vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN TƯ LIỆU 82 BIA TIẾN SĨ TẠI VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM THỜI HỘI NHẬP


Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) vị Hoàng đế văn võ song toàn Lê Thánh Tông đã cho  khắc dựng 10 tấm bia Tiến sĩ đầu tiên tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám để ghi lại tên họ và quê quán của các vị đỗ các khoa thi tiến sĩ từ năm Đại Bảo thứ 3 đời vua Lê Thái Tông (1442) đến năm Hồng Đức thứ 15 (1484) nhằm biểu dương hiền tài và khuyến học. Lệ dựng bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long bắt đầu từ đó và kéo dài trong suốt gần 300 năm, đến năm 1780. Tuy nhiên, 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám hiện còn chủ yếu được dựng trong 3 đợt chính, đó là:  

- Năm 1484: dựng 10 tấm bia cho 10 khoa thi được tổ chức từ năm 1442 đến năm 1484. Hiện nay còn 7 tấm, đã bị thất lạc (hoặc hủy hoại ) 3 tấm bia của các khoa thi năm Quang Thuận 10 (1469), Hồng Đức 3 (1472) và Hồng Đức 15 (1484).

- Năm 1653: Dựng 25 bia cho các khoa thi được tổ chức từ năm Giáp Dần, niên hiệu Thuận Bình 6 (1554) đến năm Nhâm Thìn, niên hiệu Khánh Đức 4 (1652).

- Năm 1717: Dựng 21 bia cho các khoa thi được tổ chức từ năm Bính Thân, niên hiệu Thịnh Đức 4 (1656) đến năm Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh 13 (1715).

Trên mỗi tấm bia có khắc một bài văn bia. Nội dung văn bia ngoài ghi tên họ và quê quán của những người đỗ và năm tổ chức khoa thi, còn có bài ký ca ngợi công đức của triều vua đã tổ chức khoa thi, mục đích và ý nghĩa của việc tổ chức khoa thi, việc dựng bia tiến sĩ, tên các vị quan được nhà vua chỉ định tổ chức khoa thi, cách thức tổ chức thi; tên và chức, tước những người tham gia dựng bia (soạn, nhuận sắc, viết chữ, khắc bia... ), năm dựng bia…

Bia Tiến sĩ tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám với những bài ký thể hiện tư tưởng triết học, giáo lý sâu xa cùng những nét chạm khắc tinh xảo là những hiện vật quí giá, một trong những di sản tư liệu có giá trị đặc biệt quan trọng phản ánh truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng hiền tài của Việt Nam. Tháng 5 năm 2011, UNESCO đã công nhận 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám là những di sản tư liệu đặc biệt quan trọng của thế giới và ghi vào Danh mục Ký ức thế giới quốc tế. Năm 2012, Thủ tướng chính phủ đã quyết định công nhận hệ thống bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là Bảo vật Quốc gia. Đó là sự kiện đáng tự hào, trân trọng, đồng thời đặt ra nhiệm vụ quan trọng, mang tầm quốc tế là phải bảo tồn và phát huy giá trị của 82 bia Tiến sĩ cho xứng đáng với giá trị của bia, xứng đáng là một di sản của nhân loại.

 

(Ảnh: Lễ đón bằng Di sản Tư liệu  thế giới (khu vực Châu Á - Thái Bình Dương)  ngày 7-4-2010)

 

Việc bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản là công việc quan trọng, nhất là hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập. Tuy nhiên, với mỗi di sản lại có những khó khăn, thách thức khác nhau. Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám nằm giữa khu vực đô thị sầm uất, bao bọc bởi 4 phố với mật độ giao thông cao, hàng ngày đón hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập. Ngoài ra thời tiết khắc nghiệt, nóng, lạnh, ẩm, gió mưa... vì thế việc bảo vệ, bảo tồn bia càng khó khăn sao cho vừa đảm bảo sự tồn tại lâu dài, bền vững của di sản, vừa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng rộng lớn của nhân loại.

Trong thời gian qua, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cơ quan trực tiếp quản lý Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của bia Tiến sĩ, bước đầu có những hiệu quả đáng khích lệ.

Trước hết, để bảo vệ bia khỏi bị mòn, hư hại trước tác nhân khách quan và chủ quan, năm 1994, Trung tâm đã thực hiện việc xây dựng 8 nhà che bia, và sau đó cho làm hàng rào bảo vệ, đặt biển chỉ dẫn tham quan rõ ràng, đặt pano giới thiệu về giá trị của bia, giúp du khách hiểu được sâu hơn giá trị của bia, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ bia.

Trung tâm thường xuyên cho bảo dưỡng, bảo trì khu vực bia: Nhà che bia được vệ sinh sạch sẽ; các cấu kiện gỗ được phun thuốc diệt mối, xử lý côn trùng gây hại định kỳ, đều đặn. Khu vực bia được trang trí trang nghiêm bằng những cây hoa, cây cảnh phù hợp khiến cho du khách đến tham quan tăng thêm phần tôn trọng những tấm bia, có ý thức bảo vệ bia.

Các hoạt động quảng bá về bia Tiến sĩ được thực hiện thường xuyên, rộng rãi tới công chúng trong và ngoài nước, như triển lãm về bia Tiến sĩ và Di tích không chỉ tại Di tích mà còn tại các địa phương như Bắc Ninh, Hải Dương, Huế, Đồng Nai; dịch các bài văn bia sang tiếng Việt và tiếng Anh; Các ấn phẩm giới thiệu, tuyên truyền về di tích được làm mới về cả nội dung và hình thức nhằm tạo ấn tượng cho du khách, công chúng về một di sản đặc biệt – Ký ức thế giới. Ngoài các tờ rơi, Trung tâm đã xuất bản 2 cuốn sách giới thiệu về Bia Tiến sĩ, đó là Văn Miếu – Quốc Tử Giám  và 82 bia Tiến sĩ (tiếng Việt) và 82 Văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám  Thăng Long (tiếng Anh). Bia Tiến sĩ cũng được giới thiệu trên website riêng của Trung tâm, góp phần nâng cao giá trị của Di tích.

Trong các hoạt động khuyến học, thuyết minh, Trung tâm thường gắn việc tuyên truyền về di sản bia Tiến sĩ với đề cao truyền thống tôn sư trọng đạo, trọng hiền tài của dân tộc, thực hiện chương trình gắn kết di sản với nhà trường nhằm tăng cường ý thức bảo vệ di tích cũng như bia Tiến sĩ cho các em học sinh, sinh viên, và du khách.

 

 

(Ảnh: Du khách đến thăm quan vườn bia Tiến sĩ)

 

Những biện pháp bảo vệ, bảo tồn trên đạt hiệu quả chưa cao trước những xâm hại của thời tiết, khí hậu, như quá trình vôi hóa đá do nhiệt độ cao, ánh nắng mặt trời, sự ăn mòn do gió, độ ẩm cao, tác động của bụi, tiếng ồn.… Việc tìm ra giải pháp tối ưu, đồng bộ là một công việc phức tạp, khó khăn, cần sự đầu tư, góp sức, chung tay của các ngành, các cấp, của các nhà khoa học, và đặc biệt là của cộng đồng – những người trực tiếp thụ hưởng và là nhân tố quyết định sự tồn tại lâu bền cho di sản.

Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị 82 bia Tiến sĩ đã xác định định hướng bảo tồn và phát huy giá trị Bia Tiến sĩ toàn diện, hiệu quả theo đó cần thực hiện các công việc như:

1) Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học đầy đủ nhất về 82 bia Tiến sĩ và khu vườn bia phục vụ lưu trữ, quản lý và tra cứu, bao gồm: xây dựng Hồ sơ khoa học theo quy định của Luật Di sản văn hóa; Sưu tầm, tập hợp, chuẩn hóa và hệ thống hóa tư liệu về 82 tấm bia đá Tiến sĩ và các vấn đề liên quan (với nhiều hình thức khác nhau: văn bản, ảnh, bản dập, video…).

- Số hóa và thiết lập kho lưu trữ, bảo quản tư liệu về 82 bia Tiến sĩ, đồng thời xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu.

2) Tiến hành bảo tồn một cách toàn diện và khoa học hệ thống Bia Tiến sĩ. Trước hết cần nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ cụ thể của từng tấm bia về đặc điểm, tình trạng, các tác nhân gây hại từ đó trên cơ sở áp dụng các thành tựu khoa học về bảo tồn các tài liệu trên đá đề ra có giải pháp an toàn, hiệu quả nhất phù hợp với đặc điểm, tình trạng của từng tấm bia đá;

3) Thực hiện phát huy giá trị hệ thống bia Tiến sĩ trên cơ sở kết quả của việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu như: phát hành các ấn phẩm, tổ chức các hoạt động quảng bá sâu rộng trong và ngoài nước qua các phương tiện thông tin đại chúng như website, truyền hình, mạng xã hội... Sử dụng hiệu quả Logo Di sản tư liệu thế giới theo đúng quy định.

Ngoài những giải pháp trên, cần có những biện pháp bổ sung nhằm ngăn ngừa tác động của  yếu tố môi trường tự nhiên và xã hội, như bụi công nghiệp và tiếng ồn, độ rung do các phương tiện giao thông xung quanh Di tích. Hạn chế lưu lượng giao thông, hạn chế (tiến tới cấm) phương tiện giao thông cơ giới trên các phố như Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Thái Học sẽ góp phần quan trọng vào việc chống xuống cấp Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói chung, của bia Tiến sĩ nói riêng.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên trong thời gian tới sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của bia Tiến sĩ, góp phần vào bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, bảo vệ di sản văn hóa của cha ông, đồng thời góp phần to lớn vào việc xây dựng nền văn hóa mới đậm đà bản sắc dân tộc, gắn liền với công cuộc phát triển bền vững đất nước.

Nguyễn Văn Tú


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám