Lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam mở đầu bằng khoa thi Tam trường để chọn Minh kinh Bác học vào năm 1075 dưới triều Vua Lý Nhân Tông. Người đỗ đầu kỳ thi này là Lê Văn Thịnh (Bắc Ninh). Nối tiếp các năm 1086, 1152, 1165, 1185 và 1193 nhà Lý đều cho mở các khoa thi Tam trường để chọn người tài nhằm củng cố bộ máy chính quyền. Đến năm 1195, triều đình nhà Lý cho mở khoa thi Tam giáo (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo). Thi Tam giáo tồn tại cho đến năm 1247, đời vua Trần Thái Tông thì chấm dứt.
Dưới triều Trần (1225-1400), chế độ khoa cử phát triển, các khoa thi mở đều đặn, thể lệ rõ ràng hơn. Từ năm 1232, triều Trần mở khoa thi Thái học sinh chọn: Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp và Đệ tam giáp. Năm 1247, đặt danh hiệu tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) cho 3 người trong hàng đệ nhất giáp. Đến năm 1374, triều đình mở khoa thi Đình ở Hoàng cung để chọn người đỗ Tiến sĩ, thay thế cho học vị Thái học sinh. Năm 1396, vua Trần Thuận Tông đặt lệ thi Hương lần đầu tiên để lấy đỗ Cử nhân và quy định cứ 7 năm một kỳ thi, năm trước thi Hương, năm sau thi Hội ở Kinh đô. Thi Hội bắt đầu có từ thời Trần.
Trong 7 năm tồn tại ngắn ngủi (1400 - 1407), triều Hồ cũng có những quan tâm nhất định đối với nền giáo dục nước nhà và vẫn theo phép thi của triều Trần, nhưng qui định 3 năm mở một khoa thi. Năm 1400, triều Hồ tổ chức khoa thi Thái học sinh. Năm 1404, định thể thức thi chọn nhân tài: cứ tháng 8 năm trước thi Hương thì tháng 8 năm sau thi Hội, người đỗ được bổ Thái học sinh.
Dưới triều Lê sơ, khoa cử thịnh đạt và phát triển tới đỉnh cao trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Năm 1434, Vua Lê Thái Tông xuống chiếu định lệ thi Hương, thi Hội và qui định 3 năm mở một khoa thi.
Để được thi Hương, Nho sinh phải trải qua kỳ thi Khảo hạch tổ chức tại địa phương để loại bớt những người chưa thực sự đủ năng lực, đức hạnh. Thi Hương gồm 4 kỳ, đỗ kỳ trước mới được vào kỳ sau. Bốn kỳ thi Hương gồm: kỳ 1 thi Kinh nghĩa; kỳ 2 thi Chế, Chiếu, Biểu; kỳ 3 thi Thơ, Phú; kỳ 4 thi Văn sách. Thi Hương thường được tổ chức ở một bãi đất trống rất rộng như bãi ven sông hoặc những cánh đồng đã thu hoạch. Xung quanh trường thi được rào kín, ở chính giữa dựng một số nhà tranh dùng làm nơi chấm thi. Nho sinh đỗ thi Hương được gọi là Hương cống và được phép tham dự thi Hội.
Thi Hội có thể thức và nội dung như thi Hương, nhưng đòi hỏi trình độ cao hơn. Đỗ cả 4 kỳ thi Hội được tham dự thi Đình. Đỗ đầu thi Hội được gọi là Hội nguyên. Trường thi Hội cũng giống như trường thi Hương.
Thi Đình thường được tổ chức tại sân của Hoàng cung nên còn được gọi là Điện thí. Thí sinh làm một bài văn sách do vua ra đề hỏi về đạo trị nước, sử dụng hiền tài... Thi Đình để phân hạng đỗ cao thấp. Đỗ đầu thi Đình được gọi là Đình nguyên. Theo quy định của triều Lê, người đỗ được phân theo 3 hạng:
Hạng thứ nhất: Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, chỉ gồm 3 người (Tam khôi): Đệ nhất danh (Trạng nguyên), Đệ nhị danh (Bảng Nhãn), Đệ tam danh (Thám hoa).
Hạng thứ hai: Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp)
Hạng thứ ba: Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ)
Tuy nhiên, có khoa thi chỉ có 3 người đỗ (như khoa thi năm 1592), có khoa thi đến 62 người đỗ (như khoa thi năm 1478), nên không phải tất cả các khoa thi đều có đủ các hạng, các danh hiệu, không phải cứ đỗ đầu (Đình Nguyên) thì được phong Trạng nguyên. Trong lịch sử khoa cử Việt Nam chỉ có 46 người được phong danh hiệu Trạng nguyên.
Các khoa thi được tổ chức cho tất cả nho sinh trong cả nước, không phân biệt nơi học, tuổi, địa vị xã hội, số lần đã thi. Vì thế, có khoa thi Hội có đến 6.000 Hương cống ứng thí, có nhiều người đang làm quan cũng ứng thí, có người đỗ khi còn rất trẻ, có người đến 68 tuổi mới đỗ (như Quách Đồng Dần đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1634). Tuy nhiên, con nhà“xướng ca”,con nhà tội đồ của triều đình, con nhà bị coi là điêu ngoa, loạn luân và gian dối, người đang để tang cha, mẹ không được thi.
Triều Mạc, Lê Trung hưng sau này đều theo phép thi cử của triều Lê sơ.
Triều Nguyễn định đô ở Huế. Năm 1807, triều đình chính thức mở khoa thi Hương, đồng thời quy định cứ 3 năm một khoa thi Hương vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu; cùng 3 năm một khoa thi Hội vào các năm: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Trường thi Hương mở ở nhiều nơi cho thí sinh một tỉnh hoặc một số tỉnh như các trường thi: Hà Nội, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên, Gia Định, An Giang. Thi Hội và thi Đình ở kinh đô Huế. Triều Nguyễn không lấy đỗ Trạng nguyên, nhưng lấy thêm hạng Phó bảng dưới Tiến sĩ.
Lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam bắt đầu từ năm 1075 và kết thúc vào năm 1919 đã trải qua 183 khoa thi đại khoa, lấy đỗ 2.898 vị bao gồm cả Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ và Phó bảng./.