vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

THẦY CHU VĂN AN VÀ VÙNG NÚI PHƯỢNG HOÀNG


(Ảnh: Đền thờ thầy giáo Chu Văn An trên núi Phượng Hoàng)

Trong thời gian giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, thầy Chu Văn An (còn gọi là Chu An) đã ra sức giúp vua đào tạo nhân tài, rèn cặp các vị Thái tử. Đến thời Trần Dụ Tông (1341 – 1369 ), chính sự rối ren, nhà vua ham mê chơi bời, xao lãng việc nước, triều thần lộng hành ... Trước nghịch cảnh đó, thầy Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ” khuyên vua chém bảy tên gian thần. Vua không nghe, Thầy từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trong sách Kiến văn tiểu lục, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) đã viết: “Nói về nước ta thì triều Trần có 5 người (nổi tiếng tiết tháo, cương trực). Chu An dâng sớ xin chém bọn nịnh thần, làm rung động cả trong triều ngoài quận, rồi cáo quan trả mũ áo về nhà, không chịu để tước lộc bó buộc, vua chúa phải tôn trọng, công khanh phải kính phục, đấy là bậc thanh cao nhất…”.

 Núi Phượng Hoàng là thắng cảnh có rừng thông bát ngát, suối trong rì rà, đá núi lô xô, chùa tháp cổ kính với 72 ngọn núi ngoạn mục. Một vùng núi nằm giữa một quần thể di tích và là nơi di dưỡng tinh thần của nhiều danh nhân từ thời Lý – Trần. Tại đây, thầy Chu Văn An tiếp chuyên tâm viết sách, dạy học, bốc thuốc cứu giúp dân nghèo và sáng tác nhiều thơ văn: Tiều ẩn thi tập, Tiều ẩn quốc ngữ thi tập, Y học yếu giải... Đến nay hầu hết đã thất truyền, chỉ còn lại 12 bài thơ chữ Hán và tập Y học yếu giải. Mặc dù được sáng tác trong những năm cuối đời tại Phượng Hoàng nhưng thơ của Thầy (Linh sơn tạp hứng, Thanh Lương giang, Miết Trì, Xuân đán, Sơ hạ....) đều “rất trong sáng, u nhàn” toát lên tinh thần ung dung tự tại, không màng danh lợi của một người đã về ở ẩn, chỉ“khi có triều hội lớn mới đến kinh sư”. Tuy nhiên, sâu thẳm trong đó vẫn ẩn chứa khí tiết của người quân tử và nỗi lòng đau đáu hướng về đất nước:

Lòng như giếng cổ không xao sóng

Thân với mây đơn mãi nhớ ngàn[1].

Năm 1370, Thầy Chu Văn An qua đời, hưởng thọ 78 tuổi. Tưởng nhớ công ơn của Người Thầy “tinh thông về lý học, khi ra đời (xuất thế) cũng vì lễ, khi ở ẩn (thoái ẩn) cũng vì nghĩa[2], nhân dân lập đền thờ (điện Lưu Quang) ngay tại nơi Thày dạy học. Phần mộ của Thầy vẫn nằm trên núi Phượng Hoàng, cách đền thờ chính ngày nay không xa. Ngày 14/9/1994, đền thờ Thầy Chu Văn An được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Vào những năm 2000, được phép của Bộ VH,TT&DL, Bảo tàng tỉnh Hải Dương và Viện Khảo cổ đã tiến hành nghiên cứu, khai quật vùng núi Phượng Hoàng, phát lộ nhiều di chỉ, hiện vật thời Trần, Lê liên quan đến Thày Chu Văn An (phần mộ, giếng son, tượng đá...). Nhằm phát huy những truyền thống tốt đẹp của địa phương và dân tộc, toàn bộ khu Di tích đã được trùng tu, tôn tạo lớn. Hiện nay, quần thể di tích Đền thờ Chu Văn An tại núi Phượng Hoàng, huyện Chí Linh đã trở thành một trong những địa chỉ văn hóa nổi tiếng, thường xuyên được du khách trong nước, quốc tế  và nhiều thế hệ học trò thường xuyên viếng thăm để thể hiện lòng biết ơn, tôn kính đối với một trong những Người Thầy ưu tú nhất của Đất nước Việt Nam./.

[1] Trích bài thơ “Xuân đán” của thầy Chu Văn An.

[2] Trích văn bia thờ Thày Chu Văn An ở làng Huỳnh Cung do Tham tụng Bùi Huy Bích (1744 - 1802) biên  soạn.

Bùi Bích Phương


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám