vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM CHẶNG ĐƯỜNG TỪ PHẾ TÍCH ĐẾN DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT


Cách đây vừa tròn 7 năm, Di tích Văn Miếu  được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/05/2012 của Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Chặng đường từ “phế tích” trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt thật gian nan. Từ chỗ “bị xuống cấp nghiêm trọng, mái dột, tường xiêu ... mưa thì ngập đến đầu gối[1] vào cuối những năm 1980, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã thực sự “hồi sinh” sau mấy thập niên được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, nhà khoa học và những người yêu văn hóa Thủ đô ... đặc biệt quan tâm, đầu tư, tu bổ và tổ chức các hoạt động phát huy giá trị của Di sản, trong đó công tác bảo tồn, trùng tu, chống xuống cấp Di tích theo đúng bài bản, trên cơ sở trân trọng, giữ gìn lại những yếu tố gốc giữ vai trò then chốt.

  Giai đoạn đầu tiên (1990 -2000) được giới chuyên môn gọi đùa là Giai đoạn Đại Trùng tu Di tích. Mở đầu bằng cuộc Hội thảo khoa học (năm 1990) đặt nền móng cho Đề án tu bổ, tôn tạo Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức tại Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hàng loạt các dự án tu sửa, tôn tạo Di tích đã được tiến hành như: Từ 1991 đến 1997: tu bổ Điện Đại Thành, tường bao, cải tạo hệ thống thoát nước, cây xanh, thảm cỏ, nhà vệ sinh, nạo vét Giếng Thiên Quang, hồ nhỏ ở khu Nhập Đạo, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, sơn thếp lại hoành phi, câu đối, cánh cửa... Từ 1997 đến 2000: nghiên cứu, đào khảo cổ, tôn tạo công trình Thái Học trên nền cũ Quốc Tử Giám. Từ 2000 đến 2019: thường xuyên chống xuống cấp di tích, cải tạo vườn Giám, đình bia, sửa chữa cấp thiết tường bao Hồ Văn, Điện Đại Thành, giếng Thiên Quang, xây dựng các dự án tu bổ tôn tạo đảo Kim Châu (hồ Văn), tu sửa Khuê Văn Các, điện Đại Thành...vv.

Có thể nói, một trong những kết quả tu sửa, tôn tạo Di tích góp phần đặc biệt quan trọng để di sản được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt là công trình tôn tạo 08 Nhà che bia (1994) và Khu Thái Học (2000). “Ở đó chúng tôi không dùng hoa văn mà theo phong cách kiến trúc dân tộc về phong cách, về kiến trúc, về bố cục, hình dạng. Cái đó đã được vạch ra, về công năng là như thế, về kiến trúc là như thế, hòa đồng, hòa nhập, bổ sung kiện toàn nhưng phải có dấu ấn ngày hôm nay[2]. Bởi vậy đến nay mấy chục năm đã trôi qua, Ai còn nhớ hình ảnh 82 tấm bia Tiến sĩ đứng trơ trọi ngoài trời, nhận ra đó là 8 tòa nhà nhà che bia mới. Ai còn nhớ quang cảnh bãi đất hoang vu, gạch ngói vỡ đổ nát phía sau Điện Đại Thành, nhận ra đó là khu Thái Học mới phục dựng. Còn những Ai đến thăm Di tích lần đầu, chắc không nhận ra sự khác biệt.

Tu bổ, tôn tạo để bảo vệ Di sản và khai thác, phát huy giá trị của Di tích. Hàng năm, kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu bảo tồn bền vững di sản với việc không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ công chúng, cải tạo cơ sở hạ tầng phù hợp để đón tiếp hàng trăm đoàn khách ngoại giao của Đảng - Nhà nước, hàng triệu lượt khách tham quan trong nước, quốc tế; tổ chức hàng chục sự kiện văn hóa, khoa học (triển lãm, cuộc thi, tọa đàm. hội thảo...), làm lễ dâng hương - khuyến học, tạo cơ hội học tập - trải nghiệm di sản cho hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên dưới nhiều hình thức phong phú, hiệu quả ...“chúng ta đã tiếp nối và phát huy giá trị cốt lõi nhất của Văn Miếu – Quốc Tử Giám với tư cách là một thiết chế tôn giáo tín ngưỡng và thiết chế văn hóa, góp phần làm nên sức sống cho Văn Miếu[3].  Và đó chính là những điều kiện tiên quyết để năm 2012 (tiếp ngay sau niềm vui 82 bia Tiến sĩ được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Tư liệu ký ức Thế giới trên phạm vi toàn cầu (2011), Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Một mùng 10 tháng 5 nữa lại tới, tin rằng trong một ngày không xa, khi dự án tu bổ tôn tạo đảo Kim Châu (Hồ Văn) thực hiện xong thì tòa Phương đình và nhịp cầu đá nơi đây lại hòa nhập làm một với không gian cổ kính với những hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học, du lịch phong phú về loại hình, độc đáo về tính chất, đầy màu sắc truyền thống, năng động và nhộn nhịp, có khả năng hòa nhập giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống với hiện đại… trong khuôn viên của cả quần thể Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám./.

                                                                   Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tháng 5/2019

Hoa Phượng


[1] Trích phỏng vẩn Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Cát - Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa & Thông tin Hà Nội, kiêm Giám đốc đầu tiên của Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám

[2] Tâm sự của GS-KTS Hoàng Đạo Kính

[3] Trích phát biểu của PGS, TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa thế giới, PCT Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa trong Lễ Kỷ niệm 3o năm Ngày thành lập Trung tâm HĐ VHKH VM-QTG (2018)


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám