vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

HỘI THẢO KHOA HỌC VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM VÀ GIÁO DỤC NHO HỌC VIỆT NAM


Nhân 100 năm diễn ra kỳ thi Nho học cuối cùng (1919 – 2019), cùng nhìn lại đặc điểm và thành tựu của nền giáo dục khoa cử Việt Nam, sáng ngày 26/11/2019, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Giáo dục Nho học Việt Nam tại nhà Tiền Đường, di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Ảnh: Đại biểu tham dự hội thảo dâng hương thầy Chu Văn An tại nhà Hậu Đường di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Tới dự Hội thảo có; GS. TSKH Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; PGS. TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; TS. Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long; PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Phó Viện trưởng Viện Sử học; TS. Nguyễn Hữu Mùi – Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám cùng đông đảo các nhà khoa học và đại biểu đến từ nhiều trung tâm nghiên cứu.

Ảnh: TS. Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phát biểu tại hội thảo

Thông qua 22 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng các đại biểu đến từ nhiều trung tâm nghiên cứu đã tập trung thảo luận, đánh giá ba nội dung sau:

1. Lịch sử giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam.

2. Văn Miếu - Quốc Tử Giám với vai trò và vị thế của trường Quốc học.

3. Truyền thống giáo dục khoa cử của các vùng văn hóa.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, các đại biểu tham dự đã thảo luận sôi nổi để làm rõ những giá trị văn hóa của giáo dục Nho học trong lịch sử Việt Nam cũng như dấu ấn còn lưu lại trong đời sống hôm nay. Từ những bài học kinh nghiệm của lịch sử, từ kết quả của một nền giáo dục hướng cho con người tới “Thành đức” và “Đạt tài” và tinh thần phụng sự cho Tổ quốc, quán chiếu vào nền giáo dục thực tại, tìm ra những phương thức để đổi mới giáo dục, một nền giáo dục của dân tộc, nhân văn, hiện đại, sáng tạo, làm nền tảng, nuôi dưỡng tinh thần dấn thân, phụng sự để xây dựng đất nước phát triển bền vững, chung sống cùng các dân tộc khác trong một thế giới đầy biến động hiện nay.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết: “Trải qua 844 năm phát triển, nền giáo dục khoa cử tuy thịnh suy tùy thời nhưng đã gánh vác được sứ mệnh “bồi thực nguyên khí, cử hiền nhiệm năng” mà lịch sử đã giao phó. Hơn thế nữa, giáo dục Nho học đã từng bước tạo ra một tầng lớp sĩ phu có tiết, đức độ, rất có uy tín trong nhân dân. Đây là những người con ưu tú, những danh nhân văn hóa gắn bó với vận mệnh đất nước bằng những cống hiến bền bỉ với tài năng và nhân cách của mình.”

Các tham luận và ý kiến của hội thảo đều đưa ra những kinh nghiệm của nền giáo dục khoa cử và gợi mở những ý kiến cho nền giáo dục hiện nay nhằm tôn vinh tinh thần nhân văn, tinh thần học thuật, truyền thống hiếu học của dân tộc, niềm tự hào về Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Gắn liền với giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam, không thể không nhắc tới Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Khẳng định về vai trò của trường Quốc Tử Giám, TS. Đặng Kim Ngọc - Uy viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho rằng: “Hơn 700 năm tồn tại, trường Quốc Tử Giám- Thăng Long đã góp phần đào tạo hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước, đã cung cấp cho nhà nước Đại Việt một đội ngũ quan chức có trình độ, có kiến thức để quản lý, điều hành đất nước. Đặc biệt, đã đào tạo nên một đội ngũ quan chức Nho học, được trang bị kiến thức và tư tưởng Việt Nho, khác Hán Nho, góp phần làm nên bản sắc văn hóa riêng của người Việt, quốc gia Việt.”

Ảnh: TS. Đặng Kim Ngọc Uy viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phát biểu tại hội thảo

Hội thảo khoa học “Văn Miếu – Quốc Tử Giám và giáo dục Nho học Việt Nam” có ý nghĩa quan trọng, giúp các thế hệ đi sau hiểu rõ hơn về truyền thống giáo dục và khoa cử của đất nước. Thông qua đó, góp phần phát huy, gìn giữ những giá trị di sản văn hóa  mà ông cha đã để lại.

BBP

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám