vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

TỌA ĐÀM KHOA HOC "ĐÌNH NGUYÊN, HOÀNG GIÁP NGUYỄN DUY ĐÔN CON NGƯỜI VÀ SỰ NGHIỆP"


Sáng ngày 19/9/2019, Tọa đàm khoa học “Đình nguyên, Hoàng giáp Nguyễn Duy Đôn con người và sự nghiệp” được tổ chức tại nhà Tiền đường, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nhân kỷ niệm 340 năm ngày sinh của Đình nguyên, Hoàng giáp Nguyễn Duy Đôn(1679-2019),

 

 

Tới dự hội thảo có PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Phó Viện trưởng Viện Sử học, TS. Nguyễn Hữu Mùi-Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán nôm, TS. Lê Xuân Kiêu-Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám cùng đông đảo các nhà khoa học và hậu duệ con cháu dòng họ Tây Nguyễn ở Cao Lãm, Ứng Hòa, Hà Nội.

 

Tại buổi Tọa đàm, thông qua 15 bài tham luận, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng đại biểu dòng họ Tây Nguyễn đã tập trung thảo luận và đánh giá con người, tài năng và những đóng góp của Đình nguyên, Hoàng giáp Nguyễn Duy Đôn đối với quê hương, đất nước.

Nguyễn Duy Đôn (1679 - 1741) người xã Cao Lãm huyện Sơn Minh – Nay là thôn Cao Lãm, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Ông là người có tư chất thông minh, đĩnh ngộ, trí nhớ hơn người. Từ nhỏ ông đã được học từ các thầy đồ có tiếng. Năm 18 tuổi ông thi đỗ Tứ trường kỳ thi Hương khoa Bính Tí (1696). Đến khoa thi Hội năm Quý Mùi (1703) ông lại đỗ Tam trường. Năm Canh Dần (1710), ông đỗ thứ nhất kỳ khảo thí của Bộ Lại, được nhậm chức Huấn đạo phủ Tiên Hưng. Năm 34 tuổi, ông đỗ thứ hai kỳ thi Hội khoa Nhâm Thìn (1712), và đỗ đầu kỳ thi Đình khoa thi ấy (khoa thi này không có Trạng nguyên), được bổ chức Hàn lâm viện Hiệu lý. 

Các ý kiến phát biểu tại Toạ đàm đều khẳng định Nguyễn Duy Đôn là vị quan thanh liêm, chính trực, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực chính trị, văn hoá, giáo dục và luôn nặng lòng với quê hương đất nước. Đánh giá về con người, sự nghiệp của Đình nguyên, Hoàng giáp Nguyễn Như Đôn, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ cho rằng: di sản của Nguyễn Như Đôn để lại cho hậu thế không chỉ là những vị trí xã hội ông đã trải qua mà hơn hết là tấm lòng yêu nước thương dân, tinh thần phụng sự đất nước, tấm gương sáng cho đời sau của một con người hết lòng vì quê hương, đất nước.

 

Tọa đàm khoa học về Đình nguyên, Hoàng giáp Nguyễn Duy Đôn có ý nghĩa quan trọng, giúp các thế hệ đi sau hiểu rõ hơn về con người, sự nghiệp và những đóng góp quan trọng của ông cho quê hương, đất nước và dòng họ. Thông qua đó, góp phần phát huy, gìn giữ những giá trị di sản văn hoá mà các danh nhân, nhân vật lịch sử… đã miệt mài tạo ra theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Minh Ngọc


 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám