Vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072)
Lý Thánh Tông huý là Nhật Tôn, là con trưởng của vua Lý Thái Tông. Năm 1028, được phong làm Đông cung Thái tử. Khi Lý Thái Tông băng hà, ông lên ngôi báu, ở ngôi 17 năm (1054 - 1072).
Lý Thánh Tông là vị vua sáng, có tinh thần tự lập, tự cường, đặt quốc hiệu Đại Việt với mong ước xây dựng một nước Việt hùng mạnh. Sử sách chép ông là vị vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về người ở xa, an ủi người gần, hậu lễ dưỡng liêm, tôn sùng đạo học, định rõ chế độ, văn sự thi hành mau chóng bên trong, phía Nam bình Chiêm, phía Bắc đánh Tống, uy vũ hiển hách bên ngoài.
Năm 1070, nhận rõ vai trò quan trọng của Nho giáo đối với việc củng cố và xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ, vua Lý Thánh Tông đã cho xây dựng Văn Miếu. Sự kiện này được Nhà sử học Ngô Sĩ Liên ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Mùa thu tháng 8 dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây”.
Trong lịch sử Việt Nam, Lý Thánh Tông được đánh giá là bậc vua hiền. Ông mất năm 1072, thọ 50 tuổi.
Vua Lý Nhân Tông (1066 - 1128)
Lý Nhân Tông huý là Càn Đức, là con trưởng của vua Lý Thánh Tông và Linh Nhân Hoàng thái hậu (tức Nguyên phi Ỷ Lan), ở ngôi 56 năm (1072 - 1128).
Lý Nhân Tông là vị vua sáng suốt, hiếu nhân, thông âm luật, chế ca nhạc, là vị vua giỏi của thời Lý. Ông là người mộ đạo Phật, nhưng lại chăm lo mở mang nền Nho học Việt Nam. Vua Lý Nhân Tông (tức Thái tử Lý Càn Đức) là người học trò đầu tiên vào học tại Văn Miếu (1070).
Sau khi lên ngôi được 3 năm, năm 1075, Lý Nhân Tông cho tổ chức khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam, đó là khoa Minh kinh bác học và Nho học tam trường để kén chọn nhân tài. Một năm sau đó, năm 1076, vua cho lập Quốc Tử Giám,"chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám".
Việc mở khoa thi đầu tiên năm 1075 và lập Quốc Tử Giám năm 1076 là những sự kiện quan trọng, đặt cơ sở cho sự ra đời của chế độ giáo dục, khoa cử Nho học ở Việt Nam.
Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497)
Lê Thánh Tông huý Hạo, tự là Tư Thành, lên ngôi năm 1460, khi mới 18 tuổi, ở ngôi 38 năm với 2 lần đặt niên hiệu là Quang Thuận và Hồng Đức.
Lê Thánh Tông là vị vua anh minh quyết đoán, văn võ kiêm toàn, anh hùng tài lược. Dưới thời Lê Thánh Tông, quốc gia Đại Việt đạt đến sự phát triển rực rỡ về mọi mặt. Ông đặc biệt chú ý đến phát triển văn hóa và giáo dục của đất nước. Dưới thời Lê Thánh Tông, nhiều công trình lớn được soạn thảo như Luật Hồng Đức, Hồng Đức bản đồ, Đại Việt sử ký toàn thư… Giáo dục và thi cử thời Lê Thánh Tông được xem là thịnh đạt, quy định rõ ràng nhất trong lịch sử giáo dục và khoa cử thời quân chủ. Lê Thánh Tông tổ chức 12 khoa thi và lựa chọn được 502 vị Tiến sĩ. Năm 1483, Lê Thánh Tông đã cho tu sửa lại Văn Miếu, mở rộng Quốc Tử Giám. Đặc biệt, năm 1484, Lê Thánh Tông cho dựng những tấm bia Tiến sĩ đầu tiên tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhằm mục đích biểu dương những người hiền tài, qua đó khuyến khích dân chúng học tập. Lê Thánh Tông vượt khỏi tầm nhà chính trị, nhà vua, trở thành một nhà văn hoá lớn.
Đây là ba vị vua đã có công xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám và phát triển nền giáo dục Nho học Việt Nam.
Tượng thờ 3 vị vua tại tầng trên nhà Hậu đường khu Thái học của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được làm bằng đồng đều do nghệ nhân đúc đồng làng Ngũ Xã, Hà Nội đúc năm 2003. Mỗi pho tượng cao 1,4m, nặng chừng 1 tấn.
Ảnh: tượng thờ ba vị Vua Lý Thánh Tông-Lý Nhân Tông-Lê Thánh Tông tại Hậu đường Khu Thái học