vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Tri ân ngày Nhà Giáo việt nam, hướng về “Cội nguồn”


Di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cái nôi của nền giáo dục khoa cử nước ta. Nơi đây, năm 1070 vua Lý Thánh Tông đã cho xây Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử, các bậc Tiên thánh Tiên hiền của Nho học và là nơi Hoàng Thái tử đến học. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho dựng Quốc Tử Giám phía sau Văn Miếu. Trải qua hơn 700 năm tồn tại và phát triển, nơi đây đã đào tạo cho đất nước hàn ngàn nhân tài. Ngày nay, Quốc Tử Giám được xem  là Trường Đại học đầu tiên của nước ta. 

Hiện nay, tại tầng 1 Khu Thái Học di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi thờ danh sư Chu Văn An - Người thầy đạo cao đức trọng, là  vị Hiệu trưởng đầu tiên của Quốc Tử Giám.

 

Ảnh: Ban thờ Danh sư Chu Văn An, khu Thái học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám

 

Thầy giáo Chu Văn An (1292-1370), tự Linh Triệt, hiệu Tiều Ẩn, tính tình cương nghị, trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị và lẫm liệt. Thầy từng thi đỗ Thái học sinh dưới triều Trần nhưng không ra làm quan mà trở về quê để mở trường dạy học, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa. Thầy Chu Văn An không chỉ là người thông tuệ kinh sách mà còn là một nhà giáo rất nghiêm khắc, lấy mình làm gương mẫu cho học trò noi theo. Những học trò của ông tuy đã làm quan đầu triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát làm đến chức Hành Khiển khi về thăm thầy vẫn giữ lễ học trò lạy ở dưới gường nghe thầy dạy bảo. Ngược lại, có những học trò khi làm quan mà không giữ gìn được phẩm hạnh thì thầy nghiêm khắc trách mắng, thậm chí không cho vào gặp. Và cũng chính do tài năng, nhân cách, phương pháp đào tạo học trò mà Thầy đã được vua Trần Minh Tông (1314-1329) mời đến Thăng Long giữ chức Quốc Tử Giám Tư nghiệp và dạy cho Thái tử Trần Vượng (tức vua Trần Hiến Tông sau này). Trong thời gian giữ cương vị  là người đứng đầu Quốc Tử Giám, thầy Chu Văn An đã có nhiều đóng góp trong việc hoàn thiện chương trình truyền dạy tư tưởng Nho giáo và đào tạo nhân tài cho đất nước. Những cống hiến của Thầy với sự nghiệp giáo dục nước nhà quả thực to lớn, không ai sánh bằng. Sau này vua Dụ Tông hamchơi, lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước. Thầy Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ” xin chém đầu bảy tên nịnh thần để mong giữ yên triều chính, nhưng vua không trả lời. Ông liền treo mũ áo về quê, nêu tấm gương sáng về khí tiết của người thầy và cũng là tấm gương sáng trong về đạo làm tôi cho muôn đời sau noi theo. Sau này vua Dụ Tông đem chính sự trao cho thầy Chu Văn An nhưng Thầy từ chối không nhận.Thiên hạ đều cho là bậc cao thượng. Năm1370, Quốc Tử Giám Tư Nghiệp Chu Văn An mất, được triều đình truy tặng tước Văn Trinh công, ban cho tòng tự ở Văn Miếu. Về sau, sử thần Ngô Sĩ Liên khi nhận xét về thầy Chu Văn An đã viết: "Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu". Còn sử gia Phan Huy Chú đã viết về Thầy: “Văn Trinh học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, được thời ấy suy tôn, thời sau ngưỡng mộ. Tìm trong làng Nho ở nước Việt ta, từ trước đến nay chỉ có mình ông, các ông khác thực không thể so sánh được”. Thầy giáo Chu Văn An là người Việt đầu tiên được thờ tại Văn Miếu.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam(20/11), Giám đốc Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thành kính dâng hương trước ban thờ bày tỏ sự tri ân tới Thầy giáo Chu Văn An cùng các vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám và các học quan Quốc Tử Giám qua các thời kỳ.

 

Ảnh: Giám đốc Trung tâm HĐVH KH Văn Miếu -Quốc Tử Giám thành kính dâng hương 

 

Bài và ảnh: Hương Thúy

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám