Tục xin chữ ngày xuân đã trở thành một tập tục đẹp của người dân Việt Nam. Hình ảnh những ông đồ mặc áo the, khăn xếp, ngồi ngay ngắn bên bàn mực, giấy đỏ, tay thảo những nét chữ tài hoa như rồng bay phượng múa đã thấm sâu vào kí ức người dân mỗi độ xuân về. Những năm gần đây, người Hà Nội lại bắt gặp hình ảnh xin chữ đầu năm đầy ý nghĩa này. Đặc biệt, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ngày Hội chữ Xuân đầu năm đã trở thành một hoạt động thường niên, quen thuộc đối với nhân dân thủ đô.
Năm nay cũng vậy, đến với hồ Văn tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào một chiều xuân, trong cái rét lành lạnh, thâm thâm mưa bay, chợt bắt gặp hình ảnh những ông đồ, bà đồ thời mới đang trong đèn tặng chữ cho những người mến yếu những con chữ còn thắm màu mực trên nền giấy điệp năm nào, tôi thấy lòng mình ấm áp lạ. Không gian Hội chữ thật đầm ấm, bên quang cảnh trường xưa là những bức thư pháp bằng chữ Hán – Nôm, chữ Quốc ngữ được trưng bày rất trang trọng, rất ấn tượng xung quanh hồ Văn. Đó là những tác phẩm Thư pháp của chính những người tham gia viết tặng chữ đầu xuân tại Hội chữ Xuân năm nay. Họ đã phải qua một kỳ khảo hạch nghiêm túc của ban tổ chức Hội chữ và 34 tác phẩm xuất sắc nhất đã được chọn để trưng bày.
Nói đến Thư pháp là nói đến sự khổ luyện nghiêm túc của người viết, bởi môn nghệ thuật này có những quy tắc với niêm luật chặt chẽ, vô cùng phức tạp. Thư pháp chữ Hán – Nôm, hay chữ Quốc ngữ đều dùng bút lông, mực và giấy để đưa nghệ thuật viết chữ lên đến đỉnh cao, mang tình triêt học sâu sắc. Mỗi một con chữ, một nét bút, đều được người viết lựa chọn hết sức cẩn trọng và có ý nghĩa. Bởi vậy ngoài việc thể hiện nét bút tài hoa, nội dung bức thư pháp cho chúng ta thấy kiến thức và tâm hồn người viết. Chủ đề của Hội chữ Xuân năm nay Ban tổ chức lựa chọn là “Hiền Tài”, vì vậy các tác phẩm Thư pháp của Hội chữ đều mang nội dung này, nhưng ở mỗi tác phẩm lại có những cách thức thể hiện khác nhau.
Chủ đề “Hiền Tài” mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ngày nay. Bất cứ một quốc gia nào, dân tộc nào muốn hưng thịnh đều phải thu hút và trọng dụng nhân tài. Thu hút và trọng dụng nhân tài đã trở thành quốc sách, thành đạo đức và thấm sâu vào quan niệm sống của người dân Việt Nam. Đối với một đất nước, hiền tài, nhân tài luôn là “nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn…”. Điều đặc biệt chủ đề của Hội chữ năm nay đã được lấy trong trích lục của Văn bia khoa thi năm Nhâm Tuất Đại Bảo thứ 3 (năm 1442), trong đó nhấn mạnh: “Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia”. Vậy Hiền tài là như thế nào, thế nào mới được coi là Hiền tài? Hiền tài đó là những con người vừa có Đức vừa có Tài, nằm trong một hệ thống nhất đó là có Tâm, có Tầm và có Tài. Người xưa có câu “không biết người tài, biết người tài mà không dùng, dùng người tài mà không tin” la ba điều tối kỵ đối với người đứng đầu một đất nước. Nên tiêu chí cao nhất của người Hiền tài là phải có khả năng phát hiện và sử dụng người tài. Hiền tài hơn người tài ở chỗ đó chăng!
Hội chữ năm nay, 34 tác phẩm Thư pháp trưng bày đã sử dụng những đoạn trích khác nhau trong bài văn bia này để thể hiện sự coi trọng Hiền tài của quốc gia; cũng như nói đến trách nhiệm và nghĩa vụ của hiền tài, nhân tài trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong 34 tác phẩm có 22 tác phẩm chữ Hán – Nôm, 12 tác phẩm chữ Quốc ngữ với 30 tác giả ở những độ tuổi khác nhau, cho thấy sự lan toả của môn nghệ thuật này đã khá đa dạng trong đời sống xã hội hiện đại ngày nay.
Nét đẹp thẩm mỹ ở mỗi tác phẩm thư pháp trong Hội chữ Xuân năm nay nằm ở bố cục hài hoà, màu sắc đẹp mắt. Các tác phẩm Thư pháp chữ Hán – Nôm chủ yếu dùng lối chữ Khải. Khải thư (Chính thư, Chân thư) – đây là một thể chữ thư pháp thường dùng trong thư pháp Hán tự, chữ lấy khung vuông, đường nét chữ tề chỉnh quy củ, rất phù hợp với chủ đề “Hiền Tài”của Hội chữ xuân – thể hiện được sự chỉnh tề, phép tắc, quy củ trong chính sách trọng dụng nhân tài của Quốc gia. Các câu trích dẫn tuỳ theo sự dài ngắn khác nhau mà các tác giả sử dụng loại chữ Khải thư nhỏ, vừa và to cho hài hoà với bố cục của toàn tác phẩm. Một điều thực đáng biểu dương và trân trọng – đó là tác phẩm thư pháp thể loại chữ Hán – Nôm đạt giải nhất năm nay thuộc về tác giả nữ Hoàng Anh Diệp với thể loại chữ Khải thư lớn. Bà Hoàng Anh Diệp không phải là “lớp người thư pháp cũ”, bà đến với loại hình nghệ thuật này một cách chính thức có lẽ khi tuổi sắp về hưu, đến nay đã lên “chức bà” mà niềm đam mê con chữ “Thánh hiến” đã giúp bà bén duyên với nghệ thuật khổ công này. Miêt mài bên cây bút, hăng say luyện tập trong Câu lạc bộ Thư hoạ Unesco từ mấy năm nay, bà tham gia Hội chữ xuân với Văn Miếu từ những ngày đầu tiên. Quả không phụ công bà rèn luyện, những nét chữ qua năm tháng đã có uy lực hơn, bay bổng hơn, bố cục tinh tế hơn và tác phẩm của bà đã xuất sắc đạt giải nhất của Hội chữ năm nay.
( Ảnh: Tác phẩm đạt giải nhất thể loại thư pháp Hán-Nôm, Tác giả Hoàng Anh Diệp)
Bên cạnh đó có duy nhất tác phẩm dùng chữ Triện, đó là tác phẩm “Triện thơ đối liên” của tác giả Bùi Hải Nam đạt giải ba thể loại chữ Hán – Nôm. Tác phẩm thể hiện theo dạng câu đối, lấy nội dung của văn bia 1442 rất ý nghĩa “Trung hưng đại nghiệp (Khôi phục nghiệp lớn) / Phi xiển nhân văn (Rộng mở nhân văn)”. Nét bút rắn rỏi, vuông vức, bố cục đẹp mắt đã phần nào thể hiện sự trân trọng, gìn giữ của tác giả với nền giáo dục nhân văn của nước nhà. Với ba tác phẩm thể loại chữ Hán – Nôm đạt giải nhất, nhì, ba đã đại diện cho vẻ đẹp thẩm mỹ cả về hình thức và nội dung của loại hình Thư pháp Hán – Nôm trong Hội chữ Xuân năm nay. Đi hết hơn nửa vòng hồ Văn, ngắm những con chữ tượng hình trong không gian của chốn trường học xưa, khiến người xem như trở lại với quá khứ vàng son của các ông thầy đồ áo vải, của các Nho sinh cầu tiến háo hức lên đường đi thi với bao hoài bão của cuộc đời. Cảm xúc hoài niệm là thế mà rồi tôi bỗng ngạc nhiên, bỗng vui mừng khi bắt gặp những dòng chữ Việt thân quen trên các tác phẩm Thư pháp chữ Quốc ngữ đang bày ra trước mắt.
(Ảnh : Tác phẩm "Trung hưng đại nghiêp-Phi xiển nhân văn", Giải ba thư pháp Hán-Nôm, Tác giả Bùi Hải Nam)
(Ảnh: Tác phẩm "Nguyên khí" , Giải nhì thư pháp Việt, tác giả Ngọc Đình)
( Ảnh: Tác phẩm "Qua Hải Vân quan", Giải ba thư pháp Việt, tác giả Trần Võ Hiệp)
Quả thật với 12 tác phẩm chữ Quốc ngữ được trưng bày tại Hội chữ Xuân lần này cho ta thấy sự sáng tạo của các tác giả, điều đặc biệt là những tác giả viết Thư pháp Việt nhiều người còn rất trẻ. Màu sắc của những tác phẩm loại này cũng đa dạng hơn, ấm áp hơn và rất xuân. Các tác phẩm thể hiện bằng nhiều bút pháp, lối trình diễn khác nhau, có tác phẩm không phải viết bằng mực mà bằng sơn. Nét bút thể hiện bút lực của người viết, có nét bút liên hoàn, mềm mại của nét thảo, gọn gàng của nét chân, quy tắc đậm nhạt của mực hoà quện lẫn nhau làm cho tác phẩm thêm sinh động, thoạt nhìn đã để lại ấn tượng cho mỗi người xem. Trong các tác phẩm trưng bày này, ta còn thấy có những bức là Thư hoạ. Đó là khi nhà thư pháp biến chữ thành tranh, tranh là hình ảnh của chữ. Lối viết này được coi là đỉnh cao của nghệ thuật thư pháp. Ta dễ dàng bắt gặp sự thăng hoa này ở các nhà thư pháp trẻ, họ cũng chính là những nhà hoạ sỹ tài hoa, như: Kiều Quốc Khánh, Trương Văn Thịnh, Trần Võ Hiệp… Tác phẩm “Hiền Tài” đạt giải nhất thể loại chữ Quốc ngữ của thư pháp gia Trần Văn Sơn là một tác phẩm ấn tượng và tuyệt đẹp. Người hoạ sỹ đã sáng tạo con chữ thành những vòng tròn vô tận, với điệp khúc “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia” như thể hiện “Nguyên khí” của đất nước chuyển động không ngừng tạo nên sức sống của vạn vật – là sức mạnh mãnh liệt của đất nước luôn coi trọng Hiền tài. Vòng tròn ấy cũng thể hiện lòng nhiệt huyết, hoài bão không ngừng khát khao để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân tài, hiền tài được trọng dụng. Với bút pháp tinh tế, bố cục hài hoà, màu sắc trang nhã, tác phẩm đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem. Có thể nói 12 tác phẩm Thư pháp chữ Quốc ngữ là 12 phong cách khác nhau, như những dấu chấm phá thú vị trong buổi trưng bày đầy màu sắc này. Điều đó cho thấy Thư pháp Việt cũng đang phát triển mạnh mẽ, khiến những con chữ Việt thêm bay bổng, hi vọng thông qua Hội chữ Xuân này càng góp phần thúc đẩy thư pháp Việt phát triển hơn nữa.
(Ảnh: Tác phẩm "Hiền tài", Giải nhất thư pháp Việt, Tác giả Trần Văn Sơn)
34 tác phẩm trưng bày là những tác phẩm được đánh giá cao nhất trong cuộc sát hạch của Ban tổ chức Hội chữ đối với những người viết Thư pháp ở Hội chữ Xuân năm nay tại Hồ Văn (Văn Miếu – Quốc Tử Giám). Nội dung các tác phẩm còn phản ánh giá trị tôn trọng hiền tài của dân tộc mà còn có ý nghĩa khích lệ các thế hệ trẻ không ngừng nỗ lực học tập vươn lên, kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Người viết: Đặng Anh Vân