Bắt đầu từ một sự đổi mới nhận thức
Hơn 7 năm về trước, Lãnh đạo Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám nhận thức ý nghĩa của hoạt động giáo dục di sản tại Di tích, đã cử cán bộ nghiên cứu của đơn vị tham gia dự án được UNESCO hỗ trợ "Liên kết với nhà trường phát triển giáo dục di sản ở bảo tàng và di tích tại Hà Nội". Trên cơ sở những kinh nghiệm tiếp nhận được và thực tế tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chương trình giáo dục di sản tại Di tích đã ra đời và được Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao phê duyệt năm 2015. Theo đó, Văn Miếu - Quốc Tử Giám được định hướng trong ba năm sẽ lần lượt xây dựng các chương trình giáo dục để gắn kết với việc học và dạy lịch sử, văn hoá ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Đồng chí Đường Ngọc Hà, người tham gia trực tiếp tổ chức chương trình giáo dục di sản cho biết: “mặc dù có nhiều khó khăn, nhất là còn hạn chế về nhận thức và kinh nghiệm thực tiễn về phương pháp giáo dục di sản song nhận thấy đây là một cách làm mới, có sự chuẩn bị khoa học, bài bản, có tính chủ động và có tiềm năng nên chúng tôi vẫn quyết tâm. Chúng tôi đã thí điểm trong hai năm (2016-2017) và bước đầu thành công”[1].
Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hoá (trực thuộc Hội Di sản văn hoá Việt Nam) thực hiện chương trình giáo dục di sản từ năm 2016, khởi đầu bằng việc đánh giá thực trạng hoạt động giáo dục di sản tại Di tích thời gian trước đây. Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hoá cùng lãnh đạo và Phòng Giáo dục – Truyền thông (Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) tiến hành khảo sát, đánh giá chi tiết thực trạng hoạt động giáo dục và các yếu tố liên quan. Một bản báo cáo khảo sát, đánh giá tổng thể về giáo dục di sản ở Văn Miếu từ hướng dẫn tham quan, tổ chức các cuộc thi, các chương trình khuyến học đến các công việc khác như trưng bày, truyền thông, tổ chức nhân sự và chức năng nhiệm vụ đã được phân tích với câu hỏi nghiên cứu: làm thế nào để gắn kết nhà trường, môn học có liên quan với di sản Văn Miếu – Quốc Tử Giám một cách chủ động, tích cực và hiệu quả? Sự cầu thị, tinh thần quyết tâm đổi mới của đội ngũ cán bộ chuyên môn và sự chỉ đạo trực tiếp, ủng hộ hết mực của các đ/c lãnh đạo Trung tâm, một định hướng chiến lược giáo dục di sản với các quan niệm mới, tiêu chí mới và phương pháp mới đã được xác định trong bản báo cáo này. Chiến lược này cho thấy tầm nhìn toàn diện về giáo dục và truyền thông nhằm đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Văn Miếu - Quốc Tử Giám với đa dạng các hoạt động trong hơn hai năm qua: các chủ đề giáo dục di sản, hệ thống pano thông tin, biển chỉ dẫn, các trưng bày chuyên đề, audio guide, các sự kiện liên quan đến trình diễn di sản văn hoá phi vật thể, giới thiệu di sản thông tin tư liệu, các chương trình truyền thông và nhiều hoạt động khác....
Từ những thử nghiệm giáo dục di sản thành công....
Có thể nói Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một báu vật mà Tổ tiên ban tặng, trao truyền cho chúng ta ngày nay. Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một kho tàng di sản văn hoá nhiều tầng lớp, nhiều loại hình và vô vàn giá trị. Giá trị nào cũng độc đáo, cũng phong phú và ẩn chứa những ký ức lịch sử. Văn Miếu - Quốc Tử Giám có di sản vật thể là những công trình kiến trúc văn hoá nghệ thuật, các cổ vật và bảo vật quốc gia. Văn Miếu - Quốc Tử Giám có 82 tấm bia Tiến sĩ là di sản thông tin tư liệu được ghi danh ở danh mục của thế giới. VM còn có cả di sản ảnh, di sản ký ức và không thể đong đếm được đó là muôn vàn giá trị di sản văn hoá phi vật thể chứa đựng, tích tụ trong từng cấu kiện, đường nét, không gian, đồ vật, cây cối, thiên nhiên và trong cả các hoạt động diễn ra hàng ngày làm nên hồn cốt, sức sống trường tồn của di sản vô cùng quan trọng, vô cùng ý nghĩa này.
Làm thế nào để khai thác giá trị di sản văn hoá phi vật thể, thông tin tư liệu và di sản ký ức, di sản ảnh gắn với những di sản văn hoá vật thể và di sản thiên nhiên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám ? Làm thế nào để giáo dục di sản gắn kết với học sinh phổ thông một cách liên tục, thường xuyên? Đó là những câu hỏi, là mục tiêu mà Phòng Giáo dục - Truyền thông đặt ra khi triển khai chương trình. Các quan điểm: học sinh cần phải được học nhiều loại hình di sản; học sinh phải được học một cách chủ động, tự khám phá; học sinh phải được phát triển nhiều kỹ năng; phải có sự tương tác giữa các giáo viên và cán bộ giáo dục ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám để hỗ trợ một cách tốt nhất cho học sinh trải nghiệm di sản đã được chúng tôi thống nhất và quán triệt thực hiện trong suốt hai năm qua.
Tính đến nay Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có hàng chục chủ đề, chương trình giáo dục di sản cho học sinh tiểu học và trung học phổ thông. Trong đó nhiều chương trình áp dụng thực tiễn hiệu quả như: Lớp học xưa; Bức tranh Mãnh hổ hạ sơn; Khuê Văn Các; Học tập và thi cử; Sách cổ; Bia Tiến sĩ; Môi trường và cảnh quan.... Khác với giáo dục theo kiểu hướng dẫn tham quan, chương trình này bao giờ cũng có 3 bước: học ở lớp trước khi đến di tích, trải nghiệm tại di tích và học ở lớp sau khi chuyến thăm di tích. Mỗi lần đến di tích là một lớp, mỗi lớp chia thành 4 nhóm, các em trải nghiệm theo nhóm với sự hướng dẫn của cán bộ giáo dục. Mỗi chủ đề là một bài học về di sản ý nghĩa và sinh động.
(Ảnh: Đọc thông tin, điền phiếu khám phá trong giờ học tai di tích VM-QTG)
(Ảnh: Chúng em học và sáng tác về Khuê Văn Các)
(Ảnh: Tọa đàm khoa học về Phương pháp Giáo dục Di sản mới năm 2017)
Với nhiệm vụ tư vấn và hướng dẫn phương pháp thực hiện chương trình giáo dục di sản theo cách tiếp cận mới cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám , Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hoá đánh giá cao hiệu quả và khả năng bền vững của hoạt động này. Bài học kinh nghiệm quan trọng để họ thành công đó chính là phương pháp làm việc nhóm với mục tiêu chung, cộng tác, luôn chia sẻ, học hỏi và quyết tâm cao. Ngày càng chuyên nghiệp đó là cảm nhận của chúng tôi về các đồng nghiệp ở đây.
Đến mục tiêu phát triển bền vững...
Văn Miếu - Quốc Tử Giám gắn liền với lịch sử của Việt Nam, theo cùng với sự phát triển của đất nước, lúc thăng, lúc trầm. Có những giai đoạn vì những biến cố lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám gần như bị bỏ hoang, bị chiếm đóng, chiếm dụng và có phần bị phá huỷ, mai một. Trong 30 năm qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được bảo vệ như một tài sản quan trọng của quốc gia. Nhiều công trình đã được phục hồi, tu bổ, phục dựng, bảo tồn và nhiều giá trị di sản đã được hồi sinh trở thành sức sống của Văn Miếu - Quốc Tử Giám hôm nay. Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày nay là thành quả trí tuệ, công sức của nhiều thế hệ. Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã và đang được nghiên cứu bảo vệ, phát huy giá trị với một tầm nhìn phát triển bền vững trong đó giáo dục mãi mãi là giá trị cốt lõi của di sản này.
Ts. Lê Thị Minh Lý – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Việt Nam
[1] Th.s Đường Ngọc Hà – Trưởng phòng Giáo dục – Truyền thông Trung tâm HĐ VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám