Quốc Tử Giám tức trường Đại học của thời phong kiến, xưa nay vẫn được xem là sản phẩm sáng tạo của nền Nho học Trung Hoa. ở Việt Nam, từ gần ngàn năm trước, trường Quốc Tử Giám đã được thành lập vào đầu thời Lý; suốt các triều đại tiếp theo, ngôi trường này luôn tồn tại và ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, diện mạo một Quốc Tử Giám như thế nào thì chỉ đến Huế người ta mới có thể “tận mục sở thị”. Đây cũng là nguyên do để trường Quốc Tử Giám được thành lập dưới thời Nguyễn ở Huế trở thành một công trình độc hiếm của nước ta.
Văn Miếu Huế (Ảnh P.NCST)
Trường Quốc Tử Giám ở Huế hiện nay nằm tại đường 23 tháng Tám, bên trong Thành nội Huế, phía đông của Hoàng thành. Tuy nhiên, trước đây trường nằm ở phía tây Kinh thành, sát bên Văn Miếu Huế, thuộc địa phận xã An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách Kinh thành khoảng 5km. Năm 1908, thời Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành để tiện việc đi lại, tức vị trí hiện nay.
Quốc Tử Giám ở Huế chính là cơ cấu quản lý giáo dục của triều Nguyễn, cũng là học phủ tối cao của triều đại phong kiến cuối cùng này. Đây chính là nơi đã đào tạo ra nhiều quan chức ưu tú của Nguyễn triều và cũng đào tạo ra nhiều sĩ phu yêu nước từ đầu thế kỷ thứ XIX cho đến nửa đầu thế kỷ này.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, trường Quốc Tử Giám đầu tiên ở Việt Nam được thiết lập vào năm 1076 dưới thời vua Lý Nhân Tông (niên hiệu Anh Võ Chiêu Thắng thứ nhất). Ngay buổi đầu trường đã mang tên là Quốc Tử Giám và đặt ở vị trí đằng sau Văn Miếu tại Kinh thành Thăng Long.
Trường Quốc Tử Giám ở Thăng Long sau khi thành lập đã phát huy vai trò của mình một cách tích cực trong giảng dạy và học tập trong một thời gian dài. Trải qua hai triều đại sau là Trần và Lê, Quốc Tử Giám vẫn giữ nguyên vai trò của mình trong đào tạo nhân tài giúp nước.
Đến đầu triều Nguyễn, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long đã chọn Huế làm Kinh đô cho cả nước, và đó cũng là nguyên nhân khai sinh trường Quốc Tử Giám thứ hai của đất nước vào tháng 8 năm 1803. Trường nằm phía tây của Văn Miếu Huế, tại địa phận xã An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, mặt nhìn ra sông Hương, cảnh vật hữu tình thơ mộng. Lúc bấy giờ, trong trường chỉ có một tòa nhà lớn chính giữa và hai dãy nhà ở hai bên dành cho quan Đốc học và hai quan Phó Đốc học (người ta thường gọi là Giáp và ất để phân biệt) sinh hoạt, và giảng dạy cho học viên. Càng về sau, nhu cầu về những anh tài thao lược kinh bang tế thế càng tăng về chất cũng như về lượng, một ngôi trường với quy mô đơn giản như ban đầu không đủ để đáp ứng. Qua triều Minh Mạng, việc tuyển chọn nhân tài và tổ chức đào tạo càng là yêu cầu bức thiết đối với những dự định xây dựng kiến thiết đất nước rất quy mô của nhà vua.
Năm 1821, Quốc Tử Giám được nâng cấp. Lúc này quy mô của trường gồm: Phía trước là Di Luân Đường, tiếp sau là Giảng đường Di Luân Đường 5 gian 2 chái; Giảng đường 7 gian 2 chái; hai nhà học bên trái bên phải đều 3 gian 2 chái. Bốn phía chung quanh xây tường bằng gạch, phía trước sau đều mở một cửa.
Năm 1826, dựng thêm phòng bên trái, bên phải cho giám sinh ở nhà Quốc Tử Giám, mỗi phòng 19 gian.
Năm 1848, chuẩn y lời tâu mở một cửa vòm ở phía trong tường bao bên hữu nhà Quốc Tử Giám, dựng thêm một dãy 9 gian, ngăn bằng vách gạch; ba sổ phòng, bếp đều một gian, để làm chỗ ba viên Tế tửu, Tư nghiệp ở. Lại dựng hai nhà phòng học chính mỗi nhà 3 gian và 9 gian phòng sinh viên; rồi đều mở một cửa vòm ở bên trái bên phải cửa trường Quốc Tử Giám để tiện ra vào.
Bão năm Giáp Thìn (1904) phá đổ phần lớn cơ sở của trường*. Quốc Tử Giám chỉ được tu sửa tạm những năm sau đó, để đến năm 1908, được di chuyển về địa điểm hiện nay.
Quốc Tử Giám được xem là hoàn chỉnh nhất trong cả triều Nguyễn là vào đầu niên hiệu Tự Đức. Vậy nhưng trong suốt 36 năm thuộc niên đại này, trường vẫn không ngừng được xây cất, chỉnh trang. Năm 1848, triều đình cho xây dựng thêm một tòa nhà lớn gồm 9 gian chung quanh có tường gạch bao bọc và mở thêm một cửa tròn trong nội điện của Di Luân Đường. Đến lúc này, chỉ có ba dãy nhà dành cho quan Tế tửu, Tư nghiệp và các quan Huấn tập (tất nhiên không kể Di Luân Đường, nhà Giảng sách, Phòng học, Thư viện), triều đình lại cho xây thêm hai dãy cư xá cho Giám sinh, mỗi dãy 9 gian, đồng thời cho xây thêm hai phòng học nữa và mở thêm hai cổng ở bên trái và phải khuôn viên trường để các Giám sinh tiện ra vào.
Quốc Tử Giám là trường dạy “làm quan” duy nhất trong toàn đất nước, nên tất cả sĩ tử mưu cầu công danh đều quy tụ về đây ngày càng đông. Bên cạnh đó, ngoài những Giám sinh chính thức thuộc ngạch Tôn sinh, ấm sinh, Cống sinh, còn có cả những người đã thi đỗ Tú tài, Cử nhân có nguyện vọng nhập Giám tiếp tục học tập chờ đợi khoa thi sẽ được xét duyệt. Vì vậy, trường Quốc Tử Giám của triều Nguyễn ngày càng nhộn nhịp đông đúc, quy mô ngày càng lớn rộng.
Trường Quốc Tử Giám tại làng An Bình đã mô tả phần trên cũng tồn tại hơn một trăm năm và luôn giữ được vai trò quan yếu của mình trong việc đào tạo giáo dục những phần tử ưu tú trong xã hội, bổ khuyết vào hàng ngũ quan lại của triều Nguyễn. Vào tháng 7 năm 1942, tức niên hiệu Thiệu Trị thứ 2, trường Quốc Tử Giám này đã bị sét đánh khiến hư hỏng trầm trọng. Đến năm 1904, trận bão Giáp Thìn đã tàn phá vùng Huế một cách khủng khiếp, Quốc Tử Giám cũng là một trong những điểm bị thiệt hại nặng nề. Thế nhưng, để chứng tỏ sự quan tâm đến sự nghiệp đào tạo giáo dục, triều đình nhà Nguyễn tổ chức tu sửa ngay sau đó. Tuy vậy, thiên tai không phải là nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự thay đổi địa điểm của ngôi trường này.
Vào thời Duy Tân, nhà vua nhận thấy trường Quốc Tử Giám ở quá xa Kinh thành như vậy có nhiều điểm rất bất tiện, đặc biệt là việc đi lại kiểm tra của các quan Kiêm quản đại thần, và ngay cả bản thân nhà vua khi muốn đến thăm hoặc tổ chức khảo hạch cũng như những buổi lễ tế hoặc lễ Thị Học, nên năm 1908, vua cho dời trường về phía đông của Hoàng thành, trong phạm vi Kinh thành Huế.
Trường Quốc Tử Giám mới dời về chiếm một vùng đất khá rộng lớn bên trong Kinh thành, mặt trước tiếp giáp tường thành của vòng Kinh thành; mặt sau gần kề với phủ Tôn Nhơn và Ba Viên (nay là công viên Nguyễn Văn Trỗi); bên trái giáp với Cơ Mật Viện (sau là Tam Tòa và nay là trụ sở của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế); bên phải tiếp giáp với Hoàng thành. Tuy nhiên, hiện nay, khu vực phía trước, từ đường 23 tháng Tám đến giáp Kinh thành; khu vực phía sau, từ đường Lê Trực trở về đường Đinh Công Tráng đã thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Vì vậy, giới hạn của khuôn viên trường, hiện nay do Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế quản lý là bốn con đường Đinh Tiên Hoàng, Đoàn Thị Điểm, Lê Trực và đường 23 tháng 8; khu vực này có hình chữ nhật, kích thước: 177m x 173m, tổng diện tích là 30.621m2.
Trước đây trường được chia ra làm hai khu vực chính mà hiện nay vẫn khu biệt, cách nhau bằng đường Lê Trực. Phần trước là khu vực nghi lễ và dạy học; phần sau là khu vực Thư viện và nơi ở của quan chức của trường. Mỗi khu vực này đều có xây tường thấp chung quanh và có trổ cổng để qua lại.
Khu vực phía trước gồm tòa Di Luân Đường, các phòng học (sau thành nhà trưng bày), phòng trọ của giám sinh (sau thành nhà kho) và các công trình phụ thuộc.
Ở khu vực phía sau, nằm chính giữa là Tân Thư Viện, về sau thay đổi chức năng trở thành Bảo tàng Khải Định (từ năm 1923). Hai bên Tân Thư Viện có hai tòa nhà nằm trong khu viên có thành cách biệt, bên trái là nhà của quan Tế tửu tức Hiệu trưởng của trường Quốc Tử Giám; bên phải là nhà của quan Tư nghiệp tương đương Hiệu phó trường. Bên trong khu vực này còn có nhà của các quan chức khác thuộc biên chế trường. Hiện nay khu vực này đã được lập hồ sơ công nhận Di tích Quốc gia (1997).
Khu vực do Bảo tàng Tổng hợp quản lý hiện nay cũng được phân thành nhiều khu vực nhưng về cơ bản chia thành 2 khu lớn: khu phía trước và khu phía sau, có ngăn cách bằng một hàng rào thấp. ở giữa trước kia còn có một cửa Linh Tinh Môn, kiểu giá chiêng, hình thức tương tự các Linh Tinh Môn trong các kiến trúc cung đình Nguyễn.
Khu phía trước, bên phía Tây dùng làm khu trưng bày lộ thiên các chứng tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)- chủ yếu là xe tăng, đại bác; bên phía Đông hiện đang còn để trống.
Khu phía sau, chiếm diện tích khoảng 2/3 ở phần chính giữa là các công trình chính như Di Luân Đường, nhà trưng bày, nhà kho... Phần bên Đông là khu tập thể của Bảo tàng Tổng hợp và một quán cà phê. Phần bên Tây là khu tập thể và văn phòng làm việc của Đoàn Nghệ thuật truyền thống Huế.
Dưới đây chúng tôi sẽ mô tả khu vực kiến trúc chính của trường Quốc Tử Gíam.
I. Tòa nhà chính: Di Luân đường
Đây là một dạng khá đặc biệt của kiến trúc cung đình Huế: kiểu “đường” là chính nhưng pha trộn cả kiểu “các”. Hình thức gần tương tự kiểu công trình này hiện nay chỉ còn tòa Thái Bình Lâu ở bên trong Tử Cấm Thành, tuy nhiên, Di Luân Đường có quy mô và hình thức lớn hơn, phức tạp hơn nhiều.
Di Luân Đường là một tòa nhà 2 tầng, Tầng dưới kiểu nhà kép gồm một tòa nhà 3 gian 2 chái nối với một căn nhà 1 gian hợp thành; tầng 2 là một căn nhà vuông kiểu 1 gian 4 chái. Công trình hướng mặt về phía nam, hướng chung của Kinh thành Huế.
Mặt bằng tổng thể của công trình có hình chữ nhật: 26,73m x 20,70m. Nền công trình được chia làm 2 tầng, bó vỉa bằng đá thanh, cao tổng cộng 1,14m; trong đó tầng 1 cao 50cm, tầng 2 cao 64cm. ở cả 4 mặt công trình đều có 3 hệ thống bậc cấp, mỗi hệ thống gồm 5 bậc. Riêng ở phía nam và phía bắc, hệ thống bậc chính giữa rộng hơn và hai bên chạm rõ hình rồng thành bậc. Các hệ thống bậc cấp còn lại, hai bên bậc cấp chỉ chạm hình giao khá đơn giản. Nền công trình hiện nay hoàn toàn tráng xi-măng nhưng trước kia hẳn được lát bằng gạch Bát Tràng.
1.Nội thất công trình
a. Tầng 1:
Như trên đã nói, cấu trúc kiểu 1 tòa nhà kép: nhà sau kiểu 3 gian 2 chái nối với nhà trước kiểu 1 gian đơn bằng trến chứ không phải bằng vì vỏ cua như thường thấy ở các nhà kép của kiến trúc cung đình Huế, dù phía trên cũng đặt một máng xối để dẫn nước từ 2 mái ra hai đầu hồi.
Bộ vì nóc của nhà trước sử dụng kiểu vì chạm lộng: dùng nguyên một tấm gỗ lớn chạm trổ cực kỳ công phu, biến thành một bộ vì để đở kết cấu dàn mái, hình thức kiểu bộ vì nóc tiền điện của điện Long An nhưng quy mô nhỏ hơn và chỉ sử dụng mô típ lá hóa long chứ không rõ mặt rồng như ngôi điện này.
Từ nhà trước nối qua nhà sau bằng 1 thanh trến ăn mộng trực tiếp từ cột sau nhà trước sang cột trước nhà sau. Phía trên trến này là rầm thượng lát ván.
Toàn bộ trần nhà sau được đóng kín bằng rầm thượng lát gỗ. Cầu thang đi lên tầng hai đặt tại gian gần cuối, xung quanh cầu thang có hệ thống vách ván che kín.
Tại hệ thống liên ba đố bản xung quanh nội ngoại thất của tầng một đều được trang trí tỉ mỉ bằng cách chạm, khảm xương, ngà trực tiếp lên gỗ. Các mô típ phổ biến là: đại tự chữ Hán, bát bửu, thơ văn ngự chế, hoa lá...
Hàng cột hiên chạy quanh công trình đều được đặt thẳng xuống nền tầng 1 chứ không thả xuống hẳn dưới sân. Đây là một thủ pháp của kiến trúc Huế nhằm tạo cảm giác công trình trông có vẻ cao hơn.
Toàn bộ hệ thống cửa và vách công trình đều dùng kiểu “thượng kính hạ bản” (dưới gỗ trên kính) để tăng độ sáng cho nội thất công trình.
Cầu thang đi lên tầng hai mở về phía đông, làm bằng gỗ, lan can hoa sắt nhưng tay cầm bằng gỗ, kiểu dáng khá đơn giản. Cầu thang rộng 90cm, chia làm 2 phần; phần dưpới gồm 9 bậc, tầng trên 11 bậc; mỗi bậc có kích thước 80cm x 30cm.
Tầng một của công trình hiện nay được Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế dùng làm không gian trưng bày các chuyên đề không cố định. (Tại thời điểm này, tức tháng 10/2003, đang trưng bày chuyên đề về thời kỳ Tiền Sơ sử và Văn hóa Champa Thừa Thiên Huế)
b. Tầng 2:
Đây là tầng dành cho việc thờ tự, toàn bộ bài vị Khổng Tử và đồ đệ của ông đều được bài trí tại gian chính giữa của tầng này. Nhà kiểu phương gia 1 căn 4 chái với 12 cột trụ. Tấm hoành lớn sơn son thếp vàng đề 3 chữ Hán đại tự MINH TRƯNG CáC được đặt ngay phía trước gian chính.
Trong gian chính giữa đặt một chiếc án lớn trần thiết bát hương chung và 8 chiếc bàn có kích thước khác nhau để đặt bài vị Khổng Tử cùng các đồ đệ và thiết trí các phẩm vật khi cúng tế (xem phần Hiện vật trong di tích).
Bộ vì nóc của công trình dùng kiểu giá chiêng khá phổ biến ở phần hậu điện trong kiến trúc cung đình Huế. Hệ thống kèo thực hiện việc liên kết giữa vì nóc và các bộ phận còn lại.
Hệ thống liên ba, đố bản quanh nội ngoại thất công trình được trang trí bằng các khảm trạm trực tiếp lên mặt gỗ; các mô típ tương tự như ở tầng 1. Đáng chú ý là các bài thơ Đường có minh họa bằng các tiểu cảnh được khảm xương ở mặt trước đố bản gian chính ở các mặt nam, đông và tây (Xem nội dung ở phần Phụ lục: Văn tự Hán Nôm trong di tích). Đây là những bức tranh khảm có giá trị mỹ thuật rất cao.
2. Ngoại thất công trình
a..Mái
Mái công trình chia làm 2 lớp thuộc tầng trên và tầng dưới. Hầu hết các bộ mái chính của Di Luân Đường, gồm cả 2 tầng thượng hạ đều được lợp bằng ngói âm dương tráng men vàng, riêng ba mặt đông, tâyphần mái lưa chạy bao quanh bên dưới của mái hạ lợp bằng ngói liệt chiếu.
- Mái thượng: Bờ nóc đắp cao và chia thành ô hộc để trang trí bằng cách ghép sành sứ. Đỉnh nóc đắp hình một chữ THọ lớn, quanh chữ thọ có các dây hoa lá trang trí. Hai đầu bờ nóc đắp hình hồi long cũng bằn sành sứ. Các bờ quyết của mái thượng cũng dùng vật liệu tương tự nhưng đắp con lân ghép mảnh sành sứ, đầu lân quay hướng về đỉnh nóc.
- Mái hạ: Nằm ở phần phía trước công trình. Bờ nóc đắp cao và chia ô trang trí tương tự bờ nóc mái thượng. Chính giữa bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nhật (hai con rồng chầu về phía mặt trời). Phía hai đầu bờ nóc mái hạ đắp nổi hình hai con cá chép đang trườn xuống trông rất sinh động. Tất cả con giống này đều đắp bằng sành sứ. Các bờ quyết của mái hạ đều đắp hình giao, kiểu thức khá đơn giản. Riềng đầu hồi cả 2 phía đông tây đều đắp sành sứ hình dơi ngậm đồng tiền, riêng đồng tiền thì vẽ màu nước chứ không ghép mảnh.
b. Hệ thống cổ diêm, ô hộc
Toàn bộ hệ thống cổ diêm của mái hạ và bờ nóc đều được chia thành các ô hộc để trang trí. Các mô típ trang trí đều là các mô típ truyền thống Huế, chủ yếu là bát bửu, hoa lá và hoàn toàn không có thơ văn như các cung điện khác. Vật liệu trang trí đều dùng mảnh sành sứ kiêm vẽ màu nước. Màu sắc phần nền các ô hộc gần nhau dùng nguyên tắc tương phản để làm nổi bật.
c. Máng xối:
Máng xối là phần nối giữa bộ mái sau nhà trước và mái trước nhà sau. Cũng như các công trình kép trong kiến trúc cung đình, máng xối này nguyên làm bằng đồng (nay làm bằng tôn cứng), chạy dài suốt hết chiều ngang của mái, dẫn nước ra hia đầu hồi. Hai đầu máng xối đắp hai đầu rồng lớn đang há miệng để phun nước ra.
II. Hai tòa nhà ngang (Nhà trưng bày A và B)
Nguyên đây là hai tòa nhà dùng làm các phòng học của học sinh trường Quốc Tử Giám, được xây dựng sau khi trường dời về vị trí hiện tại. Do hai dãy nhà này hoàn toàn tương tự nhau về qui mô, kiểu dáng, nằm đối xứng với nhau nên chúng tôi chỉ mô tả chi tiết một trong hai tòa nhà này, mà cụ thể là tòa nhà phía tây (nhà A, từ đây trở xuống chúng tôi xin gọi tắt bằng tên gọi này).
1. Nhà A là một tòa kiến trúc lớn được xây dựng theo phong cách kiến trúc thuộc địa mà người Pháp đã áp dụng khá phổ biến khi xây dựng các tòa công sở, nhà hát, trường học...ở Đông Dương cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Mặt bằíng công trình hình chữ nhật, kích thước 16,169m x 44,742m, tức diện tích tới hơn 720m2. Mặt trước nhà hướng về phía đông. Nhà được đặt trên nền cao 70cm, bó vỉa bằng gạch. Toàn bộ phần thân nhà xây kết cấu tường chịu lực, dày 30-40cm và các trụ vuông gắn liền với thân tường. Mái công trình lợp ngói liệt, hai đầu bờ nóc, bờ quyết có đắp hình giao. Mặt trước công trình làm 3 hệ thống bậc cấp dẫn lên nền, trong đó hệ thống bậc cấp giữa rộng nhất. Tại đầu hồi phía nam có một hệ thống bậc cấp nữa dẫn lên phần nền ở đầu hồi này. ở mặt trước này trổ 5 cửa vòm dẫn vào phần hành lang, trong đó có 3 cửa vòm lớn được đặt ở giữa, hai cửa vòm nhỏ hơn đặt ở gần 2 đầu hồi. Phía trên đầu 3 cửa vòm giữa được tạo hình thành 3 chiếc cuốn thư trông khá lạ mắt; ở giữa 3 cuốn thư này đề 3 chữ Hán QUốC Tử GIáM. Phần đầu các cuốn thư được trang trí khá công phu.
Bên trong tòa nhà có hệ thống hồi lang chạy bao quanh cả 4 mặt, rộng 2m. Phần nội thất chính đặt ngay chính giữa, chia thành 5 phòng, có lối thông đạo ở trung tâm. Mặt trước mở 9 cửa (mỗi phòng 2 cửa trừ phòng nhỏ nhất nằm kế phòng phía bắc chỉ mở 1 cửa); mặt sau mở duy nhất 1 cửa ở ngay vị trí trung tâm. Toàn bộ phần nền nhà được lát gạch hoa, cỡ 30cm x 30cm. Phần trần nhà được lát bằng ván ép.
Hai đầu hồi phía bắc và phía nam đều xây các ban công lồi ra ngoài. Hai đầu ban công có hệ thống bậc cấp dẫn lên; tường lan can sử dụng kiểu con tiện khá đẹp mắt. Ban công cũng có hai trụ tạo dáng uốn cong kiểu cổng vòm; phía trên làm kiểu cuốn thư tựa như ở mặt trước.
Phần đầu đốc trang trí hình cách điệu hoa lá và vòng tròn chữ thọ, kiểu mô típ dơi ngậm đồng tiền cùng các hoa văn kỹ hà.
Nhìn chung, nhà trưng bày A là một công trình kiến trúc đẹp, có sự pha trộn phong cách Đông- Tây khá độc đáo. Hiện nay ngôi nhà này đang được Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế sử dụng làm nhà trưng bày về lịch sử địa phương thời kỳ Tiền Sơ sử.
2. Nhà trưng bày B: Có quy mô, kiểu dáng cấu trúc và trang trí hoàn toàn tương tự nhà trưng bày A nhưng đặt ở vị trí đối xứng. Hiện công trình này được sử dụng là văn phòng làm việc của Ban gián đốc Bảo tàng và nhà trưng bày lịch sử địa phương thời kỳ chống Mỹ (1954-1975).
III. Hai nhà kho (nhà kho A, B)
Đây là 2 tòa nhà kho nằm ở phía bắc hai tòa nhà trưng bày và bố trí vuông góc với hai tòa nhà trên. Giữa nhà kho và nhà trưng bày có nhà cầu kiểu 3 gian nối liền hai công trình. Hai tòa nhà kho này cũng có cấu trúc, quy mô và hình thức trang trí tương tự nhau nên chúng tôi chỉ mô tả kỹ một trong hai công trình.
1. Nhà Kho A: Nằm ở phía tây bắc Di Luân Đường. Công trình mở ra ba mặt về hướng bắc, nam và hướng đông (ở ba hướng này có hệ thống bậc cấp đi lên) nhưng mặt chính là hướng nam. Bình diện công trình hình chữ nhật, kích thước: 11,145m x 28,235m. Nền được xây gạch bó vỉa, cao 0,829m, mặt nền tráng xi măng.
Cấu trúc ngôi nhà này khá độc đáo: bề ngoài tương tự một công trình kiến trúc kiểu Pháp với tường chịu lực dày, hệ thống cửa kính, cửa chớp...nhưng bên trong lại có cấu trúc kiểu dùng hệ khung gỗ như một công trình kiến trúc truyền thống Huế (dù hệ khung gỗ này đã được thay thế bằng cột gạch). Nhà nguyên thủy kiểu 7 gian 2 chái nhưng sau được cải chế lại bằng cách xây hệ thống tường bao quanh 7 gian chính, chừa 2 chái và phần mặt trước thành hệ thống hồi lang 3 mặt quanh công trình. Hồi lang này rộng 2,425m.
Phần 7 gian chính được xây tường ngăn chia thành 3 phòng, hai phòng bên mỗi phòng 2 gian, phòng giữa 3 gian. Phòng phía tây mở 1 cửa về hướng nam; phòng giữa mở 2 cửa theo cùng hướng; riêng phòng phia đông mở 1 cửa về hướng đông.
Hệ khung mái của công trình vẫn làm bằng gỗ nhưng đã xây tường bít đốc thay cho bộ vì nóc. Phần mái được cắt thành 2 lớp, mái trên nâng cao để tạo phần cổ diêm, rộng đến 0,672m. Nhờ kiểu cấu tạo này, công trình được nâng cao lên đáng kể; chiều cao tổng cộng của công trình, tính cả nền là 7,442m. Mái công trình hiện đang được lợp ngói liệt; bờ nóc, bờ quyết vốn có trang trí hình giao, đắp khá đơn giản nhưng nay không còn; Cổ diêm được chia thành các ô hộc nhưng hoàn toàn không trang trí.
2. Nhà kho B: Nằm đối xứng với nhà kho A ở phía đông. Về hình thức, công trình này tương tự như nhà kho A nhưng bên trong vẫn giữ nguyên hệ kết cấu khung gỗ kiểu kiến trúc Huế truyền thống. Nhà kiểu 7 gian 2 chái với 8 hàng cột trụ, đường kính 30cm Hàng cột hiên ngoài hai chái được thay thế bằng hệ thống tường chịu lực. ở hai hàng cột ngoài cùng sử dụng thêm một cột trụ, đở từ trến cắm xuống nền nhà. Toàn bộ nội thất 7 gian được để thông suốt với nhau để tăng diện tích chứa các hiện vật.
Điểm khác nữa so với nhà kho A là nền nhà kho B cao hơn, đến 0,833m; mái cũng đắp cao hơn nên chiều cao tổng cộng của công trình đạt đến 8,138m. Phần trang trí bờ mái bằng các hình giao đắp nổi khảm sành sứ, do mới được tu bổ nên vẫn còn khá nguyên vẹn.
Hiện nay cả hai tòa nhà kho A, B đang được Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế dùng làm kho chứa hiện vật (nhà B) và kho sách (nhà A).
IV. Hiện vật
Bên cạnh các công trình kiến trúc đã mô tả trên, các hiện vật hiện tồn tại cùng Quốc Tử Giám cũng hết sức quý và rất đáng được quan tâm, đó là những bia đá khắc văn thơ Ngự chế, những hoành phi lưu Ngự bút của vua Thiệu Trị, vua Duy Tân cùng hệ thống bài vị thờ Khổng Tử và các môn đồ...
1. Tấm bia Huỳnh Tự Thư Thanh
Đây là tấm bia đặt ngay trước tòa Di Luân Đường, nhưng nguyên xưa đặt trong phạm vi trường Quốc Tử Gíam ở phía tây chùa Thiên Mụ. Chính ở ngôi trường bên bờ sông này, vua Thiệu Trị đã xếp vào một trong hai mươi thắng cảnh của đất Thần Kinh và làm thơ ca ngợi vẻ đẹp của ngôi trường cũng như nói lên tôn chỉ của việc học trong thời đại ấy. Ngôi trường này chính là thắng cảnh thứ 18 (đệ thập bát cảnh) trong 20 thắng cảnh của đất Thần kinh, còn bài thơ ca ngợi mang tên Huỳnh tự thư thanh(Nghe tiếng đọc sách ở trường). Toàn bộ bài thơ (có một bài tựa viết theo lối biền ngẫu) được khắc vào bia đá và dựng ngay trước mặt Di Luân Đường. Năm 1908, khi trường Quốc Tử Giám dời về vị trí hiện nay, tấm bia đá này cũng được mang về và vị trí của nó vẫn là phía trước của Di Luân Đường. Phần nội dung bài thơ chúng tôi đã giới thiệu trong cuốn sách Thần kinh nhị thập cảnh-Thơ vua Thiệu Trị (Nxb Thuận Hóa, 1997).
Về kiểu dáng, bia có hình thức của bia đá thời Nguyễn, có trán bia, tai bia. Phần trán bia trang trí các cụm mây xoắn xung quanh một vòng tròn lưỡng nghi đặt ở chính giữa. Quanh 4 mặt của diềm bia cũng được trang trí bằng những đồ hình sóng nước thường thấy trong các bia Nguyễn. Về kích thước, bia cao 113cm, rộng 69cm, dày 17cm; riêng phần lòng bia rộng 33cm. Bia được đặt trên 1 bệ đá hình sập chân quỳ không chạm trổ. Bệ có kích thước 72cm x 47cm x 24cm. Phía dưới bệ còn xây 3 bậc cấp để tôn cao bia.
2. Tấm bia Thị Học
Đây cũng là tấm bia vốn đặt trong phạm vi trường Quốc Tử Gíam khi trường còn tọa lạc bên bờ sông, ở phía tây chùa Thiên Mụ; năm 1908, thời Duy Tâm mới được dời về vị trí hiện tại. Nội dung chính là khuyến khích việc học của học sinh của trường.
Vào niên hiệu Tự Đức, triều đình nhà Nguyễn có thêm hai lần cải thiện quy mô của trường Quốc Tử Giám. Vua Tự Đức thường thân hành đến thăm trường và tự thân khảo sát trình độ học vấn của các Giám sinh. Nhà vua còn tổ chức những buổi lễ Thị Học (xem xét việc học tập) vô cùng trang nghiêm nhằm động viên khích lệ sĩ tử nỗ lực phát huy hết tài năng của mình trong học tập đạo lý Thánh hiền đồng thời vận dụng vào trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước, làm sáng rỡ nền văn hiến của dân tộc.
Năm 1854, trong một lần ngự giá đến Quốc Tử Giám để chủ trì một buổi lễ Thị Học, vua Tự Đức đã ngự chế một bài văn và 4 bài thơ khuyên răn các Giám sinh phải biết cần mẫn, trung thực trong việc học để có thể đặt đến sự tinh xảo trong nghiệp vụ cũng như thành đạt trên hoạn lộ. Đồng thời nhà vua còn khẳng định việc học chính là nền tảng cho cái gọi là “tam lập” của đạo Nho (lập đức, lập công, lập ngôn), khiến cho Đạo được hanh thông, phong hóa thuần thục, làm rạng rỡ đức sáng của tổ tiên, giữ vững nghiệp lớn của đất nước. Bia Thị học khắc lại nguyên văn bài văn và 4 bài thơ trên.
Về kiểu dáng, bia có hình thức tương tự tấm bia nhỏ đặt ở phía trong sân trường; tức cũng cóù trán bia, tai bia. Phần trán bia trang trí các cụm mây xoắn xung quanh một vòng tròn lưỡng nghi đặt ở chính giữa. Quanh 4 mặt của diềm bia cũng được trang trí bằng những đồ hình sóng nước thường thấy trong các bia Nguyễn. Về kích thước, bia cao 223cm, rộng 145cm, dày 21cm; riêng phần lòng bia rộng 96cm. Bia được đặt trên 1 bệ đá hình sập chân quỳ không chạm trổ. Bệ có kích thước 150cm x 72cm x 59cm. Phía dưới bệ còn xây 2 bậc cấp bằng đá thanh để tôn cao bia. Bệ trên có kích thước 222cm x 153cm x 25cm. Bệ dưới có kích thước 290cm x 220cm x 28cm.
Trải qua mưa gió thời gian, văn tự trên tấm bia này bị bào mòn rất nghiêm trọng, phần lớn chữ đã trở nên rất khó đọc.
3. Hệ thống bài vị thờ tại Di Luân Đường
Nguyên đây là những bài vị đặt tại Di Luân Đường-Quốc Tử Giám khi công trình này còn tọa lạc bên bờ sông Hương ở phía tây chùa Thiên Mụ. Sau khi công trình được dời về vị trí hiện tại, những bài vị này không rõ vì sao đã “lưu lạc” đến chùa Thiên Mụ và được cất giữ tại đây đến sau năm 1975 mới được chuyển về lại công trình ở vị trí mới.
Hiện tại, ở tầng trên Di Luân Đường còn bày 19 bài vị, được bày thành 5 hàng như sau:
-Hàng trong cùng gồm 5 chiếc quan trọng nhất, được đặt trên 1 chiếc án dài 165cm, rộng 54cm, cao 91,5cm. Đó là bài vị của Khổng Tử (giữa) và Tứ Phối, gồm Nhan Tử, Tử Tư (bên tả) và Tăng Tử, Mạnh Tử (bên hữu).
Cả 4 bài vị bên đều có kiểu thức giống nhau: cao 64cm, rộng cả tai 28cm, đặt trên đế cao 21cm, rộng 17cm, dài 28cm.
Riêng bài vị của Khổng Tử ở chính giữa, do quan trọng nhất nên có quy mô lớn nhất: cao 66cm, rộng cả tai 30cm, đặt trên đế cao 21cm, rộng 17cm, dài 28cm.
-Hai bên, mỗi bên đặt 6 bài vị của Thập Nhị Triết (tức 12 vị đồ đệ nổi tiếng của Khổng Tử). Các bài vị này có kích thước và kiểu dáng tương tự như nhau: đều cao 51cm, rộng 13cm, dày 2,5cm và được đặt trên đế cao 13cm, rộng 17cm, dài 26cm. Các bài vị này được đặt trên 2 chiếc án giống nhau: cao 87cm, rộng 35cm, dài 160cm.
-Ở hai bên, phía ngoài, ngay phía sau án tiền có đặt 2 chiếc án nhỏ, đóng kiểu chiếc đôn gần vuông, kích thước 26 x26,5cm, cao 81cm; trên án đặt 2 bài bị thờ các vị Tiên Hiền được thờ theo. Hai chiếc bài vị này giống nhau, mỗi chiếc đều cao 29cm, rộng 13cm đặt trên đế cao 13cm, rộng 15cm.
4. Các án thờ và án đặt bài vị
Hiện nay, tại tầng 2 Di Luân Đường có 9 chiếc án thờ và án đặt bài vị của Khổng Tử và học trò của ông, tất cả các án này đều được sơn son thếp vàng. Ngoài các án đặt bài vị mà chúng tôi đã mô tả, đáng chú ý là chiếc án tiền (án đặt bát hương chính). án được làm theo kiểu các án thờ trong các miếu thờ tổ tại Hoàng cung Huế. án cao 132cm, rộng 66cm, dài 133cm. Tuy đây là chiếc án mới được phục chế lại năm 1998, nhưng có giá trị khá cao về mỹ thuật.
5. Những hoành phi ghi tên công trình
Hiện tại, ở Di Luân Đường có 2 tấm hoành phi ghi tên công trình. Có thể xem đây là hai hiện vật rất quý.
a. Tấm hoành phi đề 3 chữ “Di Luân đường”. Tấm hoành này nguyên treo ở tầng 1 tòa nhà nhưng nay đã hạ xuống và đang cất trong kho. Hoành hình chữ nhật, kích thước 1m x 2m; toàn bộ mặt trước được sơn son thếp vàng, mặt sau để nguyên gỗ.
Chính giữa đề 3 chữ DI LUÂN ĐƯờNG; hai bên có 2 dòng lạc khoản:
Minh Mạng thập niên cát nhật tạo (Làm vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ 10-1829).
Duy Tân nhị niên thập nguyệt cát nhật cải chế (Cải chế lại công trình vào ngày tốt tháng 10 năm Duy Tân thứ 2-1908)
IV.5.2 Tấm hoành phi đề 3 chữ: Minh Trưng các. Tấm hoành này hiện treo ở mặt trước, tầng 2 của tòa nhà. Hoành có hình chữ nhật, kích thước 2m x1m; toàn bộ mặt trước được thếp vàng, chữ được sơn son. Chính giữa đề 3 chữ đại tự “Minh Trưng các”, bên phải có dòng chữ nhỏ: Ngự bút Duy Tân nhị niên thập nguyệt cát nhật cải kiến (thủ bút của Vua nhân cải chế công trình vào ngày tốt tháng 10 năm Duy Tân thứ 2-1908). Dòng bên trái có lạc khoản: Thiệu Trị ngũ niên lục nguyệt cát nhật kiến (Làm vào ngày tốt tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 6-1846)
Có thể nói Quốc Tử Giám là một trong những di tích đặc biệt quý hiếm của Huế và của cả Việt Nam hiện nay, bởi đây là trường Đại học duy nhất trong thời quân chủ còn tồn tại ở nước ta. Chỉ riêng với ý nghĩa này thôi, di tích Quốc Tử Giám đã xứng đáng được xếp hạng và được bảo vệ như một di tích đặc biệt của Quốc gia.
Về mặt lịch sử, Quốc Tử Giám là đại diện duy nhất phản ánh diện mạo của một trường Đại học thời phong kiến, nó cũng là sự minh chứng cho tư tưởng coi trọng việc học hành của thời Nguyễn nói riêng và các triều đại Việt Nam nói chung.
Về mặt kiến trúc, Quốc Tử Giám mà đặc biệt là tòa Di Luân Đường là một công trình độc hiếm của kiến trúc cung đình thời Nguyễn, một công trình có sự pha trộn giữa "đường" và "các" rất đặc biệt của thời Nguyễn. Đây cũng là một công trình có giá trị rất cao về mặt nghệ thuật trang trí với hàng trăm ô hộc khảm chạm xương ngà và đắp nổi sành sứ ở nội ngoại thất. Các công trình khác như nhà trưng bày, nhà kho cũng có những giá trị nhất định về kiến trúc và lịch sử vì chúng đều là hiện thân của một thời kỳ phát triển của kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX.
Về mặt văn học, Quốc Tử Giám cũng là nơi lưu trữ hàng trăm bài thơ có giá trị của các vua quan triều Nguyễn; hai tấm bia đá thời Thiệu Trị và thời Tự Đức trong khuôn viên trường cũng chứa đựng những nội dung rất quý về văn học và nghệ thuật chế tác bia.
Quốc Tử Giám hiện nay tuy mới được triều Nguyễn xây dựng lại đầu thế kỷ XX, nhưng trải qua một thế kỷ nhiều biến động nên đã có nhiều thay đổi lớn: Các tòa nhà chính như Di Luân Đường, nhà trưng bày, nhà kho, Thần Trù...đều bị xuống cấp rất nghiêm trọng. Một số công trình mới được xây dựng (chủ yếu là dạng nhà cấp IV) làm nơi ăn ở, sinh hoạt của cán bộ công nhân viên Bảo tàng và Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế đã phá vỡ nghiêm trọng quy hoạch chung của ngôi trường này. Để khắc phục tình trạng trên, Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế đã có những nỗ lực lớn trong việc trùng tu, tôn tạo các công trình chính. Năm 1995, Sở đã tiến hành dự án tu bổ tòa nhà Di Luân Đường. Năm 2000, Sở lại chỉ đạo Bảo tàng Tổng hợp tiến hành Dự án sắp xếp lại toàn bộ phần trưng bày về các chứng tích chiến tranh ở phía tây nam. Đến năm 2002, Sở đã phối hợp với Công ty Mỹ thuật Trung ương lập dự án tu bổ tổng thể toàn bộ cụm di tích Di Luân Đường-Quốc Tử Giám...
Tuy nhiên, việc giao một di tích quan trọng như Quốc Tử Giám cho Sở Văn hóa Thông tin quản lý trong khi tại Huế có một đơn vị làm nhiệm vụ quản lý toàn bộ quần thể di tích cung đình thì quả chưa thật hợp lý. Thiển nghĩ, di tích này cần sớm được chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thì khả năng bảo tồn và khai thác phát huy mới thực sự đạt hiệu quả cao, bởi vì từ ngày 11 tháng 12 năm 1993, di tích Quốc Tử Giám đã trở thành một bộ phận trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới./.
Ts. Phan Thanh Hải
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế