Tháng 5-2011, UNESCO công nhận Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là Di sản Tư liệu thế giới trong Danh mục ký ức thế giới toàn cầu. Ngày 14-1-2015, 82 bia Tiến sĩ được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Năm 1484 Hoàng đế Lê Thánh Tông (1460-1497) khởi xướng việc lập bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám thể hiện tinh thần đề cao Nho học, trọng hiền tài.
Hai bên giếng Thiên Quang là 82 tấm Bia Đề danh Tiến sĩ cho 82 khoa thi Tiến sĩ (từ năm 1442 đến năm 1779) đến nay vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Trên 82 tấm bia đề danh này khắc tên 1304 vị Tiến sĩ. Bia Tiến sĩ đã trở thành Di sản tư liệu thế giới bởi chứa đựng bề dày những giá trị văn hóa.
Tính nguyên vẹn và độc đáo
82 bia đá về các khoa thi Tiến sĩ (1442-1779) là những bản gốc duy nhất còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Trên bia lữu giữ những nét độc đáo về văn tự và nghệ thuật điêu khắc nguyên bản của thời kỳ tạo dựng bia. Đây là những bằng chứng có giá trị về văn bản học khi nghiên cứu mối tương quan đồng đại và lịch đại của lịch sử văn hoá Việt Nam. 82 bia đá về các khoa thi Tiến sĩ trong hơn 300 năm (1442 - 1779) là những trang sử đá về lịch sử văn hoá - giáo dục Việt Nam đến nay vẫn còn được bảo quản khá nguyên vẹn.
82 bia đá là nguồn sử liệu vô cùng quý giá giúp chúng ta nghiên cứu về con người và sự nghiệp của nhiều danh nhân văn hoá Việt Nam, góp phần bổ sung cho thư tịch đăng khoa lục viết bằng chữ Hán của Việt Nam. Tên một số danh nhân trên bia như: Nguyễn Trãi (với tư cách là quan chấm thi (độc quyển) được ghi trong bia khoa thi năm 1442, khắc năm 1448). Tên của những người thi đỗ trở thành những nhân vật tiêu biểu như: Nguyễn Trực, Ngô Sĩ Liên, Lương Thế Vinh, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Bá Lân, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm…
(Khu vườn bia Tiến sĩ bên Tây)
Giá trị tư liệu phong phú
Nội dung 82 văn bia được các nhà khoa học Việt Nam quan tâm nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau: lịch sử, văn hoá, giáo dục, triết học, pháp luật, ngôn ngữ văn tự đương thời…
Nội dung bi ký khẳng định vai trò của Nho giáo trong đời sống tư tưởng, chính trị của nhân dân. 82 bài văn bia tập trung ca ngợi vai trò của nho giáo trong đời sống chính trị xã hội, ca ngợi chế độ quân chủ tập quyền và đề cao nhà vua. Chế độ đương thời trọng dụng nhân tài, coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, là nguồn gốc sự hưng thịnh của đất nước. Trên tấm bia đầu tiên được khắc cho khoa thi Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442), Đại học sỹ Thân Nhân Trung đã viết: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia là công việc trước nhất”. Quan điểm này luôn được nhắc đi nhắc lại trong 81 bài văn bia còn lại.
Bia Tiến sĩ còn là những tư liệu rất có giá trị góp phần nghiên cứu lịch sử khoa cử Việt Nam, như: Chế độ thi cử, có quy định niên khoá thi (cứ 3 năm thi Tiến sĩ 1 lần. Tên gọi các khoa thi (Hội, Đình). Cách gọi các thứ bậc những người đỗ Tiến sĩ được quy định rõ ràng (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoá, hoàng giáp, tiến sĩ).
Khối di sản 82 bia Tiến sĩ dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội còn cho chúng ta hiểu được một vấn đề quan trọng khác là ý nghĩa giáo dục nhân cách con người, thông qua việc lập bia và khắc đá đề tên, nhắc nhở những người thi đỗ Tiến sĩ phải sống sao có ích với xã tắc, làm sao cho xứng danh kẻ sỹ, thì được hưởng ơn vua lộc nước, khi được người dân kì vọng.
82 bia đá đều được khắc bằng chữ Hán. Đây là những mẫu tự quan trọng, giúp cho việc nghiên cứu lịch sử phát triển chữ Hán từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII tại Việt Nam. Hàng chữ khắc niên đại tổ chức khoa thi của văn bia theo lối viết chữ Triện thư, một thể chữ của Trung Quốc hình thành thời Chiến Quốc (480 - 221 TCN) và ngày nay ít được sử dụng. Với 82 bia đá Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám có thể coi là những tư liệu nguyên bản, phản ánh truyền thống sáng tạo về Thư pháp học ở Việt Nam. Bia Đề danh Tiến sĩ bi kí ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám có niên đại sớm nhất Việt Nam của thể loại này.
(Hàng chữ Triện dưới trán bia
khắc chữ "Bia đề danh Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Quang Hưng 12" (năm1589))
Đa dạng hình thức và phong cách
82 Bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được dựng trong 3 giai đoạn với 3 phong cách chính rõ nét của các thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng.
Bia loại 1 có 14 tấm (từ khoa thi 1442 - 1529) có giá trị nghệ thuật lớn và đã xác lập vững chắc cho đời sau: hình ảnh “rùa đội bia Tiến sĩ”. Trán bia bé hẹp, phần đế (rùa) và phần thân hài hòa. Rùa được tạo tác tinh tế, dáng vẻ mềm mại, khoan hòa, trang nghiêm thể hiện cốt cách của kẻ sĩ. Trên bia của giai đoạn này chưa xuất hiện hình ảnh rồng.
(Rùa đội bia Tiến sĩ khoa thi năm 1448)
Bia loại 2 có 25 tấm bia (từ khoa thi 1554 đến khoa thi 1652). Bia giai đoạn này cho thấy kĩ nghệ chạm khắc đạt đỉnh cao. Nét độc đáo của họa tiết trang trí càng tôn cao ẩn ý sâu xa cho từng bài ký răn dạy. Giai đoạn này cũng là giai đoạn bùng nổ các đồ án trang trí, xuất hiện hình ảnh của rồng uy nghi và trang trọng, cùng các linh vật như Nghê, Kì lân, Phượng… cùng với đó là các đề tài trang trí dân gian, muông thú, chim chóc, con người; hoa lá xuất hiện đa dạng hơn với tùng, mai, cúc, trúc, lan, lựu v.v.
Bia loại 3 gồm 43 tấm dựng năm 1713 đến năm 1780, trong đó có 21 tấm được dựng năm 1717 (từ khoa thi 1656 - 1715). Bia giai đoạn này khá to lớn. Ở giai đoạn này bia được chú trọng chạm khắc phần chữ sao cho rõ nét, đẹp mắt. Phần trán bia, diềm bia, rùa cũng không còn là ưu điểm nổi trội. Rồng nguyên thể và các loại linh thú khác tuyệt nhiên không còn xuất hiện trong gia đoạn này.
Bia ghi danh tiến sĩ được dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi linh thiêng, cổ kính, ghi dấu nhiều sự kiện chính trị, văn hoá khoa học. Chính sách phát triển giáo dục, trọng dụng nhân tài, đào tạo nguồn lực cho đất nước là một chính sách quan trọng đối với bất kỳ thời đại nào để xây dựng và phát triển quốc gia cường thịnh - có thể đọc / và học được điều đó qua 82 tấm bia Di sản tư liệu thế giới ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội./.
Anh Vân