Mặc dù là một ngôi trường vùng núi, nhưng tại trường THPT Bình Gia các thầy cô luôn hướng tới mục tiêu đổi mới phương pháp dạy và học, lấy học sinh làm trung tâm, khuyến khích học sinh học tập tích cực, chủ động. Đổi mới phương pháp không chỉ với các môn học trên lớp, chúng tôi còn muốn đổi mới trong cả các hoạt động ngoại khóa, tham quan học tập, thầy Lê Vũ Huy, hiệu phó nhà trường, người trực tiếp đi cùng học sinh trong chuyến tham quan trải nghiệm này cho biết. Qua trang Fanpage của di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chúng tôi đã được biết đến chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới tại đây và nhận thấy rất phù hợp với mục tiêu dạy và học tích cực mà trường chúng tôi đang tìm kiếm. Và chúng tôi đã cử giáo viên liên hệ với bộ phận phụ trách giáo dục di sản của Trung tâm.
(Ảnh: thầy cô giáo và học sinh lớp 11A7, THPT Gia Bình, Lạng Sơn
tham quan trải nghiệm chương trình giáo dục di sản tại Văn Miếu - Quốc tử Giám)
Chuyến thăm quan trải nghiệm của lớp 11A7, THPT Gia Bình, Lạng Sơn tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã được hình thành từ ý tưởng của các thầy cô muốn học sinh được tìm hiểu các giá trị di sản một cách chủ động, được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm chứ không phải nghe thuyết minh hướng dẫn theo phương pháp truyền thống đã diễn ra như thế.
Trong rất nhiều các chủ đề giáo dục di sản thú vị tại Văn Miếu được gửi đến nhà trường, thầy cô và các em đã chọn chương trình trải nghiệm Rung chuông vàng “Tìm hiểu về di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám”.
Do biết trước chủ đề trải nghiệm, nên các bạn học sinh lớp 11A7, đã tìm hiểu trước thông tin về chủ đề này. Cô Hoàng Thanh Thảo, bí thư Đoàn trường cho biết các em đã cùng tìm hiểu trước về di tích qua việc sưu tầm tư liệu và ảnh về Văn Miếu – Quốc Tử Giám qua mạng vì vậy không chỉ học sinh mà giáo viên chúng tôi cũng rất hào hứng đến Văn Miếu để tham gia chương trình tại Di tích.
(Ảnh: Các em học sinh luôn chủ động tích cực trong việc ghi chép tìm hiểu về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám)
Đúng 9h00 thứ bảy ngày 30/11, lớp 11A7, trường THPT Bình Gia, huyện Bình Gia, Lạng Sơn cùng các thầy cô giáo đã có mặt tại Văn Miếu. Tại đây, các em học sinh trong lớp được chia làm 2 nhóm do 2 cán bộ giáo dục của di tích hướng dẫn để tham gia chủ đề giáo dục tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Vì vậy trong suốt thời gian trải nghiệm, các bạn học sinh luôn chủ động trao đổi với cán bộ giáo dục, chủ động tìm đọc thông tin trên pano, trao đổi với nhau và ghi chép liên tục. Các em tìm hiểu về di tích với một sự tập trung cao độ và đầy hứng thú khi được cô Lê Thu Hương, cán bộ giáo dục tại di tích thông báo: Kiến thức mà các bạn tìm hiểu được trong phần này sẽ rất quan trọng để các bạn bước vào cuộc trải nghiệm phần hai thú vị và gay cấn ngay sau đó: “Rung chuông vàng”.
Chương trình Rung chuông vàng với 30 câu hỏi, nội dung xoay quanh kiến thức lịch sử về Văn Miếu và trường Quốc Tử Giám. Để chơi được tốt phần này, các bạn học sinh đã phải có kiến thức cơ sở ở phần trước. Vì thế đây chính là cơ hội để từng em một phát huy thế mạnh sở trường của mình. Với những câu hỏi không quá khó, gợi sự tò mò, khám phá mà chương trình đã chuẩn bị đã dẫn dắt các em vượt qua các vòng thi một cách háo hức và gay cấn. Là một trong hai bạn trụ được đến câu hỏi cuối cùng của trò chơi bạn Lê Thị Gia, học sinh trong lớp không giấu nổi sự thích thú nói với cán bộ giáo dục di tích: Học lịch sử thế này rất thú vị và dễ nhớ cô ơi.
(Ảnh: Các bạn học sinh lớp 11A7 trường THPT Bình Gia, Lạng Sơn xuất sắc giành giải thưởng trong trò chơi
Rung chuông vàng "Tìm hiểu về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám"
Cô Nguyễn Tuyết Mai – Giáo viên chủ nhiệm lớp đã xúc động nói: “Chương trình trải nghiệm này được xây dựng rất phù hợp và bổ ích đối với các em. Tại đây, các em đã được chủ động tìm hiểu kiến thức, được thử sức mình trong những câu hỏi của trò chơi giúp học sinh hiểu sâu và nhớ lâu hơn những kiến thức về lịch sử của Văn Miếu và trường Quốc Tử Giám”.
Với quan điểm giáo dục mới “học sinh chủ động và tích cực”, các chương trình giáo dục di sản của Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám xây dựng luôn hướng tới sự chủ động và sáng tạo của học sinh./.
NH