vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA CỦA MỘT CÁI TÊN


Một phế tích hồi sinh

Ít ai biết rằng, cách đây 30 năm, Văn Miếu – Quốc Tử Giám chỉ như một phế tích, cây cối rậm rạp, bia đá nghiêng ngả phủ rêu phong. Khu Quốc Tử Giám chỉ là một bãi hoang đổ nát. Ông Nguyễn Vĩnh Cát nhớ lại: “Lúc ấy Văn Miếu như một phế tích thôi. Cổng chính khi mưa thì nước ngập đến đầu gối. Còn đằng sau Quốc Tử Giám xưa bây giờ là Thái Học, như một bãi hoang, không có gì hết. Những tệ nạn xã hội như tiêm chích ma tuý, cờ bạc hoạt động ở khu vực này gần như công  khai. Lại thêm mấy cái miếu thờ, hoạt động mê tín dị đoan. Văn Miếu lúc dó hoang tàn lắm, hoang vu lắm, tường thấp, thậm chí có thể nhẩy vào dễ dàng. Trẻ con các phố gần đấy còn vào bơi, tắm trong giếng Thiên Quang”. 

Những năm 1985 - 1986, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là Trung tâm hoạt động hè cho thanh thiếu niên Hà Nội. Sân Thái Học vẫn là một bãi đất trống, là chỗ tập nghi thức và chỗ tổ chức trò chơi cho học sinh. Khoảng cuối năm 1987, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã đến thăm Văn Miếu. Tận mắt chứng kiến sự xuống cấp của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ông đã chỉ đạo thành phố “cần phải quan tâm bảo tồn di tích này cho nó xứng đáng hơn”. Sau đó “thành phố quyết định đưa di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám thành một Trung tâm để tổ chức sinh hoạt văn hoá khoa học và giáo dục”.

Ngày 25-4-1988, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quyết định số 1776QĐ/UB, thành lập “Trung tâm hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám” trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) với nhiệm vụ: Quản lý khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám theo pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích và danh lam của Nhà nước; Tổ chức các hoạt động khoa học, văn hoá nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô góp phần xây dựng đất nước; Tổ chức hướng dẫn khách trong nước và quốc tế tham quan nghiên cứu khu di tích; Lập quy hoạch bảo vệ và tôn tạo khu di tích…. Ông Nguyễn Vĩnh Cát – Nguyên Giám đốc Sở Văn hoá – Thông tin Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm. 

Di tích “sống” trong xã hội hiện đại

Ông Vĩnh Cát kể lại: “Trong cuộc họp với Thành uỷ để bảo tồn và phát huy giá trị di sản của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 1988, tôi đã nêu đề nghị thành lập một “Trung tâm hoạt động văn hoá khoa học” tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Văn Miếu không chỉ là Di tích mà là Trung tâm hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Gíam. Xuất phát từ quan điểm phải phát huy được cái giá trị của di tích này phải tổ chức những hoạt động, cùng với các hoạt động văn hoá phải nhấn mạnh hoạt động khoa học. Ý kiến đó được chấp nhận”.

Bà Trần Thị Tâm Đan, Nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội (1988 - 1993), cũng cho biết: “Quyết định của thành phố rất đúng khi cho thành lập Trung tâm, đã đáp ứng được nhu cầu về sinh hoạt văn hoá, khoa học, giáo dục của thành phố, thảo luận về những vấn đề thuộc về giáo dục, về chính sách giáo dục; tổ chức những hội nghị bàn về những chính sách đối với phát triển ngành văn hoá,…”. Nhiều cuộc hội thảo tổ chức ở đây với sự tham gia của nhiều nhà khoa học ở các cơ quan nghiên cứu, đào tạo lớn  của Trung ương và Hà Nội. Cho đến hôm nay, những hội thảo khoa học trên nhiều lĩnh vực đã trở thành hoạt động thường xuyên được tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Sau khi được thành lập, Trung tâm đã có nhiều hoạt động văn hóa giáo dục. Nhiều trường đại học ở Hà Nội đã tổ chức lễ trao bằng cho các tiến sĩ, cử nhân tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Năm 2003, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương thủ khoa các học sinh cao đẳng đại học lần thứ nhất tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám… Những dịp như vậy cũng giúp cho sinh viên, giáo viên hiểu thêm về lịch sử hình thành, phát triển của di tích và lịch sử khoa cử Việt Nam qua các triều đại phong kiến, truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học, hiếu nghĩa của dân tộc. Những hoạt động đó thực sự đã làm cho hình ảnh của “trường đại học đầu tiên” được đậm nét hơn và đó chính là cách tốt nhất để phát huy giá trị của di tích, để di tích “sống” trong xã hội hiện đại.

Bước sang giai đoạn phát triển mới

Sau 30 năm nỗ lực và phấn đấu Trung tâm hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đạt được nhiều thành tựu. Từ một phế tích hoang vắng, giờ đây Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành một trong những điểm đến quan trọng, thú hút số lượng lớn du khách của thủ đô Hà Nội. Văn Miếu – Quốc Tử Giám như được thay áo mới. Vẫn hồn cốt ấy, vẫn nếp nhà xưa ấy, vẫn bóng cây cổ tích phủ lên không gian những kiến trúc cổ xưa, nhưng Văn Miếu đã khang trang, trật tự và mang một tầm vóc thời đại mới.

(Ảnh: Lễ công nhận 82 bia Tiến sĩ là Di sản Tư liệu Thế giới)

(Ảnh: Lễ đón nhận bằng công nhận Di tích Quốc gia Đặc biệt)

 

(Ảnh: Lễ vinh danh Điểm Du lịch Hàng đầu năm 2017)

Khu Thái Học được xây dựng trên nền Quốc Tử Giám xưa năm 2000, đã tiếp nối và phát huy giá trị cốt lõi nhất của Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một thiết chế văn hoá, góp phần làm nên sức sống cho di tích này. Tháng 5-2011, Uỷ ban Ký ức thế giới UNESCO đã ghi danh 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu đã nâng cao vị thế và giá trị của Văn Miếu – Quốc Tử Giám – một di tích quốc gia chứa di sản thế giới.

Tháng 5-2012, khu di tích quan trọng này đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Trung tâm hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu – Quốc tử Giám thực sự đang chuyển mình và bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Đặng Anh Vân


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám