vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Lễ kỷ niệm 400 năm ngày sinh Danh Nhân lịch sử văn hoá Nguyễn Mậu Tài (1616-2016)


Sáng nay (18/12/2016), tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 400 năm ngày sinh danh nhân lịch sử văn hoá Nguyễn Mậu Tài (1616-2016).

Tới dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Hà Nội cùng các nhà nghiên cứu lịch sử, văn học, Hán nôm và hậu duệ của Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tài.

Lễ kỷ niệm 400 ngày sinh danh nhân lịch sử văn hoá Nguyễn Mậu Tài (1616-2016) do Viện Sử học Việt Nam, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Ban quản lý tôn tạo DTLS Tể tướng, Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tài đồng tổ chức nhằm mục đích tôn vinh những đóng góp của ông đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc trên nhiều lĩnh vực trong thế kỷ XVII.

 

Ảnh: Lễ dâng hương các bậc Tiên Thánh, Tiên Hiền và Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tài 

tại Nhà Thái học, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội

 

Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tài (1616-1688), người xã Kim Sơn, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Năm 17 tuổi, Nguyễn Mậu Tài tham dự kỳ thi Hương đỗ giải Nguyên khoa Quý Dậu (1633). Năm Bính Tuất (1646), ông tham dự kỳ thi Hội đỗ trúng cách. Vào thi Đình, Nguyễn Mậu Tài đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, lúc này ông 30 tuổi. Sau khi thi đỗ, Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tài bắt đầu con đường sự nghiệp chính trị của mình.

Trong suốt bốn thập kỷ làm quan, ông đã phụng sự quốc gia, dân tộc và trải qua các đời vua Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông, Lê Hy Tông và 3 đời chúa Trịnh. Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tài đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của triều đình và phủ chúa như: Giám sát Ngự sử các trấn Hải Dương, Nghệ An, Đốc học các trấn Hải Dương, Yên Quảng, Sơn Nam và Thanh Hoa; Tham chính Sơn Nam, Đốc đồng trấn Sơn Tây. Khi làm Giám sát Ngự sử trông coi việc xét xử kiện tụng, ông tỏ rõ là người minh triết, công bằng, bao dung và không để án kiện tồn đọng. Năm 1658, ông được cử giữ chức Lễ khoa Đô cấp sự trung, tước Nam, sau dần thăng lên Thái bộc Tự khanh (hàm Tứ phẩm). Năm 1669, Nguyễn Mậu Tài được phong Hữu thị lang Bộ Hộ kiêm Bồi tụng. Năm 1672, là Phó Đô Ngự sử, một năm sau ông được triều đình làm Chánh sứ sang Trung Quốc (1673). Sau chuyến đi sứ, Nguyễn Mậu Tài được thăng lên Thượng thư Bộ Hình, tước Tử (1675), rồi chuyển sang giữ chức Thượng thư Bộ Binh. Trong thời gian đứng đầu Phủ liêu với chức Tham tụng, Nguyễn Mậu Tài đã tỏ rõ năng lực chính trị của mình. Ông cùng Hồ Sĩ Dương dâng lên chúa Trịnh tờ khải gồm 23 điều bàn về những việc thiết đáng đến trị quốc an dân, được chúa Trịnh chuẩn y thi hành. Sau ông được chúa Trịnh Căn ban cho 5 chữ “Kỳ cựu trấn nhã tục” (người già làm quan đã lâu, làm gương cho người nhã, kẻ tục). Một thời gian sau ông được phong Thượng thư Bộ Công, vẫn ở ngôi Tham tụng , tước An Lĩnh bá. Năm 1688, ông qua đời hưởng thọ 73 tuổi, được triều đình tặng phong Thượng thư Bộ Lễ, Thiếu bảo An Quận công, vinh phong Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu. Sử gia Phan Huy Chú đã nhận xét về ông “là người trong sạch, nhã nhặn, đứng đắn, chắc chắn; đối với người không bao giờ gây oán. Bấy giờ ai cũng tôn ông là người có đức và có độ lượng”. 

Trong Lễ kỷ niệm, Ban tổ chức trao Giấy khen tới một số tập thể, cá nhân và các tác giả đã có nhiều đóng góp trong việc tôn vinh và nghiên cứu về con người, sự nghiệp của Tiến sĩ Nguyễn Mậu Tài./.

 

Một số hình ảnh tại buổi Lễ kỷ niệm:

 

 

 

 

 

 

 

Bài và ảnh: Hương Đại

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám