vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Lễ tưởng niệm 365 năm ngày mất Tế Tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì


Ngày 11/10, dòng họ Nguyễn Duy tổ chức lễ tưởng niệm 365 năm ngày mất của Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Duy Thì tại xã Yên Lãng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Văn Tú - Phó Giám đốc Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trần Thị Xuyến - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm VHKH Văn Miếu Vĩnh Phúc, Phạm Thị Thu Huyền - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Bình Xuyên và hàng trăm hậu duệ của Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì ở khắp mọi miền tổ quốc về tham dự.

Danh nhân Nguyễn Duy Thì (1571 - 1651), là một trong những nhân vật nổi tiếng của vùng đất Yên Lãng, Bình Xuyên. Năm 1598, Nguyễn Duy Thì thi đỗ Hoàng giáp. Hơn 50 năm phò tá vua Lê - chúa Trịnh, Nguyễn Duy Thì từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trong như: Hộ khoa cấp sự, Thiêm đô Ngự sử, Phó Đô Ngự sử, Tả Thị lang Bộ Lễ, Tả Thị lang Bộ Lại, Hữu Thị lang Bộ Hộ, Tả Thị lang Bộ Hộ, Thượng thư Bộ Công, Thiếu phó, Hàn lâm viện Thị độc kiêm Chưởng Hàn lâm viện sự, tước Tuyền Quận công, Thượng thư Bộ Binh, Thượng thư Bộ Lại kiêm Chưởng lục bộ sự, Hàn lâm viện Thị giảng, Thái phó,... Trong thời gian làm quan, Nguyễn Duy Thì cũng được chúa Trịnh tín nhiệm cử đi sứ nhà Minh hai lần vào năm 1606. Ngoài ra, ông đã thống lĩnh đội quân đi đánh giặc vào các năm 1618 và 1623, giành được chiến thắng, lập nên công trạng được Chúa khen và cho thăng chức. Khi mất vào năm 1651, ông được triều đình sắc ban Thái tể và tên thụy là Hành Độ.

Sinh thời Nguyễn Duy Thì còn sáng tác thơ trong đó có 2 bài được sáng tác trong lần đi sứ năm 1606 gồm Bạc chu Bành Thành ngộ tuyếtBành Thành hoài cổ. Cả hai bài thơ hiện được ghi chép lại trong Toàn Việt thi lục.

Không chỉ là một vị quan mẫu mực, Nguyễn Duy Thì còn là một nhà giáo dục xuất sắc. Ông đã từng đảm nhiệm chức vụ Tư nghiệp và Tế tửu của trường Quốc Tử Giám. Tên tuổi, quê quán của cụ Nguyễn Duy Thì được khắc tên trên bia đá khoa thi 1598 được dựng vào năm 1653 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tấm bia này hiện vẫn còn và đang được lưu giữ tại khu di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám./.

 

Một số hình ảnh:

 

Ảnh: Tượng thờ Tế tửu Nguyễn Duy Thì tại Đền thờ

 

Ảnh: Con cháu dòng họ thành kính thắp hương trước hương án

 

Ảnh: Tế lễ

 

Ảnh: Tế lễ

Tuệ Minh

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám