Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là nơi lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam. Di tích đặc biệt này còn góp phần quan trọng giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới. Đây không chỉ là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học quan trọng của thủ đô Hà Nội, mà còn là điểm tham quan du lịch hấp dẫn, mỗi năm đón hơn một triệu lượt khách trong và ngoài nước. Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn thường xuyên được đón các đoàn chính khách, các nguyên thủ quốc gia đến thăm. Từ năm 2010 đến năm 2017 đã có 534 đoàn, trong đó có 29 đoàn gồm Vua, Tổng thống, Phó Tổng thống; 21 đoàn Thủ tướng, Phó thủ tướng; 8 đoàn Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội; gần 500 đoàn cấp Bộ trưởng và tương đương.
Những ấn tượng, những suy nghĩ và cảm xúc của các đoàn đại biểu cấp cao của nhiều quốc gia được ghi lại trong Sổ lưu niệm của Văn Miếu – Quốc Tử Giám đều đánh giá cao giá trị của khu di tích, bày tỏ sự trân trọng trước những giá trị văn hóa, những truyền thống của dân tộc Việt Nam. Dưới đây, chúng tôi xin chọn giới thiệu một số dòng lưu bút của các chính khách, các nguyên thủ quốc gia sau khi thăm quan Di tích.
Quốc vương Campuchia, ngài Norodom Sihanuk, và Hoàng hậu Monicath đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 1995 đã rất khâm phục đối với nền giáo dục lâu đời, cũng như việc chú trọng đào tạo nhân tài của nhân dân Việt Nam. Quốc vương đã viết: “Văn Miếu – Quốc Tử Giám linh thiêng là biểu tượng của nền văn hóa lâu đời và rất đáng khâm phục của dân tộc Việt Nam anh hùng, văn hiến. Một dân tộc đáng kính trọng và trí tuệ khi từ xa xưa trong lịch sử cho đến hiện nay đã tổ chức một nền giáo dục rất hoàn hảo nhằm không ngừng nâng cao trình độ văn hóa cho tầng lớp thanh thiếu niên trong nước với mục đích tuyển chọn và giao cho những người đã giành được những học vị xuất sắc trong quá trình học tập giữ các chức vụ trong bộ máy Nhà nước để phục vụ dân tộc, chứ không căn cứ vào nguồn gốc xuất thân của họ. Cho phép tôi được bày tỏ sự khâm phục đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã kịp thời bảo vệ tôn tạo khang trang những di tích vô giá, những di sản thiêng liêng của dân tộc mình.”
(Ảnh: Quốc vương Norodom Sihanuk thăm Văn Miếu)
Năm 2010, Tổng Giám đốc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO), bà Irina Bokova đã đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhân lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và ghi lại cảm tưởng: “Tôi muốn chúc mừng Chính phủ Việt Nam và nhân dân Việt Nam vì đã gìn giữ được Văn Miếu – một bằng chứng cho sự giàu có về bề dày lịch sử và di sản văn hóa của Việt Nam. Các bạn nên tự hào về nơi này! UNESCO cũng rất vui khi được đồng hành cùng các bạn trong lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”
(Ảnh: lưu bút của Tổng Giám đốc UNESCO)
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11-2000, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Cliton đã đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám và đã viết: “Tôi vô cùng hài lòng với chuyến tham quan tuyệt vời nhất tới di tích lịch sử của các bạn và có ấn tượng sâu sắc với những giá trị lịch sử văn hóa phong phú của các bạn còn lưu giữ tại đây cho mọi thời đại”.
(Ảnh: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Cliton tới thăm Văn Miếu)
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đến thăm di tích đã khâm phục và đánh giá cao nền văn hóa đa dạng, phong phú của Việt Nam: “Văn hóa Việt Nam là một trong những nền văn hóa đa dạng, giàu có và liên tục nhất trên thế giới. Dựa trên nền tảng đó nhân dân Việt Nam nhất định sẽ hoàn thành mọi nhiệm vụ phát triển đất nước mình. Thật khâm phục!”.
(Ảnh: Tổng thống Nga Putin tới thăm Văn Miếu)
Toàn quyền New Zealand khi đến thăm di tích đã nhận thấy tầm quan trọng về giáo dục đào tạo hiền tài cho đất nước: “Đây thật sự là một vinh hạnh khi được tới thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám – nơi đã có rất nhiều bậc hiền tài của Việt Nam tham gia học tập. Đây là một nơi rất quan trọng về giáo dục cần được lưu truyền cho tất cả mọi người”.
(Ảnh: Lưu bút của ngài Toàn quyền New Zealand)
Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ khi đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám năm 2014 đã viết: “Tôi rất vui vì được tới đây, một Văn Miếu cổ kính được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước, cũng là một ngôi trường từng dành cho các con vua và quan ở Việt Nam. Tôi bị ấn tượng sâu sắc bởi những kiến trúc lâu đời còn được giữ gìn lại, gợi lên sự uy nghi của những thời đại đã qua. Khi tôi đi qua những mảnh sân và gian nhà linh thiêng, tôi rất ấn tượng với hệ thống giáo dục truyền thống ở quốc gia này. Ấn Độ và Việt Nam lại một lần nữa cùng kết nối và hợp tác trong việc bảo tồn và chia sẻ di sản văn hóa và sự tồn tại của trường đại học lâu đời Nalanda. Tôi rất tự tin rằng sự kết nối này sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai của Ấn Độ và Việt Nam xây dựng sự hợp tác lâu dài giữa hai nước”.
(Ảnh: Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ thăm Văn Miếu)
Tổng thống Nigeria viết: “Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã thể hiện rõ nét lịch sử lâu đời và văn hóa di sản của Việt Nam và cả thế giới. Chúng tôi rất trân trọng vì được tìm hiểu sâu về những di sản được kế thừa từ những bậc hiền triết và những người đã tạo ra Việt Nam xưa – một nền tảng quan trọng để có được Việt Nam ngày nay. Đó là một bài học rất lớn khi từ nhiều thế kỷ trước học vấn đã được coi trọng, nhất là đối với những người phục vụ trong triều đình xưa. Điều đó rất quan trọng vì những cận thần luôn có tác động rất lớn đến nhà vua. Vì vậy, nét văn hóa này nên được giữ gìn và phát huy”.
(Ảnh: Lưu bút của Tổng thống Nigeria)
Phó Tổng thống Nam Phi Kgalema Motlanthe viết: “Phái đoàn ngoại giao Nam Phi dẫn đầu bởi phó Tổng thống Kgalema Motlanthe đã được truyền cảm hứng từ dòng chảy kiến thức và văn học này. Chúng tôi đã thấm đẫm bài học đạo đức do nơi đây mang lại. Khi chúng tôi rời khỏi nơi đây, trái tim chúng tôi đã được thắp sáng và khơi dậy đầy cảm hứng về giáo dục”.
(Ảnh: Lưu bút của Phó Tổng thống Nam Phi)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Bangladesh đã cho biết chuyến thăm đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trải nghiệm thú vị, và đánh giá cao giá trị lịch sử cũng như truyền thống và nền giáo dục của dân tộc Việt Nam còn hiện diện tại nơi đây: “Chuyến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trải nghiệm độc đáo với cá nhân tôi. Sẽ là một thiếu sót lớn nếu tới Việt Nam mà không ghé thăm di sản gần 1000 năm tuổi này, nơi đại diện tiêu biểu cho nền văn hóa lâu đời của Việt Nam. Nơi đây cũng phản ánh sự tận tâm của con người Việt Nam đối với nền văn hóa, truyền thống và đặc biệt là nền giáo dục của họ”.
(Ảnh: Lưu bút của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Bangladesh)
Lê Hương