vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Trạng nguyên Nguyễn Trực (1417-1473)


Trạng nguyên Nguyễn Trực tự là Công Dĩnh, hiệu là Hu Liêu, nguyên quán ở xã Bối Khê huyện Thanh Oai, sau rời đến xã Nghĩa Bang, phủ Quốc Oai (nay là xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Nguyễn Trực sinh ngày 16 tháng 5 năm Đinh Dậu (1417) tại Am Long Đẩu, núi Phật Tích, trong một gia đình danh gia vọng tộc, nối đời khoa bảng. Cụ nội của Nguyễn Trực là Nguyễn Hữu từng giữ chức Hàn lâm viện Thị giảng kiêm Thẩm hình viện sự dưới triều Trần. Ông nội là Nguyễn Bính - một người nổi tiếng tài ba đức độ, từng giữ chức Huấn đạo phủ Ứng Thiên. Thân sinh ra Nguyễn Trực là Nguyễn Thì Trung là người Nho học, đạo đức trong sáng, nghiêm cẩn. Khi giặc Minh sang xâm lược nước ta, Nguyễn Thì Trung nhận thấy mảnh đất Nghĩa Bang, phủ Quốc Oai là nơi “Long hội quần anh”, nên đã ôm sách chạy về đây và kết duyên với bà Đỗ Thị Trừng, vốn là cháu xa của Phụng Thánh phu nhân triều Trần, sinh ra Nguyễn Trực.

 

Description: http://api.vanmieu.gov.vn/rivera-resource/media/upload/2016/08/26/nha-tho-nguyen-truc-20160818090953451-20160826151544517.jpg

Nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực, xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội (Ảnh P.NCST)

 

Nguyễn Trực tuy xuất thân từ một gia đình công thần, nhưng nhà nghèo. Thuở nhỏ chăn trâu giúp bố mẹ, ông thường ngồi trên mình trâu mà đọc sách. Nguyễn Trực từ bé đã nổi tiếng khắp vùng là thần đồng. Mười hai tuổi, Nguyễn Trực đã giỏi văn thơ,mười tám tuổi đỗ đầu thi Hương. Trong kỳ thi, cả ba trường, nhất, nhì, ba ông đều đỗ xuất sắc. Năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo 3 (1442), ông cùng 450 cống sĩ dự kỳ thi Hội, là một trong 33 người trúng cách, vào dự thì Đình. Hoàng thượng ban cho Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên. Khi đó ông mới 26 tuổi.

Nguyễn Trực là vị Trạng nguyên khai khoa của triều Lê. Sau khi thi đỗ Trạng nguyên Nguyễn Trực đã kinh qua các chức vụ quan trọng của triều đình như: Chiêu nghị Đại phu, Hàn lâm viện Trực học sĩ kiêm Vũ kỵ đô uý, An phủ sứ Nam Sách, rồi được nhậm chức Hàn lâm viện Thị giảng, Thiếu trung Đại phu. Nguyễn Trực đã từng giữ chức Trung thư Thị lang, Ngự tiền học sinh Nhị cục. Ông nhận lệnh vua Lê Nhân Tông làm Chánh sứ cùng Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường làm Phó sứ sang nhà Minh. Tương truyền khi ấy, vương triều phương Bắc có mở khoa thi, với tài ứng đối kiệt xuất và kiến thức uyên bác, Nguyễn Trực đã dự thi và đỗ Trạng nguyên, Trịnh Thiết Trường đỗ Bảng nhãn. Vua Minh ban cho các ông cẩm bào và vinh quy về nước, hoàn thành sứ mệnh bang giao và trở thành vị Lưỡng quốc Trạng nguyên thời Hậu Lê ở nước ta. Năm 1457, Nguyễn Trực được cử  tiếp sứ nhà Minh sang nước ta. Sứ thần Hoàng Gián hỏi vặn mọi điều, ông giảng giải phân minh lưu loát, khiến vị sứ thần nhà Minh vô cùng thán phục. Cùng năm ông được vua ban Trung trinh Đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ. Sau đó, vua còn giao cho ông chỉ đạo việc xây chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích và giám sát việc xây lầu Chấn Khê. Vua Lê Nhân Tông trọng nể, cho thợ vẽ truyền thần ông đặt bên cạnh nhà vua để tỏ lòng yêu dấu.

Dưới thời vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Trực lại càng được trọng dụng. Năm 1460, nhà vua phong Nguyễn Trực làm Đại phu Trung thư sảnh, Trung thư sảnh Tri quan tam sự kiêm Nhập thị học sĩ Thượng khinh xa uý Thái liêu ban. Năm 1466, ông bị bệnh, xin miễn chức và mong được dưỡng bệnh dưới chân núi Đại Lại, xã Bạch Thạch, huyện Mỹ Lương, phủ Quốc Oai. Vua mời ông ở lại Kinh đô dưỡng bệnh. Năm 1473, vua Lê Thánh Tông triệu ông vào điện và phong cho ông là Gia hạnh Đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu. Tài năng và đức độ của Nguyễn Trực luôn được vua Lê Thánh Tông coi trọng và đánh giá cao. Do vậy, các thơ văn của nhà vua phần nhiều đưa cho Nguyễn Trực nhận xét, bình luận trước. Nhà vua còn sai văn thần đem bộ sách “Thiên Nam dư hạ” đến tận nhà để Nguyễn Trực điểm bình.

Ngày 28 tháng 12 năm 1473, Nguyễn Trực lâm bệnh và qua đời, hưởng thọ 57 tuổi giữa lúc tài năng đang còn rực rỡ. Khi ông mất, vua Lê Thánh Tông có lời điếu rằng:"Đời dõi Nho tông phát ấp bang; Trong đạo đức, có từ chương; Nối dòng thi lễ nhà truyền báu; Tranh giải khôi nguyên bảng chói vàng; Nam - Bắc hai triều danh vang; Phong lưu một cửa họ sang; Từ đường ở đấy niềm tây lạnh; Dấu cũ càng thơm xạ có hương". Thi hài của ông được an táng tại thôn Khê Thượng, xã Nghĩa Bang, phủ Quốc Oai. Sau lại cải táng dưới chân núi Thịnh Mỹ, xã Nghĩa Bang, phủ Quốc Oai.

Sinh thời ông là người trung trinh mẫn cán, thông kinh sử, giỏi việc bang giao. Tác phẩm có Bối Khê thi tập (Hu Liêu tập), và hiện còn 6 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục. Dù làm ở cương vị nào, Nguyễn Trực luôn giữ được phẩm cách tôn quý của nhà Nho hết lòng vì dân vì nước./.

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám