vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An


     Chu Văn An (1292-1370), tự Linh Triệt, hiệu Tiều Ẩn, tước Văn Trinh công, thụy Khang Tiết. Ông là người làng Quang Liệt, huyện Thành Đàm, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.

     Tương truyền, từ nhỏ Chu Văn An đã nổi tiếng là người học giỏi, ham đọc sách, tính tình cương trực, luôn sửa mình giữ tiết tháo, không cầu danh lợi. Mặc dù học vấn tinh thông nhưng ông không ra làm quan, mà mở trường Huỳnh Cung ở quê nhà để dạy học. Học trò theo học rất đông, có nhiều người sau đỗ đạt làm quan lớn trong triều như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, từng được giữ chức Nhập nội hành khiển thời Trần. Học trò của ông đều luôn kính trọng ông, bởi ông là người thanh liêm cương trực, đạo cao đức trọng. Học trò dù ở địa vị Tể tướng hay Thượng thư, khi đến thăm thày vẫn kính cẩn giữ lễ học trò, những ai được ông cho vào hỏi thăm thì thường quỳ ở dưới để nghe chỉ bảo. Học trò nào ra làm quan mà không giữ mình trong sạch, đều bị ông đuổi ra không tiếp.

     Dưới thời Trần Minh Tông (1314 - 1329), Chu Văn An được mời ra Kinh đô giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, trông nom việc rèn tập sĩ tử tại Quốc Tử Giám và tế lễ tại Văn Miếu, đồng thời dạy Hoàng Thái tử Trần Vượng (sau trở thành vua Trần Hiến Tông). Trong thời gian này, ông đã viết sách Tứ thư thuyết ước để dạy cho học trò.

     Thời Trần Dụ Tông (1341 - 1369), tình hình chính trị rối ren, quyền thần lộng hành, Chu Văn An đã dâng Thất trảm sớ xin chém bảy tên gian thần. Rất tiếc, Vua không nghe theo, ông treo mũ từ quan về ở ẩn ở núi Phượng Hoàng, xã Kiệt đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

     Năm 1370, Chu Văn An qua đời, thọ 79 tuổi. Vua Trần Nghệ Tông vô cùng thương tiếc, ban tên thụy Khang Tiết và cho phối thờ ở Văn Miếu. Sau này sử thần Ngô Sĩ Liên có nhận xét về ông trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau: “Những nhà Nho nước Việt ta được dùng ở đời không phải là không nhiều, nhưng kẻ thì chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, chưa có ai chịu để tâm đến đạo đức, suy nghĩ tới việc giúp vua nêu đức tốt, cho dân được nhờ ơn... Hãy lấy Văn Trinh mà nói, thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập được hay sao? Nếu không tìm hiểu nguyên cớ, thì ai biết thuỵ hiệu của ông xứng đáng với con người của ông. Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà Nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu

     Năm 2003, nhà nước đã cho đúc tượng Danh sư Chu Văn An và thờ ở tầng 1 nhà Hậu đường khu Thái Học. Tượng được làm bằng đồng, nặng khoảng 3 tấn (kể cả ngai)./.


Xem thêm

vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám