Chu Văn An (1292-1370) sinh tại làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, Việt Nam). Ông là một nhà giáo mẫu mực của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời Chu Văn An gắn liền với việc dạy học, làm thầy ở ba không gian: quê hương Thanh Liệt (Thanh Trì), Quốc Tử Giám (Thăng Long) và Chí Linh (Hải Dương). Năm 1324, Chu Văn An được vua Trần Minh Tông mời ra giữ chức Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám. Quốc Tử Giám - Trung tâm giáo dục cao cấp nhất của Việt Nam thời quân chủ để đào tạo nhân tài cho đất nước. Chu Văn An chính là vị Tư nghiệp Quốc Tử Giám đầu tiên.
Tượng thờ Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An tại Khu Thái Học
Chu Văn An tấm gương mẫu mực về đạo đức, trí tuệ và tinh thần, trách nhiệm với đất nước. Ông không chỉ dạy chữ và tri thức mà còn dạy làm người (tư tưởng, đạo đức, phẩm tiết) dạy học trò biết ứng xử với xã hội, với chính mình và với thiên nhiên - đây cũng chính là giá trị nhân sinh trong thời đại ngày nay.
Sinh thời, Chu Văn An luôn đề cao vai trò của tri thức, của giáo dục, đào tạo và của văn hóa trong công cuộc xây dựng quốc gia, dân tộc vững mạnh, yêu hòa bình. Nhân dân Việt Nam lưu truyền câu nói của ông: “Ta chưa từng nghe nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”.
Hiện tại có tới 22/64 tỉnh, thành phố trải dài trên khắp đất nước Việt Nam có đường, phố mang tên của ông gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa,… Trong số 22 tỉnh, thành phố có tên Chu Văn An có 09 phố, 23 đường.
Bên cạnh đường, phố, còn có rất nhiều trường học ở các cấp mang tên Chu Văn An. Trong cả nước có 50 trường học mang tên Chu Văn An gồm: 10 trường Tiểu học, 19 trường Trung học Cơ sở, 17 trường Trung học phổ thông, 03 trường Liên cấp và 01 trường Đại học. Năm 2018, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám được giao nhiệm vụ xây dựng hồ sơ để trình UNESCO đề nghị cùng kỷ niệm 650 năm ngày mất của Chu Văn An vào năm 2020.