tới Nhân. Nhân và Lễ gắn bó với nhau và đó cũng là chuẩn đích trên con đường hoàn thiện phẩm cách của người Nho sỹ - quân tử. Khổng Tử chú trọng nhấn mạnh và đề cao thuyết chính danh, tam cương, ngũ thường làm kim chỉ nam hành động cho con người trong mọi sinh hoạt chính trị và an sinh xã hội. Tam cương gồm 3 mối quan hệ rường cột: "cha - con", "vua - tôi", "vợ - chồng" và Ngũ thường tức năm đạo lý mà người ta cần phải gìn giữ gồm: "Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín".Theo ông, một xã hội mà con người tuân thủ đầy đủ các quy tắc trên thì xã hội sẽ không bị rối loạn.

           Năm 479 trước Công nguyên, Khổng Tử qua đời thọ 73 tuổi. Học trò gọi ông là Khổng Phu Tử, là thầy Khổng. Khổng Tử được vua Khang Hy (1654-1722) suy tôn là“Vạn thế sư biểu" (Người thầy tiểu biểu của muôn đời).

           Những bài giảng của Khổng Tử sau này được các học trò của ông hệ thống thành một bộ văn bản tỉ mỉ về những quy định và các thức thực hiện nghi lễ, và trở thành những kinh điển của Nho giáo - một trong những học thuyết có sức sống lan tỏa mạnh mẽ và tầm ảnh hưởng rộng lớn suốt hơn 2.500 năm không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở khắp vùng Đông Á và Đông Nam Á./.

Ảnh: tượng thờ Khổng Tử tại Điện Đại Thành - Di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội


Xem thêm

Hệ thống thờ tự

vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám