vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Toạ đàm khoa học: "Thân thế - sự nghiệp Hoàng Giáp Nguyễn Đương Hồ"


Nguyễn Đương Hồ (1657 – 1740) người Tiên Du, Bắc Ninh thi đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Chính Hòa thứ 4 (1683) đời vua Lê Hy Tông, cùng khoa với Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo (Liên Bão - Tiên Du). Hơn 40 năm quan lộ, trải qua nhiều chức quan, từ trong triều đến ngoài biên ải, Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ luôn hoàn thành xuất sắc cương vị của mình, tỏ rõ là một vị quan văn võ song toàn, thanh liêm đức độ. Ông đề xuất và thực hiện nhiều chính sách cải cách góp phần củng cố triều chính, kỷ cương đất nước, góp phần xây dựng đất nước hưng thịnh, dân cư yên nghiệp làm ăn. Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ là một trong những nhà khoa bảng người Bắc Ninh - Kinh Bắc có nhiều công lao đối với đất nước, quê hương, là tấm gương cho hậu thế noi theo.

Nhằm đánh giá toàn diện con người và sự nghiệp của nhà khoa bảng Nguyễn Đương Hồ cũng như những công hiến của ông đối với đất nước, quê hương, ngày 11/8/2016 tại Di tích Quốc gia Nhà thờ dòng họ Nguyễn Đương (làng Dương Húc, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh phối hơp với UBND xã Đại Đồng và dòng họ Nguyễn Đương đã tổ chức Tọa đàm Khoa học: “Thân thế - sự nghiệp Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ”.

Tham dự tọa đàm có các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sử học Việt Nam, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hội khoa học lịch sử tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, Bảo tàng Bắc Ninh, Bắc Giang, lãnh đạo UBND huyện Tiên Du, UBND xã Đại Đồng, đông đảo hậu duệ dòng họ Nguyễn Đương từ khắp các miền đất nước, đại diện các dòng họ Đàm (Từ sơn) họ Nguyễn Đăng (Liên Bão), họ Nguyễn (Phù Đổng) và bà con nhân dân thôn Dương Húc.

 

 

Qua 21 tham luận của các nhà nghiên cứu, thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ đối với triều Lê – Trịnh, với đất nước và quê hương đã được sáng tỏ. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu còn đề xuất ra nhiều giải pháp nhằm phát huy những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể về và liên quan đến Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ hiện còn trong việc giáo dục truyền thống hiếu học đối với các thế hệ con cháu, nhân dân địa phương hiện nay. Những giải pháp bảo tồn phát huy giá trị cụm di tích nhà thờ và phần mộ Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ cũng được đặt ra nhằm gìn giữ Di sản văn hóa quý giá cho thế hệ sau./.

 

Ảnh: Ông Nguyễn Hữu Mạo - Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Tạo đàm khoa học

 

Ảnh: Nhà thờ Hoàng giáp Nguyễn Đương Hồ - Tiên Du, Bắc Ninh

 

Nguyễn Dương Hoà

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám