vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀO CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU-SƯU TẦM


Qua gần một thiên niên kỷ tồn tại, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính và mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, với nhiều hiện vật quý giá của các triều đại quân chủ, đặc biệt là 82 tấm bia Tiến sĩ là những hiện vật độc bản, đặc sắc và có giá trị về nhiều mặt.

Ba mươi năm qua, với trách nhiệm là đơn vị quản lý di tích, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Trung tâm) luôn quan tâm đến nghiên cứu khoa học và coi đây là nền tảng và là động lực thúc đẩy toàn bộ các hoạt động của di tích. Chính vì lẽ đó nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được triển khai từ sớm như Phương hướng lưu danh danh nhân văn hóa cận hiện đại tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Văn Miếu - Quốc Tử Giám và chế độ học hành khoa cử Nho học Việt Nam; Cơ sở và giải pháp nghiên cứu quản lý các Di tích Nho học Việt Nam”... Thành công của các đề tài trên đã trở thành tiền đề cho các hoạt động nghiên cứu của Trung tâm sau này.

Trong nghiên cứu khoa học, Trung tâm luôn xác định cơ sở hàng đầu luôn là tư liệu/ tài liệu, do vậy nhiều tư liệu liên quan tới các chủ đề: Văn Miếu, Quốc Tử Giám, danh nhân khoa bảng, giáo dục khoa cử Nho học, di tích Nho học,.. Nhiều nguồn sử liệu đã được tổ chức sưu tầm và xử lý cơ bản. Hàng năm, Trung tâm thực hiện nhiều đợt khảo sát, điền dã sưu tầm tư liệu tại các di tích nho học, nhà thờ danh nhân khoa bảng trên phạm vi cả nước. Đến nay đã sưu tầm hơn 600 thác bản văn bia, trên 500 ảnh chụp sắc phong, 6.000 ảnh về di tích, 25 cuốn gia phả, trên 2.000 trang tư liệu Hán Nôm (gồm trước tác, thơ văn, bài thi đình của các Tiến sĩ…), hơn 2.000 câu đối, hoành phi, dịch hàng trăm văn bia, lập trên 200  hồ sơ khảo sát di tích nho học... Từ đó tạo cơ sở dữ liệu phục vụ cho các chuyên đề bảo tồn, phát huy giá trị di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các danh nhân khoa bảng, trong đó đặc biệt chú trọng đến các vị Đại khoa được lưu danh trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu.

 

(Ảnh: Hội thảo khoa học về Tiến sĩ Nguyễn Duy Thức năm 2012)

 

(Ảnh: Hội thảo khoa học về Trang nguyên Nguyễn Đăng Đạo năm 2017)

 

Cùng với các hoạt động sưu tầm, công tác quản lý tài liệu, hiện vật là cơ sở phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyên môn của Trung tâm thời gian qua. Trên cơ sở đẩy mạnh việc rà soát, kiểm kê, phân loại toàn bộ các di vật, cổ vật, tài liệu khoa học bổ trợ hiện có tại di tích, Trung tâm đã phân loại theo chất liệu, nội dung thể hiện để từ đó có thể xác định phương pháp bảo quản đối với mỗi hiện vật. Đồng thời phục vụ công tác quản lý, tiến tới xây dựng bộ dữ liệu về hiện vật nhằm phát huy tốt nhất giá trị của hơn 1.000 hiện vật, tài liệu, đặc biệt là bảo vật quốc gia.

 

(Ảnh: Cán bộ P.NCST dập văn bia thu thập tư liệu danh nhân Tiến sĩ ở địa phương)

 

Các kết quả sưu tầm, nghiên cứu  được Trung tâm công bố dưới các hình thức tọa đàm, hội thảo khoa học hoặc trưng bày chuyên đề, xuất bản ấn phẩm văn hóa. Đến nay Trung tâm đã tổ chức được 04 hội nghị các đơn vị quản lý di tích Nho học, hàng chục hội thảo khoa học về Bia Tiến sĩ, Trường Quốc Tử Giám, Làng khoa bảng Thăng Long/Hà Nội, về các danh nhân Nho học (Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Trạng nguyên, Tiến sĩ…) và nhiều tọa đàm chuyên đề khác thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu chuyên ngành (sử học, hán nôm, văn hóa, kiến trúc…) và sự ủng hộ của dòng họ, địa phương khoa bảng, các ban quản lý di tích, bảo tàng của nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Trong 30 năm qua, hơn 35 đầu tài liệu ấn phẩm có liên quan đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nền giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam đã được công bố, góp phần hữu hiệu trong việc làm giàu thêm kho tư liệu chuyên ngành về Nho học và là cơ sở dữ liệu quan trọng để xây dựng thành công Hồ sơ Di sản Tư liệu ký ức Thế giới và Hồ sơ Bảo vật quốc gia 82 bia Tiến sĩ.

Vừa làm vừa học tập, rút kinh nghiệm, nhóm CBNV Nghiên cứu – sưu tầm của Trung tâm có sáng kiến điều chỉnh, xử lý mực trong quá trình in, dập văn bia giúp vừa tiết kiệm chi phí vật tư và thời gian, công sức song vẫn bảo đảm bảo tồn nguyên trạng hiện vật gốc.

Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ tin học đã mang lại kết quả đáng kể trong việc: Số hóa 18.919 trang tài liệu/ hình ảnh nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu ban đầu cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu nghiên cứu, tra cứu thông qua hệ thống phần mềm quản lý, tra cứu; Phục chế 300 trang bản sao tư liệu (bài thi Đình, gia phả…) trên giấy thủ công tiết kiệm thời gian, chi phí; Nâng cao chất lượng nội dung, hình thức Trang thông tin điện tử nội bộ (website) của Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Sử dụng kỹ thuật số để đạc họa lại các đồ án hoa văn kiến trúc, trang trí trên bia Tiến sĩ…vv.

Trong nhiều năm qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, sưu tầm và nhiều hoạt động khác của Đơn vị (tu bổ, tôn tạo di tích, bảo vệ cảnh quan môi trường, giáo dục di sản, truyền thông, lắp đặt hệ thống thuyết minh tự động (audioguide) bằng 12 thứ tiếng phục vụ du khách trong nước và quốc tế……) đã và đang góp phần từng bước nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản và quảng bá rộng rãi cho Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.  

Để ngày càng nâng cao hiệu quả của công tác này, Trung tâm cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trên mọi lĩnh vực hoạt động, trong đó tập trung vào: Thực hiện xây dựng Quy hoạch tổng thể Bảo tồn và Phát huy giá trị khu di tích, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích; Làm tốt công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản tài liệu, hiện vật làm căn cứ khoa học cho công tác phục hồi, tôn tạo các hạng mục công trình và giáo dục-truyền thông cũng như khai thác tiềm năng du lịch của Di tích; Đổi mới công tác nghiên cứu khoa học theo hướng xây dựng các nhóm chuyên đề chuyên sâu, thiết thực, phục vụ hiệu quả cho việc thực hiện các nhiệm vụ của Đơn vị; Triển khai xây dựng kho dữ liệu về Trung tâm và Di sản; Nghiên cứu và triển khai các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị 82 bia Tiến sĩ; Tăng cường ứng dụng và đầu tư trang thiết bị khoa học công nghệ tiên tiến phục vụ cho quá trình nghiên cứu sưu tầm cũng như quản lý, bảo quản tư liệu hiện vật; Tiếp tục cải tiến lề lối làm việc, tập huấn, đào tạo đội cán bộ nhân viên…có đủ khả năng thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn, chính trị của đơn vị trong thời gian sắp tới.

Nguyễn Liên Hương


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám