vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

82 BIA TIẾN SĨ – NGUỒN SỬ LIỆU QUÍ GIÁ VỀ LỊCH SỬ GIÁO DỤC VIỆT NAM THỜI QUÂN CHỦ


Ngày nay, khi đến thăm khu di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách được chiêm ngưỡng khu vườn bia nơi lưu giữ 82 tấm bia Tiến sĩ. Bia Tiến sĩ được Vua Lê Thánh Tông (1442-1497) xuống chiếu cho dựng để tôn vinh những người đỗ đạt. Trên các tấm bia có khắc họ tên, quê quán của 1304 vị Tiến sĩ đỗ trong các khoa thi được tổ chức từ 1442 đến 1779 dưới triều Lê và triều Mạc. Năm 2011, bia Tiến sĩ đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới.
Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, việc dạy và học Nho học ở nước ta bắt đầu từ triều Lý, phát triển qua các triều đại Trần, Hồ, đặc biệt phát triển dưới triều Lê, kết quả đã đào tạo ra hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Câu nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn” khắc trên tấm bia của khoa thi năm 1442 luôn được coi là kim chỉ nam cho giáo dục của nhiều triều đại. Không chỉ thể hiện đường lối trọng dụng nhân tài, nội dung những bài ký trên bia còn là những bài học răn dạy, nhắc nhở trách nhiệm của những người đỗ đạt đối với đất nước: “kẻ sĩ được khắc tên vào tấm đá này, thật may mắn biết bao! nên phải đem lòng trung nghĩa tự hẹn với mình, làm sao danh và thực hợp nhau ” (Văn bia khoa thi 1487); và kẻ sĩ trên cơ sở đó “hãy làm mây lành sao tỏ nêu điểm tốt cho đời, làm ngọc sáng vàng ròng để làm kho báu cho nước” (Văn bia khoa thi 1514); hoặc “thảng hoặc có kẻ mượn khoa danh để làm kế ấm no, mượn đường ấy để được giới sĩ hoạn kính trọng, người đời sau tất sẽ nhìn vào họ tên mà nói: kẻ kia là hạng tiểu nhân gian tà, làm xấu lây cho khoa mục” (Văn bia khoa thi 1577). 
Ngoài ra, 82 tấm bia Tiến sĩ còn cho biết những thông tin rất cụ thể về các khoa thi, số lượng thí sinh, tên và quê quán người đỗ, tên các quan trông coi thi, chấm thi, ngày vào thi Đình, ngày yết bảng xướng danh…Căn cứ vào các thông tin đó, chúng ta có thể đánh giá về tình hình phát triển giáo dục triều Lê và triều Mạc. 
Số liệu thí sinh tham dự các khoa thi Hội trung bình một năm hàng nghìn và gia tăng mạnh mẽ cho thấy sự quan tâm đến giáo dục của Nhà nước cũng như của xã hội. Nếu như trong khoa thi năm 1442 chỉ có 450 người dự thi thì khoa thi ngay năm sau đó (1448) đã có tới 750 thí sinh tham dự; đến khoa thi năm 1475 đạt con số về số lượng thí sinh là 3000 người và kỉ lục cao nhất là khoa thi năm 1640 với 6000 thí sinh tham dự. 
Tuy nhiên, không vì số lượng thí sinh dự thi đông mà yêu cầu về chất lượng của thí sinh bị xem nhẹ. Cũng qua số liệu ghi trên bia Tiến sĩ cho biết: số lượng Tiến sĩ lấy đỗ trong một khoa thi nhiều nhất là 62 người (khoa thi 1478), và ít nhất có những khoa cả nước chỉ lấy đỗ có 3 người (khoa thi năm 1592, 1667). 
Trên những tấm bia Tiến sĩ, truyền thống hiếu học còn được thể hiện qua những thông tin rất thú vị. Đó là sự xuất hiện của những làng khoa bảng, dòng họ Tiến sĩ hiển thị dưới danh sách của các Tiến sĩ đỗ đạt. Đơn cử, làng Mộ Trạch tỉnh Hải Dương có tới 25/36 vị Tiến sĩ có tên trên bia Tiến sĩ tại Văn Miếu. Các dòng họ nổi tiếng như dòng họ Ngô, họ Hà, họ Vũ... cũng có rất nhiều người đỗ Tiến sĩ, được ghi danh trên bia. Nhiều trường hợp cả cha con, anh em cùng được khắc tên lên bia (anh em Hà Sỹ Vọng, Hà Nhân Đại, cha con Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm...).
Trong số 1304 nhà khoa bảng được lưu danh trên bia Tiến sĩ, nhiều người sau này đã trở thành những nhà hoạt động chính trị xã hội, nhà văn hóa nổi tiếng có nhiều tác phẩm có giá trị để lại cho hậu thế như: Ngô Sỹ Liên, Lương Thế Vinh, Lê Quí Đôn, Ngô Thì Nhậm...Như vậy, 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đó phản ánh sinh động lịch sử giáo dục của đất nước ta từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18. Đến tham quan vườn bia Tiến sĩ với 82 tấm bia đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, chúng ta càng thêm tự hào về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tôn trọng nhân tài của cha ông ./.

N.H


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám