vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Hội thảo Khoa học Quốc gia “Lê Hoàn – Quê hương và sự nghiệp”


Hướng tới kỷ niệm 1030 năm ngày vua Lê Đại Hành về cày tịch điền tại chân núi Đọi, 1075 năm ngày sinh và 1010 năm ngày mất của Lê Đại Hành hoàng đế và 20 năm ngày tái lập tỉnh Hà Nam, sáng 6/9, UBND tỉnh phối hợp với Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội Thảo khoa học quốc gia “Lê Hoàn – Quê hương và sự nghiệp”.

 

DSC_0704.jpg

 

Tham dự hội thảo có GS.TS Nguyễn Thị Doan – Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử của TW và các tỉnh, thành phố, đại biểu Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học cùng 1 số cơ quan nghiên cứu của TW. Về phía tỉnh Hà Nam, có đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Sỹ Lợi – Phó Bí thư thường trựcTỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Đông – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các huyện, TP của tỉnh…

 

DSC_0648.jpg

Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc hội thảo

 

Trong phần phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hà Nam - vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm gắn với sự hình thành, phát triển của dân tộc. Hà Nam cũng là cái nôi thu hút và môi trường đào luyện nhiều nhân vật lịch sử, hiền tài của đất nước. Kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu lịch sử -văn hóa và các tài liệu lịch sử cho thấy, cuộc đời sự nghiệp của Lê Hoàn luôn có những gắn bó chặt chẽ và để lại nhiều dấu ấn với mảnh đất Hà Nam, được các thế hệ người dân Hà Nam trân trọng gìn giữ và phát huy. Hội thảo lần này sẽ là dịp để bổ sung thêm các tư liệu lịch sử về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật của anh hùng dân tộc Lê Hoàn trong tiến trình lịch sử của đất nước, những dấu ấn, dấu tích liên quan đến Lê Hoàn trên đất Hà Nam. Đây cũng là hoạt động khoa học có ý nghĩa quan trọng hướng tới kỷ niệm 1030 năm ngày vua Lê Đại Hành về cày tịch điền tại chân núi Đọi, 1075 năm ngày sinh, 1010 năm ngày mất của vua Lê Đại Hành và 20 năm ngày tái lập tỉnh Hà Nam. Qua đó, bồi đắp, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

 

GS.TSKH Vũ Minh Giang  trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo

 

Phát biểu đề dẫn hội thảo “Lê Hoàn – Quê hương và sự nghiệp”, GS.TSKH Vũ Minh Giang đã đề cập đến 5 nội dung để các học giả, các nhà quản lý tập trung thảo luận. Đó là: Giá trị các di sản văn hóa trên đất Hà Nam liên quan đến Lê Hoàn và thời đại của ông; Vùng đất Liêm Cần có vai trò thế nào với cuộc đời, sự nghiệp Lê Hoàn và triều Tiền Lê; vị trí của Hà Nam trong số các địa phương có nhiều di tích gắn với Lê Hoàn; Những vấn đề cần làm sáng tỏ thêm về vai trò của Lê Hoàn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước thời Đại Cồ Việt; Quy hoạch và những giải pháp nhằm tôn tạo, phát huy và khai thác các di sản văn hóa gắn với Lê Hoàn, triều Tiền Lê và quốc gia Đại Cồ Việt phục vụ phát triển bền vững tỉnh Hà Nam và cả nước.

 

DSC_0657.jpg

GS.TS Nguyễn Thị Doan – Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phát biểu tại hội thảo

 

DSC_0679.jpg

Nhà nghiên cứu dân gian Bùi Văn Cường tham luận với nội dung " Lịch sử với Lê Hoàn, Hoàn vương ca tích với lịch sử"

 

Hội thảo thu hút hơn 30 bài viết và ý kiến tham luận của các đại biểu, nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu TW và các học giả địa phương, trong đó có 5 tham luận được trình bày ngay tại hội thảo. Các bài viết tập trung nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp, công lao, đóng góp của Lê Hoàn trong lịch sử và những dấu tích của Người trên quê hương Hà Nam. Nhiều bài viết có giá trị khảo tả di tích và những tư liệu dân gian liên quan đến Lê Hoàn thu thập tại địa phương như “Dấu tích quê hương, gia đình và tuổi thơ của Lê Hoàn” của tác giả Hà Lang; “Về quê hương Lê Hoàn” của tác giả Mai Khánh. Đặc biệt, phải kể đến tham luận gắn với giá trị sử liệu trong bản trường ca “ Hoàn Vương sự tích” của tác giả Bùi Văn Cường. Bên cạnh những tham luận về quê hương, còn có 18 báo cáo tập trung về sự nghiệp của vị Hoàng đế khai mở triều Tiền Lê. Trong đó, nói về sự nghiệp kháng chiến chống quân Tống; đóng góp của Lê Hoàn trong sự nghiệp xây dựng đất nước, trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Tiêu biểu là các bài viết: “Đại bản doanh của vua Lê Đại Hành trong trận Bạch Đằng năm 981” của Nguyễn Minh Tường, “Phật giáo thời Tiền Lê và vai trò của Phật giáo trong quá trình khởi lập vương triều Lý” của tác giả Nguyễn Ngọc Phúc. Ngoài ra, còn có nghiên cứu về quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị các di tích thờ Lê Hoàn trên vùng đất Hà Nam của tác giả Trương Văn Quảng (Viện nghiên cứu du lịch, Liên hiệp các hội “KHKT Việt Nam)…

 

DSC_0715.jpg

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
phát biểu tổng kết hội thảo

 

Tổng kết hội thảo, Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: Lê Hoàn không chỉ là vị anh hùng dân tộc trong sự nghiệp chống ngoại xâm, mà còn là nhân vật có nhiều đóng góp kiệt xuất trong công cuộc nội trị, xây dựng đất nước, phát triển văn hóa đặc biệt là trong hoạt động ngoại giao để nâng cao vị thế quốc gia. Thông qua những tư liệu lịch sử, cơ sở khoa học có thể khẳng định Hà Nam chính là quê gốc của Lê Hoàn. Đặc biệt, tại hội thảo lần này, vấn đề quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị các di tích thờ Lê Hoàn trên quê hương hương Hà Nam được đưa ra và nghiên cứu bài bản. Để giữ gìn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa liên quan đến Lê Hoàn và thời đại của ông trên đất Hà Nam, Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê cũng đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn các di tích về Lê Hoàn tại Hà Nam. Đồng thời chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ đặc biệt là thế hệ trẻ về giá trị, ý nghĩa của các di tích cũng như cống hiến của các bậc tiền nhân đối với quê hương, đất nước.

Hội thảo khoa học quốc gia “Lê Hoàn – Quê hương và sự nghiệp” đã góp phần làm sáng tỏ hơn thân thế sự nghiệp và những đóng góp nổi bật của anh hùng dân tộc Lê Hoàn trong tiến trình lịch sử của đất nước; những dấu ấn, dấu tích về thân thế sự nghiệp của Lê Hoàn trên đất Hà Nam, góp phần làm phong phú thêm những giá trị văn hóa lịch sử của vùng đất văn hiến, địa linh nhân kiệt này. Đây cũng là dịp để tuyên truyền, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước trong xây dựng bảo vệ tổ quốc thời kỳ hội nhập và phát triển. Đồng thời, thông qua hội thảo giúp những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa lịch sử của Hà Nam có thêm kiến thức, kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp để quy hoạch, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích thờ vua Lê Đại Hành trên đất Hà Nam, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trong những năm tới.

Trong khuôn khổ những hoạt động hội thảo, chiều ngày 5/9 các nhà khoa học, nghiên cứu, học giả đã tiến hành dâng hương tại đền thờ vua Lê Đại Hành xã Liêm Cần, huyện thanh Liêm và chứng kiến lễ gắn biển tên của 2 nhà khoa học Trần Quốc Vượng và  Nguyễn Hồng Phong cho 2 tuyến phố tại Thành phố Phủ Lý.


Nguồn tin: hanamtv.vn

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám