vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Văn Miếu Trấn Biên - Đồng Nai


Văn miếu Trấn Biên là Văn miếu đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong, là nơi tôn vinh Khổng Tử, các danh nhân văn hóa nước Việt. Năm Ất Mùi (1715), chúa Nguyễn Phúc Chu sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn miếu Trấn Biên. Theo mô tả của Đại Nam nhất thống chí, thì Văn miếu Trấn Biên được xây dựng trên thế đất đẹp: Phía nam trông ra sông Phước Giang, phía bắc dựa vào núi Long Sơn, là một nơi cảnh đẹp thanh tú, cỏ cây tươi tốt... Bên trong rường cột chạm trổ, tinh xảo... Trong thành trăm hoa tươi tốt, có những cây cam quýt, bưởi, hoa sứ, mít, xoài, chuối và quả hồng xiêm đầy rẫy, sum sê, quả sai lại lớn....

 

Văn Miếu Trấn Biên, Biên Hòa, Đồng Nai

 

Sau khi xây dựng xong, hằng năm, đích thân các chúa Nguyễn đến Văn miếu Trấn Biên để hành lễ hai lần vào mùa xuân và mùa thu. Nhưng, từ khi chúa Nguyễn lên ngôi ở Huế (1802), thì quan tổng trấn thành Gia Định, thay mặt vua, cùng với Trấn quan Biên Hòa và quan Đốc học đến hành lễ tại Văn miếu Trấn Biên. Bên cạnh Văn miếu Trấn Biên là ngôi trường học của tỉnh Biên Hòa. Như vậy, ngoài chức năng thờ phụng, Văn miếu Trấn Biên còn đóng vai trò như một trung tâm văn hóa, giáo dục của tỉnh Biên Hòa xưa và của cả Nam Bộ trước khi Văn miếu Gia Định ra đời vào năm 1824.

Văn miếu Trấn Biên có hai lần được trùng tu lớn: Lần trùng tu thứ nhất vào năm Giáp Dần (1794). Lần trùng tu thứ hai vào năm Tự Đức thứ 5 (1852). Sau khi trùng tu hoàn thành Văn miếu có qui mô rộng lớn, khang trang hơn trước.

Năm 1861, Văn miếu Trấn Biên bị thực dân Pháp phá bỏ. Mãi đến năm 1998, Văn miếu Trấn Biên mới được khởi công khôi phục lại trên nền cũ, và hoàn thành vào năm 2002. Hiện nay, toàn thể khu vực Văn miếu nằm trên khu đất rộng thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Đây là công trình được xây dựng theo kiến trúc của Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội. Từ Văn miếu môn lần lượt là nhà bia truyền thống Trấn Biên - Đồng Nai, Khuê Văn Các, Thiên Quang tỉnh, cổng tam quan, nhà bia thứ hai thờ Khổng Tử và sau cùng là nhà thờ chính. Ở đây có tấm bia lớn, khắc dòng chữ to: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Nhà thờ chính xây dựng kiểu nhà ba gian hai chái, theo kiến trúc cổ, sơn son thếp vàng, nền lát gạch tàu. Ở gian giữa có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên tường có biểu tượng trống đồng tượng trưng cho nền văn hóa Việt Nam. Bên trái là nơi thờ các danh nhân văn hóa Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quí Đôn,... bên phải thờ danh nhân đất Nam Bộ như Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông... Phía trước hai bên nhà thờ chính còn có hai ngôi miếu, miếu bên trái thờ Tiên sư, miếu bên phải thờ Tiên hiền - Hậu hiền.

Ngoài ra, Văn miếu Trấn Biên còn có khu sinh hoạt truyền thống gồm nhà truyền thống, bia truyền thống, và các công trình phụ cận. Bia truyền thống Trấn Biên - Đồng Nai khắc bài văn khái quát về truyền thống văn hóa, giáo dục của Biên Hòa xưa và nay. Nhà truyền thống chủ yếu dùng để trưng bày và ghi danh những đơn vị, cá nhân đạt được các danh hiệu cấp nhà nước.

Từ khi khánh thành (năm 2002) đến nay, Văn miếu Trấn Biên là nơi thường xuyên diễn ra lễ viếng các bậc tiền nhân, tổ chức tuyên dương, khen thưởng, báo công những thành tích đặc biệt trên các lĩnh vực mà Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đạt được, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục. Ngoài ra, Văn miếu cũng là nơi đón nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh cũng như các đoàn khách quốc tế khi đến thăm Đồng Nai./.

 

Ths. Nguyễn Thị Bình

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám