vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2016)


Sáng ngày 22/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, tổ chức kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2016), tại Bảo tàng Hà Nội.

Tham dự buổi lễ có các đồng chí Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, ông Tô Văn Động - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng đại diện các cơ quan, ban ngành.

 

Ảnh: Ông Tô Văn Động - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội 

phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11

 

Phát biểu tại buổi lễ ông Tô Văn Động - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đánh giá, tổng kết “Trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã và đang tập trung quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Thủ đô nghìn năm văn hiến như: trong công tác, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đều ban hành các Nghị quyết, chương trình kế hoạch để nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, tập trung nguồn lực để tăng cường quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đã phê duyệt và triển khai Quy hoạch Tổng thể ngành Văn hóa Thủ đô đến năm 2020, định hướng 2030. Ban hành quy chế quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố. Phân cấp quản lý di tích, phê duyệt kết quả tổng kiểm kê di tích. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 5.922 di tích được kiểm kê, trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 1.202 di tích xếp hạng cấp thành phố… Từng bước  huy động các nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều di tích đã trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh thủ đô với bạn bè quốc tế như di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò…” 

 

Ảnh: Bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 

 

Cũng tại buổi lễ, bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL nhận định: "Hà Nội là địa phương tích cực trong việc đưa Luật Di sản thâm nhập sâu rộng vào đời sống xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng tham gia vào việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa; đồng thời Hà Nội cũng tăng cường công tác kiểm tra giám sát các hoạt động tu bổ di tích, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở, cơ quan cấp trên để xây dựng ban hành các văn bản pháp quy, pháp luật thiết thực phục vụ cho công tác quản lý, chuyên môn của ngành, hạn chế các vi phạm tại các cơ sở".

 

Ảnh: Bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL trao bằng chứng nhận Di sản phi vật thể cho các đơn vị được công nhận

 

Tại buổi lễ kỷ niệm, bà Đặng Thị Bích Liên -  Thứ trưởng  Bộ VH-TT&DL đã trao giấy chứng nhận 3 di sản của Hà Nội đón nhận Bằng Di sản phi vật thể cấp quốc gia là Hát múa Ải Lao (Phúc Lợi, Long Biên), Lễ hội đền Lưu Xá (Hòa Chính, Chương Mỹ) và Nghề thêu truyền thông Đông Cứu (Dũng Tiến, Thường Tín). Như vậy đến thời điểm này, Thủ đô Hà Nội có 12 di sản phi vật thể nằm trong danh mục Di sản quốc gia.

 

Ảnh: Cắt băng khai mạc triển lãm Linh vật Việt và Di sản văn hóa phi vật thể 

 

Trong chương trình Kỷ niệm ngày Di sản năm nay, Phòng Quản lý Di sản, Bảo tàng Hà Nội và Group Đình làng Việt phối hợp triển lãm chuyên đề Linh vật Việt và Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội . Triển lãm trưng bày hơn 200 hình ảnh linh vật sưu tầm tại các di tích và một số sản phẩm phục dựng với mong muốn góp phần nhận diện những giá trị mỹ thuật, giá trị văn hóa, giá trị biểu tượng… của Linh vật Việt và đưa Linh vật Việt xích lại gần hơn với công chúng góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước. Triển lãm cũng giúp công chúng có cái nhìn sâu hơn về ý nghĩa, cách bài trí cũng như tạo hình nghệ thuật để phù hợp với không gian của di tích và với từng giai đoạn lịch sử. Quá đó góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, kế thừa và phát triển những giá trị bản sắc văn hoá dân tộc. Toạ đàm về "Nghệ thuật Việt nhìn từ linh vật" được diễn ra cùng thời điểm với triển lãm giúp công chúng có cơ hội được trò chuyện, thảo luận với các nhà nghiên cứu, chuyên gia mỹ thuật và di sản về các vấn đề quan tâm, thông qua đó được trải nghiệm kiến thức và tăng cường hiểu biết về lịch sử, văn hoá, mỹ thuật truyền thống của dân tộc.

Cũng trong khuôn khổ Chương trình kỷ niệm, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội công bố kết quả thực hiện Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể Hà Nội giai đoạn 2014 - 2016 với kết quả cụ thể có 1.793 di sản đã được kiểm kê, trong đó: Ngữ văn dân gian: 14/1.793 (0,8%); Nghệ thuật trình diễn dân gian: 79/1.793 (4,4%); Tập quán xã hội: 213/1.793 (11,9%); Lễ hội truyền thống: 1.206/1.793 (67,2%); Nghề thủ công truyền thống: 175/1.793 (9,8%); Tri thức dân gian: 106/1.793 (5,9%). Sản phẩm của đợt tổng kiểm kê bao gồm danh mục Di sản văn hoá phi vật thể và cuốn Atlas Bản đồ di sản văn hoá phi vật thể.

 

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

 

 

Ảnh: Các đại biểu tham quan triển lãm

 

Lan Hương

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám