vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

CÔNG TÁC BẢO QUẢN VÀ TÔN TẠO VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM NHỮNG NĂM 1990 THẾ KỶ QUA


Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với những giá trị kiệt xuất về các phương diện lịch sử - văn hóa và nghệ thuật kiến trúc có vị trí đặc biệt trong toàn bộ di sản văn hóa vật chất và phi vật chất của thủ đô. Cùng với đó, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong số không nhiều di tích có tiềm năng cùng sự gợi mở cho phát huy tác dụng trong đời sống đô thị và xã hội đương đại. Bởi những lẽ trên mà di tích này luôn đặt ra những đòi hỏi và những thách thức đối với các nhà quản lý, các nhà chuyên môn về bảo tồn, bảo quản, trùng tu, khôi phục, tôn tạo và phát huy. Và, lẽ đương nhiên với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tất thảy cần phải được gửi đặt ở tầm tương ứng với các tầm cao mà di tích chiếm giữ. Sự nhận thức và ứng xử văn hóa hẳn phải là nền tảng, là sự dẫn dắt xuyên thấu mọi hoạt động tại di tích này.

Trung tâm bảo quản và tu bổ di tích trung ương trực thuộc Bộ Văn hóa và Thông tin trước kia (nay là Viện Bảo tồn di tích thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), với tư cách cơ quan đầu ngành, bên cạnh nhiệm vụ được giao phó, luôn nhận thức trách nhiệm huy động tối đa kiến thức, kinh nghiệm và sự thận trọng, sự nghiêm túc và cả sự nhẫn nại trong các hoạt động tu bổ và tôn tạo di tích này. Bởi, hễ hành động vội vàng, hành động sai, tuyệt tác văn hóa này sẽ bị suy xuyển, sẽ bị sai lệch mà không dễ bề nắn chữa lại.

Từ khoảng cách trên dưới 20 năm, xin thử nhìn lại một số việc chính do Trung tâm bảo quản và tu bổ di tích trung ương đã thực hiện tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

1.      Công trình tạo mái che bảo vệ 82 tấm bia Tiến sĩ

Đã nhiều thập kỉ, canh cánh nỗi lo: những tấm bia Tiến sĩ, báu vật của di sản văn hóa dân tộc, bị phong hóa do chịu tác động trực tiếp từ thiên nhiên và khí hậu. Cần phải bảo vệ, bảo quản, đảm bảo sự tồn tại lâu dài. Vào những năm 80 thế kỷ qua, giới quản lý và giới chuyên môn đề cập tới 3 giải pháp: Tạo lớp màng che phủ mặt bia bằng hóa chất. Dựng hệ mái che bằng kim loại và các tấm kính. Làm nhà che, Lớp màng che phủ tạo sự cách ly môi trường dễ dẫn tới sự hủy hoại chất liệu đá; vả lại ở ta chưa hề có thực nghiệm về giải pháp này. Kết cấu bao che hiện đại sẽ tương phản dữ dội với khung cảnh kiến trúc cổ tinh tế. Chọn giải pháp làm mái che, dễ ăn nhập với xung quanh, dễ thực hiện.

Các cụ ngày xưa hễ dựng bia, dựng luôn thể nhà bia – ý là để vừa che vừa tôn. Ta làm nhà che bia, trước tiên là để bảo vệ. Nhà che bia, có bền hơn đá chăng? Chắc hẳn là không. Song, khung gỗ tứ thiết đã bền vài trăm năm, mái ngói có hư, có thể đảo và thay thế. Khó tìm ra phương cách triệt để.

Giải pháp thiết kế: 82 tấm bia vốn dựng thành 2 hàng. Nếu che phải bằng một mái chung, nhà che bia rộng và cao bằng cái nhà, sẽ át Khuê Văn Các. Che phủ bằng 2 dãy, kiến trúc sẽ thấp, nhỏ và mảnh hơn, dung dị với hệ tỉ lệ xích sân thứ 3 và cả Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Bố trí vậy sẽ tạo mỗi bên 4 dãy. Hai nhà bia ở chính trục giữa vẫn giữ nguyên. Cấu kiện gỗ bào trơn đóng bén, có tính tránh sử dụng hoa văn. Các tấm bia đã được định vị lại, kê cao hơn, không thay đổi trật tự.

 

 

Ở nước ngoài, người ta quen sử dụng kiến trúc và cấu trúc mới tương phản với môi trường cổ hoặc cũ xung quanh. Với Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng và với kiến trúc truyền thống ở ta, thủ pháp này nên cân nhắc.

 

(Ảnh: Lễ khánh thành nhà che bia Tiến Sĩ ngày 28-10-1994)

Tám dãy nhà che bia đã hoàn thành năm 1994. Đến nay: Ai còn nhớ 82 tấm bia đứng chơ trọi ngoài trời, nhận ra đó là để che bia. Ai đến lần đầu, chắc không nhận ra sự tách biệt.

2. Xây dựng khu Thái Học trên nền cũ của Quốc Tử Giám, nhà Khải Thánh (thờ cha mẹ Đức Khổng Tử), tọa lạc trên sân thứ 5. Trong những ngày đầu của cuộc khách chiến chống Pháp, công trình này đã bị bom của thực dân Pháp phá hủy.

 

(Ảnh: Khu Thái Học trước năm 2000)

 

Hơn 40 năm, sân thứ 5 hoang phế. Nhiều năm, giới quản lý và chuyên môn đã bàn tới các giải pháp khắc phục sự trống vắng này. Đã có dự định xây dựng nhà lưu trữ tư liệu Hán-Nôm và một cuộc thi kiến trúc đã được tổ chức. Mong muốn phục dựng Quốc Tử Giám tha thiết và mạnh mẽ hơn cả. Song căn cứ xác thực để làm việc này không có. Phục hồi nhà Khải Thánh trên cơ sở cái nền cũ và 2-3 bản vẽ ghi, xem ra khả thi hơn cả. Câu hỏi đặt ra: nên chăng? Cuối những năm 1990, xuất hiện ý tưởng xây dựng tại đây một công trình với công năng mới, song phù hợp với tính chất cơ bản của Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Tôn vinh nền quốc học, tôn vinh các bậc danh nho Việt Nam, đồng thời dùng làm nơi tổ chức những hoạt động văn hóa và xã hội. Trung tâm bảo quản và tu bổ di tích trung ương đảm nhận việc bảo vệ và “kiến trúc hóa” ý tưởng mới và mạnh này. Phức hợp kiến trúc trên sân thứ 5, gọi là khu Thái Học, bao gồm cụm nhà chính, phía trước là nhà đa năng 9 gian, dạng đại bái, phía sau là nơi thờ các danh nho, 9 gian 2 chái với tầng lầu. Hai nhà nối với nhau bằng ống muống. Phía trước hai bên sân rộng, là 2 dãy tả và hữu vu, 7 gian. Ở hai đầu hồi, dựng gác chuông và gác trống. Phương châm chủ đạo trong thiết kế: kiến trúc khu Thái Học trên sân thứ 5 phải góp phần kiện toàn và hài hòa với diện mạo tổng thể của Văn Miếu - Quốc Tử Giám; tuân thủ truyền thống kiến trúc cổ truyền, song tránh mô phỏng phong cách của một giai đoạn nhất định; thể hiện những nét mới của thời nay trong sự ăn nhập. Sự lồng ghép những công năng sử dụng mới vào khuôn khổ kiến trúc truyền thống, việc bố cục 2 cầu thang lên xuống đăng đối ở tòa nhà chính phía sau (Hậu đường) hoặc giải pháp kiến trúc có phần khác lạ của gác chuông và gác trống… sẽ là những dấu ấn thời nay. Khu Thái Học hoàn thành vào dịp kỉ niệm Thăng Long – Hà Nội 990 tuổi.

 

(Ảnh: Khu Thái Học ngày nay)

 

3.Trung tâm bảo quản và tu bổ di tích trung ương đã nghiên cứu và xây dựng Quy hoạch đầu tiên về tôn tạo Văn Miếu - Quốc Tử Giám và khu vực bao quanh. Phương châm và nội dung của những phác thảo Quy hoạch đó là: Duy trì và kiện toàn không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc và tinh tế, được tạo nên bởi chuỗi kế tiếp 5 cái sân; Duy trì hệ cây xanh, đặc biệt các cây cổ thụ, cấu thành diện mạo đặc trưng và nổi trội trong không gian đô thị dồn nén bao quanh; Cải tạo vườn Giám và khu Hồ Văn thành những không gian liên kết chặt chẽ với Văn Miếu - Quốc Tử Giám về phương diện lịch sử cũng như văn hóa; Tổ chức lại hệ thống giao thông và nơi đỗ của các phương tiện giao thông; quy chế hóa việc điều tiết xây dựng trên các dãy phố bao quanh khu Di tích…

            Trung tâm Hoạt động Văn hóa  Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ra đời cách đây 30 năm, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy di tích này, nhất là trong việc thực hiện các dự án lớn và nan giải được đề cập trên đây. Là những người làm chuyên môn và thực hiện các dự án, chúng tôi  trân trọng sự lắng nghe và sự quyết đoán của những nhà chức trách văn hóa là lãnh đạo Thành phố.

            Văn Miếu - Quốc Tử Giám hôm nay thực sự  thành công về bảo tồn bền vững. Di tích đang trở thành một điểm sáng, điểm thu hút tham quan và được tạo nên bởi chuỗi 5 cái sân kế tiếp trên trục trung tâm; Duy trì hệ cây xanh, đặc biệt là các cây cổ thụ, cấu thành diện mạo đặc trưng cho khung cảnh đền chùa Việt Nam và nổi trội giữa không gian đô thị dồn nén bao quanh; Cải tạo vườn Giám và khu Hồ Văn thành những không gian gắn kết chặt chẽ với Văn Miếu - Quốc Tử Giám về lịch sử và văn hóa; Tổ chức lại hệ thống giao thông ở các bãi đỗ xe; Quy chế hóa việc xây dựng trên các phố sát kề di tích…

            Trong những năm 1990 cũng tiến hành trùng tu các hạng mục ở sân thứ 4, theo phương châm hạn chế tối đa sự can thiệp vào di tích; kè và xây mới tường tại 4 hồ nhỏ tại sân thứ 1 và 2; lát lại các con đường.

            Trung tâm Hoạt động Văn hóa  Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành lập năm 1988, đảm nhiệm các chức năng quản lý bảo tồn và tổ chức phát huy đa dạng tác dụng của Di tích, đã thể hiện, đầy thuyết phục, tính phù hợp và tính hiệu quả của tổ chức này.

            Nhìn lại công tác bảo vệ, bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị trong các thập niên qua, ta có thể vững tâm khẳng định: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được ứng xử và đầu tư đúng tầm và đúng bài bản. Nó thực sự đã trở thành trung tâm, thành điểm sáng trong đời sống văn hóa và xã hội Thủ đô, thu hút mạnh mẽ khách tham quan du lịch và là niềm tự hào của di sản văn hóa dân tộc./.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính[1]


[1] Nguyên Giám đốc Trung tâm bảo quản và tu bổ di tích trung ương


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám