vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

CÂY LÂU NIÊN Ở DI TÍCH VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM


Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể kiến trúc truyền thống đặc trưng của người Việt: có sự hài hoà giữa cây cối, hồ nước và nhà cửa. Các công trình kiến trúc ẩn dưới bóng cây cổ thụ, thảm cỏ, hồ nước tạo nên một không gian xanh mát cho khu di tích này. Du khách đến tham quan di tích là đến với một không xanh đậm chất văn hóa truyền thống của Việt Nam.

 

(Ảnh: Muỗm vào mùa quả chín trước cổng Văn Miếu)

 

Phân bố đều khắp di tích là những cây cổ thụ như: cây đa, cây đề, cây si, cây nhãn, cây sấu, cây muỗm (xoài)... Lâu niên nhất là những gốc đa, gốc đề đã gần 300 năm. Cây cổ thụ chiếm đa số ở đây là cây Muỗm (họ nhà xoài). Năm 1884 (thời Pháp thuộc), bác sĩ Hocquard đã viết lại trong hồi ký về những loại cây tại Văn miếu – Quốc Tử Giám: “những loại cây nhiều năm tuổi lá sẫm màu (cây Muỗm)… Nhiều gia đình nhà quạ trú ngụ trên những cây này và chúng cứ thế sinh sôi nảy nở trong sự yên bình dưới sự chở che của nhà triết học…[1].

 

(Ảnh: Gốc muỗm cổ thụ khu vườn bia Tiến sĩ)

 

Những gốc Muỗm già ở Văn Miếu lâu đời nhất chắc cũng đã ngót nghét gần trăm năm, ít niên nhất cũng đến năm chục năm có lẻ. Cây Muỗm là loài cây có họ với xoài. Có lẽ người miền Bắc có cách gọi là cây Muỗm (người miền Nam gọi là cây quéo). Các loài cây này có lá và quả ăn được như xoài, tuy nhiên quả nhỏ và chua.

(Ảnh:  Muỗm vàng trĩu trịt trên các tán đại thụ)

 

Muỗm là cây thân gổ đại mộc, có thể sống lâu tới 300 năm. Muỗm đại thụ ở Văn Miếu thân cao đến gần 20 mét, tán lá xum xuê phủ chùm lên những mái ngói cổ kích rêu phong. Lá nguyên, mọc so le, đơn, thuôn dài, nhẵn, bóng, dài bằng gang tay người lớn, gân lá hình lông chim. Lá non có màu tím và chuyển dần thành màu xanh nhạt, lá phát triển có màu xanh.

Cứ từ trước tết là Muỗm đã nhú nụ hoa xanh non. Chớm qua tết đã phát triển thành những cụm hoa dài, hoa nhỏ có năm cánh, màu trắng. Lúc ấy khắp Văn Miếu như phủ một màu trắng tinh sương của hoa muỗm.

Quả muỗm hình thuôn, bầu dục, vừa lọt bàn tay người lớn, khi chín có hương vị chua chua ngọt ngọt rất thanh. Vào mùa, những chùm quả trĩu cành, ánh sắc nắng vàng, rực rỡ như níu chân du khách. Cứ ngẩng nhìn lên là bắt gặp những chùm quả vàng trĩu trịt. Vậy mà chỉ sau một đêm, quả muỗm chín rụng đầy quanh gốc cây, nằm im trong đám cỏ xanh mướt.

 

(Ảnh: Sáng sớm những quả muỗm chín rụng đầy các gốc cây, thảm cỏ)

 

Tháng năm đầu mùa hạ, quả muỗm chín vàng trên cây. Chỉ cần dừng chân trước cổng Văn Miếu thôi, du khách đã ngỡ ngàng khi bắt gặp những chùm quả vàng treo lúc lỉu giữa các tán cây cổ thụ xanh. Từng chùm quả chín ánh lên dưới nắng hè rực rỡ như những ngọn đèn nhỏ. Chim chóc reo ca, nhảy lích chích trên cành cao. Những chú sóc đuôi đỏ nhổm hẳn người lên trên cái đuôi rực rỡ của mình, đôi mắt chú sáng long lanh hay bởi những trái ngọt ánh lên trong mắt. Du khách mê mải ngắm nhìn cảnh tượng hiếm có trong năm này của di tích. Quả vàng như món quà của thiên nhiên mến tặng du khách.

Anh Vân


[1]Hocquard (D); Một chiến dịch ở Bắc kỳ (Une campagne au Tonkin); Tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội- Tuyển tập tư liệu phương Tây; Nxb Hà Nội, Tr. 683-684


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám