vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Khai mạc Trưng bày “Mộc bản trường học Phúc Giang – Hà Tĩnh: Di sản tư liệu thế giới”


Sáng ngày 23/5, Trung tâm HĐ VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức trưng bày chuyên đề: “Mộc bản trường học Phúc Giang, Di sản tư liệu Thế giới” tại khu Thái học di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội từ 23 tháng 5 đến 30 tháng 5 năm 2017. Mộc bản trường học Phúc Giang là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất về giáo dục của một dòng họ còn lưu giữ được ở Việt Nam, hiện đang được bảo quản tại tư gia dòng họ Nguyễn Huy - huyện Can Lộc và Bảo tàng Hà Tĩnh. Trưng bày giới thiệu một số hình ảnh và hiện vật tiêu biểu về Mộc bản trường học Phúc Giang gắn liền với Trường Lưu học hiệu, Phúc Giang thư viện và một số danh nhân tiêu biểu họ Nguyễn Huy ở  huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh giúp nhân dân Thủ đô và du khách hiểu hơn về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của địa phương.


Ảnh: Cắt băng khai mạc Triển lãm Mộc bản trường học Phúc Giang, Di sản tư liệu Thế giới

Dự lễ khai mạc có các đồng chí Phạm Định Phong - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, đồng chí Bùi Xuân Thập - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh  Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, đồng chí Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm HĐ VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

 

Ảnh: ông Nguyễn Trí Sơn - Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh phát biểu tại lễ khai mạc.

Phát biểu tại lễ khai mạc ông Nguyễn Trí Sơn - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh khẳng định “Mộc bản trường học Phúc Giang là di sản tư liệu thể hiện sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của Nho giáo đối với triều đình, đất nước và đời sống xã hội, đặc biệt trong việc đào tạo nhân tài từ giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Đây cũng là khối tư liệu gốc minh chứng cho giai đoạn hoạt động văn hóa và giáo dục của một dòng họ trong lịch sử mà ngày nay đã không tồn tại. Bản thân của mỗi mộc bản cũng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, một cổ vật quý hiếm”. 

 

Ảnh: Trang sách "Tính lý toản yếu đại toàn", trưng bày tại phòng khách Thái học di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Mộc bản trường học Phúc Giang hiện còn 383 bản, được làm từ gỗ cây thị “đực” lâu năm, kích thước dài 25-30cm, rộng 15-18cm và dày từ 1-2 cm. Mộc bản được khắc tinh xảo, chữ khắc đẹp, với nhiều dạng chữ như: lệ thư, thảo thư, giản tự, cổ tự,…Phần lớn mộc bản khắc 2 mặt là nội dung sách, số ít khắc một mặt là tên sách, tờ đầu, tờ cuối và lời tựa sách. Nội dung mộc bản gồm các quyển sách kinh điển của Nho giáo như “Tính lý đại toàn”, “Ngũ kinh đại toàn” được “toản yếu” và quyển sách “Thư viện quy lệ” (Quy chế của trường Phúc Giang). Ngoài nội dung sách, trên mộc bản còn khắc thời gian, tên người biên soạn, người khảo duyệt, người viết chữ, người tổ chức khắc của mỗi tập sách, ấn triện, gia huy và những đặc điểm riêng của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu.

 

Ảnh: Đại biểu tham quan triển lãm

Mộc bản trường học Phúc Giang lưu giữ bút tích, ấn triện, gia huy và những dấu tích khẳng định bản quyền gắn với 05 danh nhân văn hóa: Nguyễn Huy Tựu (1690- 1750), Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), Nguyễn Huy Cự (1717-1775), Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785) và Nguyễn Huy Tự (1743-1790). Đây là các nhà giáo, nhà văn, nhà thơ, trong một gia đình 3 thế hệ: ông – cha - con họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu.  

 

Một số hình ảnh tại Triển lãm: 

 Ảnh: Một số hiện vật Mộc bản trường học Phúc Giang được trưng bày tại triển lãm

 

Ảnh: Một số hình ảnh trưng bày tại triển lãm

Đại Minh

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám