vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Nho Giáo và việc thành lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám


Nho giáo là một trong những học thuyết triết học quan trọng bậc nhất của nền văn minh Trung Hoa cổ đại. Nho giáo do Khổng Tử sáng lập vào thế kỷ VI (TCN) trên cơ sở nền tảng tư tưởng của Chu Công. Được hình thành từ rất sớm, nhưng phải đến thời vua Hán Vũ Đế (140 - 86 TCN), Nho giáo mới trở thành hệ tư tưởng thống trị trong xã hội phong kiến Trung Quốc. Suốt một hành trình dài 500 năm, Nho giáo đã không ngừng hoàn thiện, phát triển. Giá trị tinh tuý của học thuyết được đúc kết lại trong các bộ sách: Tứ Thư (Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử) và Ngũ Kinh (Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Thư, Kinh Xuân Thu). Ra đời trong bối cảnh xã hội loạn lạc cuối thời Xuân Thu, cho nên nội dung cốt lõi của Nho giáo tập trung chủ yếu vào cách thức tổ chức, ổn định trật tự xã hội. Nho giáo hướng đến xây dựng mẫu người lý tưởng gọi là Quân tử. Bậc Quân tử, trước hết phải là người biết "tự đào tạo", nghĩa là biết "tu thân", sau đó “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Khổng Tử lấy thuyết “chính danh”, “tam cương”, “ngũ thường” làm kim chỉ nam cho con người trong mọi hành động, sinh hoạt chính trị và an sinh xã hội. “Tam cương” gồm 3 mối quan hệ rường cột: vua – tôi; cha - con; vợ - chồng; “Ngũ thường” tức năm đạo lý mà người ta cần phải gìn giữ gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Theo Nho giáo, một xã hội mà con người tuân thủ đầy đủ các quy tắc trên thì xã hội sẽ không bị rối loạn.

Nho giáo cũng là một trong những học thuyết có sức sống mạnh mẽ, sự lan toả và tầm ảnh hưởng rộng lớn không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở khắp vùng Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nho giáo du nhập vào Việt Nam vào khoảng đầu công nguyên, trong thời kỳ Bắc thuộc. Nho giáo được du nhập vào Việt Nam với vai trò là công cụ của chính sách cai trị, đồng hóa văn hóa của người phương Bắc, vì vậy, ban đầu Nho giáo chủ yếu thâm nhập vào tầng lớp trên, tầng lớp cai trị. Dầu dần, theo nhiều phương cách khác nhau, Nho giáo đã hòa quyện với những học thuyết, tôn giáo, tín ngưỡng khác trong cơ tầng văn hóa bản địa.

Đến khoảng thế kỷ X-XI, trên đất nước Việt đã chính thức hình thành một hệ tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” (Phật, Đạo, Nho) nhưng Nho giáo ở vị trí ẩn tàng đằng sau. Trong bối cảnh lịch sử thế kỷ X-XI, đặc biệt sau sự kiện trọng đại: vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên Đại La thành Thăng Long (nghĩa là rồng bay lên), thì yêu cầu bức thiết đặt ra lúc bấy giờ là phải củng cố, xây dựng, phát triển nhà nước quân chủ tập quyền độc lập. Những vị vua triều Lý đã vô cùng sáng suốt nhận thức được tình hình và ngay lập tức thấy rõ việc cần thiết phải có một bệ đỡ tư tưởng vững chắc cho bộ máy chính quyền, một đường hướng rõ ràng để ổn định xã hội. Các vua nhà Lý bắt đầu chú trọng tới Nho giáo. Sự kiện lịch sử quan trọng được sử thần Ngô Sĩ Liên ghi lại trong sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) đời Lý Thánh Tông, mùa thu, tháng tám dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế” đã thể hiện rõ điều đó. Bên cạnh đó, nhà Lý bắt đầu chăm lo mở mang học tập và thi cử để đào tạo nhân tài và tuyển lựa quan lại có năng lực cho bộ máy hành chính. Tháng 4 mùa hạ năm Bính Thìn niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng thứ nhất (1076) vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám, tuyển trong các văn thần lấy những người có văn học bổ vào đó. Sự ra đời của Văn Miếu, Quốc Tử Giám dưới triều Lý đã đặt nền móng cơ bản cho chế độ giáo dục khoa cử Nho học sau này. Từ đây Văn Miếu - Quốc Tử Giám dần trở thành trung tâm hội tụ tinh hoa của Nho giáo - Nho học Việt./.


Xem thêm

Lịch sử di tích VM-QTG

vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám