vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

TRIỂN LÃM MỸ THUẬT THƯ PHÁP QUỐC NGỮ “ĐẠO TRỒNG NGƯỜI QUA 82 BIA TIẾN SĨ VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM”


Chiều ngày 6/9/2019, tại khu Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật Thư pháp Quốc ngữ "Đạo trồng người qua 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám"

 

(Ảnh: ông Nguyễn Văn Tú - PGĐ Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám

phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm)

 

Đến dự lễ khai mạc có ông Lê Trung Kiên – Phó Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ; Ông Nguyễn Văn Tú – Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Ông Nguyễn Phúc Lưu – Giám đốc Trung tâm UNESCO phát triển Văn hóa và Thể thao; Ông Kiều Quốc Khánh – Phó Trưởng ban văn hóa Trung tâm UNESCO phát triển Văn hóa và Thể thao; Ông Bùi Chính Hưng – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Việt Tâm Bút và đông đảo những người yêu nghệ thuật thư pháp và văn hóa Việt Nam.

Triển lãm trưng bày 56 tác phẩm của 11 tác giả là hội viên Câu lạc bộ Thư pháp Việt Tâm Bút thuộc Trung tâm UNESCO phát triển Văn hóa và Thể thao.

 

(Ảnh: Trao cờ lưu niệm cho các tác giả có tác phẩm tham gia triển lãm)

 

Phát biểu khai mạc triển lãm, Ông Bùi Chính Hưng – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Việt Tâm Bút cho biết: “Các hội viên Câu lạc bộ đã nghiên cứu nội dung các bài ký của 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chọn những câu văn hay chứa đựng tư tưởng về đạo trồng người, chú trọng bồi đắp, lựa chọn hiền sĩ tài đức để giúp nước của các bậc hiền tài, minh quân thời trước”.

Các tác phẩm tham gia triển lãm được thể hiện dưới nhiều hình thức  và chất liệu truyền thống như: giấy Dó, Gốm. Triển lãm không những giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật thư pháp đặc sắc, mà còn giúp công chúng hiểu thêm giá trị tiêu biểu của những bài văn bia Tiến sĩ.

 

(Ảnh: Khách mời tham quan không gian Triển lãm)

 

Trong thời gian triển lãm có rất nhiều các hoạt động diễn ra như: trải nghiệm Thư pháp, giới thiệu trò chơi cờ chữ và viết tặng Thư pháp.

Ông Nguyễn Phúc Lưu – Giám đốc Trung tâm UNESCO phát triển văn hóa và thể thao cho biết: “Với tình yêu quê hương đất nước Việt Nam, tấm lòng trân trọng vốn quý cội nguồn văn hóa Việt, các “Ông đồ thư pháp Việt” đã rất nhiệt huyết, dày công nghiên cứu khổ luyện, đã gửi đến xã hội và công chúng yêu nghệ thuật thư pháp những tác phẩm vô cùng giá trị, đóng góp cho nền văn hóa đất nước ngày càng phong phú, đó cũng là một hình thức hữu hiệu để truyền bá lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam”.

Ông Nguyễn Văn Tú – Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động VHKH Văn
Miếu – Quốc Tử Giám phát biểu

“Đây là một trong những triển lãm đặc biệt, bởi các tác giả đã thể hiện những ý tưởng uyên thâm, sâu xa của các trí thức, các nhà khoa bảng Việt Nam xưa về đạo trồng người được khắc ghi trên bia tiến sĩ bằng nghệ thuật thư pháp chữ quốc ngữ để tạo nên những bức tranh, tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Đó là sự kết hợp giữa nghệ thuật thư pháp với di sản tư liệu thế giới, bảo vật quốc gia 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám” - Ông Nguyễn Văn Tú – Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phát biểu chào mừng.

Triễn lãm kéo dài đến hết ngày 9/9/2019 tại khu Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Thu Hương


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám