vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Các vị Tế Tửu, Tư Nghiệp Quốc Tử Giám Thăng Long trong sự nghiệp phát triển Văn hóa, Giáo dục đất nước


Trong hơn 700 năm hoạt động từ thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XVIII, Quốc Tử Giám Thăng Long đã đào tạo, bảo cử ra một đội ngũ quan lại, trí thức Nho học đông đảo có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của Đất nước và Dân tộc. Các vị quan đứng đầu Quốc Tử Giám (Tế tửu, Tư nghiệp) đều là các bậc sĩ phu, tài cao, đức trọng được lựa chọn từ hàng ngũ các bậc danh Nho, đại thần có uy tín.

 Theo thống kê sơ bộ từ tài liệu chính sử và sắc phong, văn bia tại một số địa phương khoa bảng thì trong số 101 vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Thăng Long (từ thế kỷ XIV đến thế thế kỷ XVIII), ngoài 5 vị chưa xác định được thân thế, còn lại toàn bộ 96 người đều có học vị Tiến sĩ (lưu danh trong Đăng khoa lục), trong đó có nhiều người giật giải Đình nguyên (Trạng nguyên Nguyễn Trực, Trịnh Tuệ, Bảng nhãn Lê Quí Đôn…). Đặc biệt, đại đa số các vị Tế tửu, Tư nghiệp đều từng giữ hoặc đang kiêm nhiệm các chức vụ quan trọng trong triều đình như: Hàn lâm viện Thừa chỉ (vị đại phu thay vua soạn chiếu chỉ), Đô Ngự sử (vị quan có trách nhiệm can gián vua không làm việc sai trái), Nhập thị Kinh diên (quan giảng kinh sách cho vua trong Nội điện), Thượng thư (tương tự chức Bộ trưởng ngày nay), Tham tụng (vị quan đứng đầu phủ chúa Trịnh, chuyên coi việc chính sự triều trình, quyền lớn hơn Thượng thư),Tả-Hữu Thị lang (Thứ trưởng)…vv.

Là những người đứng đầu Trung tâm giáo dục lớn nhất đất nước, đồng thời lại đảm nhiệm những chức vụ trọng yếu trong triều đình, các vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám giữ một vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển văn hóa, giáo dục của Dân tộc. Họ là những cố vấn giúp các bậc Đế vương sử dụng tinh hoa của Nho giáo (công cụ được người Hán sử dụng để “đồng hóa và nô dịch” người Việt về mặt tư tưởng trong suốt gần 1000 năm Bắc thuộc) để hoạch định chính sách đào tạo, phát triển, trọng dụng nhân tài của Đất nước, đồng thời cũng là những người trực tiếp giám sát và thực hiện các chính sách đó.

Từ thế kỷ XXI nhìn lại, hơn 500 năm đã trôi qua nhưng câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước lên và mạnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp. Thế cho nên các bậc Thánh đế, Minh vương không ai không lấy việc đào tạo nhân tài, bồi đắp nguyên khí làm việc cần kíp” (trích văn bia khoa thi 1442) của Tế tửu Thân Nhân Trung vẫn được coi là kim chỉ nam, là chiến lược giáo dục của Nhà nước Việt Nam. Những quan điểm về một nền giáo dục bình đẳng, toàn diện và một chương trình dạy - học, thi cử, trường qui nghiêm túc nhằm đào tạo ra những con người “danh xứng với thực”, vừa có đức vừa có tài,  biết cách xử lý, dung hợp giữa các yếu tố Tri thức - Đạo đức - Hành vi để trở thành người có trách nhiệm đối với gia đình và xã hội…của Trường Quốc Tử Giám xưa ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

 Nhiều du khách quốc tế đã ngạc nhiên thán phục khi nghe các thuyết minh viên tại Văn Miếu giới thiệu rằng: Từ thời Trần (thế kỷ XIII-XV), ngoài việc Tập ấm (tuyển thẳng) dành cho con em trong Hoàng tộc và quan lại cao cấp thì con em bình dân tuấn tú (có tài –đức) người Việt cũng được tuyển chọn vào học tại Quốc Tử Giám. Tính chất tiến bộ của chương trình đào tạo tại Trường Giám (qui định phân bổ Giám sinh 3 xá theo kết quả học tập và chế độ học bổng khác nhau; qui định Nho sinh mỗi năm phải làm 4 bài Đại tập, mỗi tháng một bài Tiểu tập. Ai trả đủ, đúng tất cả các bài thi thì được coi đã là tốt nghiệp chứ không căn cứ cố định vào thời gian 3 năm hay 7 năm…) khiến người ta liên tưởng tới qui định cấp học bổng theo học lực và cấp bằng đại học khi có đủ số tín chỉ môn học của nền giáo dục thời hiện đại.

Lịch sử cũng minh chứng, dưới sự điều hành của các vị Tế tửu, Tư nghiệp, Trường Quốc Tử Giám Thăng Long đã ngày càng phát triển và trở thành hình mẫu cho hệ thống giáo dục Nho học trong cả nước. Sau hơn 7 thế kỷ, tính từ điểm khai hỏa thành lập Quốc Tử Giám (1076), một hệ thống dày đặc các trường, lớp đã được thiết lập từ trung ương đến địa phương, trải rộng từ Kinh thành Thăng Long đến khắp các phủ, huyện, làng quê; Kết quả đã đào tạo ra hàng nghìn các bậc đại khoa, hiền tài không chỉ đáp ứng nhu cầu vận hành của Nhà nước quân chủ Đại Việt mà còn có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, giáo dục, văn học – nghệ thuật, sử học, địa lý, toán học…vv.

Trên cương vị sứ thần, các vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám từng đi sứ nhà Minh, nhà Thanh (Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đổ, Ngô Sĩ Liên …) bằng tài năng và tri thức của mình đã góp phần tạo dựng cho nước nhà một mối quan hệ bang giao mềm dẻo trên nguyên tắc giữ vững độc lập chủ quyền đất nước. Tế tửu Phùng Khắc Khoan trong chuyến đi công cán tại Trung Quốc còn kín đáo mang về nước hạt Ngọc mễ (giống ngô) để phổ biến cho nhân dân trồng trọt.

Các sử gia: Ngô Sĩ Liên, Lê Tung, Lê Quí Đôn … đã cống hiến cho nền sử học dân tộc những bộ quốc sử quí báu (Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử, Quốc sử tục biên…) cùng nhiều tư liệu quí (văn đình đối, văn bia Tiến sĩ, bi ký tại các đền, chùa, nhà học …) ghi chép lại nhiều sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra tại kinh đô và các địa phương. Nhà toán học Lương Thế Vinh với tác phẩm Đại Thành toán pháp và các qui tắc tính chu vi, diện tích các hình khối… đã đưa ngành toán học Việt Nam ở thế kỷ XV bước sang một giai đoạn mới. Thiên Nam dư hạ tập (do Tế tửu Thân Nhân Trung viết chung với Đỗ Nhuận) nói về các qui định, luật lệ, sáng tác văn học dưới thời Lê Thánh Tông, cùng các áng thơ, văn thời Lý – Trần và tác phẩm của các vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám (thành viên Hội Tao đàn) hay tác phẩm của nhà Bách khoa toàn thư Lê Quí Đôn đã làm giàu có, phong phú thêm kho tàng văn học, nghệ thuật và góp phần nâng cao nền học vấn nước nhà...vv.

 Bởi vậy, đội ngũ các vị Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Thăng Long không chỉ là các “yếu nhân” giữ vận mệnh của Trường Quốc Tử Giám trong suốt mấy trăm năm lịch sử dưới thời Lý, Trần, Lê… mà còn là những người đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung của nền văn hóa, giáo dục Đất nước./.

                                                                                                                                                                                                                       Ths.Đỗ Thị Tám

Phó Giám đốc Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám