vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

CHU VĂN AN (1292-1370) TƯỢNG ĐÀI NGƯỜI THÀY TRONG LÒNG DÂN TỘC


Năm nào cũng vậy, từ tháng 3 đến tháng 5 dương lịch, hàng trăm trường học các cấp tại Thủ đô và các tỉnh thành lân cận lại nô nức đổ về Ngôi trường Đại học đầu tiên của Đất nước để làm lễ Dâng hương - Khuyến học tôn vinh Thầy giáo Chu Văn An và phát động phong trào học tập, nối bước tiền nhân. Theo thống kê sơ bộ, năm 2018, chỉ tính riêng tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội (chưa kể đến Văn Miếu Mao Điền và hàng chục đền thờ Chu Văn An tại các địa phương khác) đã có tới trên 700 trường học với hơn 120.000 lượt học sinh, sinh viên tề tựu về tham dự các buổi lễ trang trọng tôn vinh Thầy.

Là một nhà Nho nổi tiếng tiết tháo, cương trực thời Trần, Thầy Chu Văn An đỗ đạt cao nhưng không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học. Cả cuộc đời Thầy từ lúc làm thầy giáo trường làng (ở Thanh Trì-Hà Nội) đến khi làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám (tại kinh đô Thăng Long), rồi làm thầy giáo của nhà vua hay lúc từ quan về ẩn (tại Chí Linh-Hải Dương) luôn nêu cao tấm gương một người Thày mẫu mực, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục của Đất nước.

Tượng thờ thầy Chu Văn An tại khu Thái Học

Học sinh tham dự lễ Dâng hương - Khuyến học tôn vinh Thầy giáo Chu Văn An 

Quan điểm giáo dục của Thầy cốt yếu nhấn mạnh đến giáo dục đạo đức, nhằm dạy học trò tất cả mọi tầng lớp học trò (không phân biệt đẳng cấp, giàu nghèo) biết cách đối nhân xử thế, biết cách sống phù hợp với mọi hoàn cảnh và hòa hợp với đồng loại, “làm cho cuộc sống của chính họ và những người xung quanh trở nên tốt đẹp hơn”; Tiếp đó, Thầy chủ trương kết hợp học với hành, chú trọng giáo dục kỹ năng, tri thức, khuyến khích học trò “tự suy nghĩ, khơi dậy, phát hiện chân lý cũng như khả năng ẩn giấu trong từng con người” để có thể hoàn thành tốt trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội.

Mấy trăm năm lịch sử đã trôi qua nhưng lời dạy của Thầy vẫn còn nguyên giá trị: “Phàm học thành đạt cho mình là để thành đạt cho người, công đức tới dân, ân huệ để lại đời sau, đấy đều là phận sự của ... chúng ta”. Trên cả nước ta, hiện có tới 50 trường học mang tên Thầy Chu Văn An (gồm: 10 trường Tiểu học, 19 trường Trung học Cơ sở, 17 trường Trung học phổ thông, 03 trường Liên cấp và 01 trường Đại học) và 22/64 tỉnh, thành phố có đường, phố mang tên Thầy Chu Văn An (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa...). Những câu chuyện về Thầy (Sự tích cái đầm mực) đã đi vào truyền thuyết - Thầy Chu Văn An đã đi vào lòng dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm 650 năm ngày mất của Thầy, Hồ sơ Danh nhân Chu Văn An đã được Sở VH&TT Hà Nội xây dựng, trình Hội đồng UNESCO xét duyệt thông qua vào tháng 4/2019./.

           (Tư liệu trích: Kỷ yếu Hội thảo khoa học  Chu Văn An - Trung tâm HĐ VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám)

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám