Những tấm bia Tiến sĩ triều Lê và Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là tài sản văn hóa vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam và là biểu tượng của truyền thống hiếu học, tôn trọng hiền tài của ông cha ta từ xưa đến nay. Việc 82 bia Tiến sĩ đã được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu ký ức thế giới năm 2011 là sự tôn vinh nền văn hóa và giá trị lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng. Bởi vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản tư liệu này luôn là nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng.
Từ thời phong kiến, ông cha ta đã có ý thức giữ gìn và bảo vệ bia Tiến sĩ. Triều Lê, sau khi xuống chiếu cho dựng bia năm 1484, ngay cuối năm đó, vua Lê Thánh Tông đã cho làm xong hai dãy nhà che bia ở bên Đông và bên Tây. Đến thời Tây Sơn, trong binh đao khói lửa, một số tấm bia đã bị xô đổ. Dân làng Văn Chương đã dâng sớ lên vua Quang Trung, vua liền phê rằng:
“Nay mai dọn lại nước nhà
Bia Nghè lại dựng trên tòa muôn gian”
Song do người anh hùng áo vải qua đời sớm nên mong muốn xây những tòa che bia của ông không kịp thực hiện. Tuy nhiên, dưới triều Nguyễn, việc xây nhà che bia đã hoàn tất. Năm 1863, nhà che bia ở phía Đông và Tây mỗi bên hai dãy, mỗi dãy 11 gian đã được Bố chánh Hà Nội Hoàng giáp Lê Hữu Thanh, Tổng đốc Hà Ninh Tôn Thất Hàm và Án sát Hà Nội Đặng Tá cho xây dựng xong.
Thời Pháp thuộc, Văn Miếu Hà Nội bị biến thành trại lính khố đỏ, nhà che bia không còn nữa. Nhưng với tinh thần đấu tranh bền bỉ bảo vệ di sản văn hóa của các sĩ phu Hà Nội, Hà Đông và sự ủng hộ của các tri thức Pháp tiến bộ, năm 1906, di tích đã được Toàn quyền Đông Dương xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa.
Tháng 11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh bảo vệ cổ tích trên toàn Đông Dương. Bia Tiến sĩ được liệt vào hàng cổ vật quan trọng. Năm 1962, Bộ Văn hóa công nhận Văn Miếu – Quốc Tử Giám là khu di tích lịch sử cấp Nhà nước. Trong thời kỳ máy bay B52 ném bom rải thảm thành phố vào đầu những năm 1970, để bảo vệ bia, các cán bộ bảo tàng Hà Nội đã cho xây một bức tường dày bao quanh khu vực bia, rồi đổ cát, lấp kín để giữ cho các tấm bia không bị mảnh bom phạt vào.
Ngày 25/4/1988, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám được thành lập. Trung tâm có chức năng quản lý, bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích đặc biệt quan trọng này. Năm 1994, với sự tài trợ của Quỹ Hòa giải Đông Dương 8 nhà che bia được dựng lại ở hai phía Đông, Tây; mỗi phía dựng 4 nhà, mỗi nhà đặt 10 bia Tiến sĩ; riêng hai tấm bia đầu tiên của hai khoa thi (năm 1442 và năm 1448) được đặt vào giữa hai tòa đình bia.
(Ảnh: dãy nhà bia được dựng lại năm 1994)
Đến nay, Trung tâm vẫn luôn đặt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của 82 bia Tiến sĩ làm nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, Đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, khoa học có ý nghĩa như: xuất bản sách bằng tiếng Việt và tiếng Anh; tổ chức hội thảo, triển lãm, trưng bày; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về giá trị nội dung, ý nghĩa, hình thức và phong cách của các văn bia…. Đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình tuyên truyền, quảng bá về giá trị văn hóa, lịch sử của bia Tiến sĩ.
Trải qua hơn 500 năm lịch sử, việc bảo tồn và phát huy giá trị của 82 bia Tiến sĩ vẫn luôn được coi trọng. Ngày nay, công tác này không chỉ cần sự nỗ lực của các cấp, ngành mà còn cả của mỗi chúng ta, có như vậy di sản quý báu ông cha để lại mới có thể lưu truyền mãi mãi cho hậu thế./.
An Nhiên