Nhằm bảo tồn và phát huy nhiều hơn nữa giá trị của các dòng tranh dân gian của Việt Nam, chiều ngày 24/10, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội tổ chức triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng” tại nhà Tiền đường, khu Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Tham dự lễ khai mạc triển lãm có ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám, bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, PGS.TS Trang Thanh Hiền, Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông Nguyễn Tiết Khánh, chủ tịch xã Vân Canh, làng tranh Kim Hoàng.. cùng đông đảo các em học sinh, người dân và công chúng yêu tranh.
Triển lãm trưng bày và giới thiệu những hình ảnh, tư liệu về 6 dòng tranh dân gian Việt Nam: tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ, tranh kính, tranh gói vải, tranh Làng Sình, đặc biệt dòng tranh Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà nội) được hình thành vào nửa sau thế kỷ 18, sau này đến năm 1945 thì mất hẳn. Nếu như tranh Đông Hồ được in trên giấy điệp, là dòng tranh đặc trưng của vùng Kinh Bắc; tranh Hàng Trống sử dụng giấy dó, là tranh chơi của tầng lớp thị dân, thì tranh Kim Hoàng được in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu nên còn gọi là tranh Đỏ. Ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Điều đó tạo cho mỗi bức tranh có sự phóng khoáng và diện mạo riêng dù cùng in ra từ một bản khắc.
(Cắt băng khai mạc triển lãm)
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã khẳng định: “Trong kho tàng di sản văn hóa - nghệ thuật của dân tộc Việt Nam, tranh dân gian có vị trí rất quan trọng do tính chất lâu đời và phổ biến của nó. Về cơ bản, với thứ ngôn ngữ đặc thù của mình, tranh dân gian đã trở thành những tư liệu vật chất, cụ thể hoá những ý niệm triết học về vũ trụ quan, về nhân sinh quan và quan niệm về cái đẹp của nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp người, chủ yếu là nông dân và thị dân, ở mọi địa bàn miền xuôi cũng như miền núi.”
Triển lãm tranh dân gian và ứng dụng cũng đã giới thiệu 30 tác phẩm tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo từ tranh dân gian Kim Hoàng”; “Trình diễn thời trang – tác phẩm tham gia dự thi” của các em học sinh lấy cảm hứng ý tưởng từ tranh dân gian Kim Hoàng do PGS.TS Trang Thanh Hiền ,Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam phụ trách. 27 bộ trang phục đặc sắc đã được các bạn nhỏ của Cung Thiếu Nhi Hà Nội, trường Tiểu học Thực Nghiệm và trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm trình diễn vô cùng ấn tượng và sôi động. Đặc biệt trong 2 ngày 27 và 28/10/2018, từ 9h - 17h sẽ diễn ra nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo cùng tranh dân gian Kim Hoàng trong không gian triển lãm.
(Ông Lê Xuân Kiêu trao giải thưởng cho các em có tác phẩm đạt giải)
(Trao giải các tác phẩm tranh dân gian đạt giải)
(Trao giải các tác phẩm tranh dân gian đạt giải)
(Trình diễn các trang phục được trang trí các họa tiết tranh dân gian)
Triển lãm kéo dài từ ngày 24/10/2018 đến hết ngày 10/11/2018 tại Nhà Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Thúy Hồng