vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Tế Tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Trực (1417-1473)


Nguyễn Trực tự là Công Đĩnh, sinh năm 1417, người xã Bối Khê, huyện Thanh Oai (nay là thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội). Ông xuất thân trong một gia đình dòng dõi, có truyền thống khoa bảng (Cụ nội làm Hàn lâm viện Thị giảng, ông nội là Nho học Huấn đạo, cha là Quốc Tử Giám Giáo thụ). Tương truyền, khi ông chưa đầy 10 tuổi đã nổi tiếng thần đồng, 12 tuổi đã làu kinh sử, thích làm thơ phú, 18 tuổi đỗ đầu kỳ thi Hương ở Sơn Tây, 26 tuổi đỗ Đình nguyên khoa thi Nhâm Tuất năm 1442, trở thành vị Trạng nguyên đầu tiên của triều Lê, được lưu danh trên bia Tiến sĩ đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 

Description: http://api.vanmieu.gov.vn/rivera-resource/media/upload/2016/08/26/nha-tho-nguyen-truc-1-20160818091546598-20160826145858636.jpg

Nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực, xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội (Ảnh P.NCST)

 

Với kiến thức học rộng, tài cao, Nguyễn Trực đã đem hết tài năng của mình ra phò nhà Vua, giúp nước. Dưới thời Lê Nhân Tông, ông được bổ làm Trực học sĩ viện Hàn lâm, kiêm Vũ kỵ úy, thăng An phủ sứ phủ Nam Sách, khi về triều được bổ chức Thị giảng, kiêm Ngự tiền học sinh cục thứ hai viện Hàn lâm, tiếp đó giữ chức Trung thư Thị lang ở sảnh Trung thư (Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, Nxb Giáo dục, trang 282).

Nguyễn Trực từng vâng mệnh đi sứ Trung Quốc, tài ứng đối khôn lường của ông khiến nhà Minh vị nể, khen tặng là Lưỡng quốc Trạng nguyên. Ông là một nhà thơ danh tiếng, một thành viên ưu tú của Hội Tao đàn, được Vua Lê và quần thần kính trọng. Dân gian kể rằng mỗi khi vua Lê Thánh Tông làm xong một bài thơ mới thường đưa cho ông xem trước để ngâm vịnh.

Nguyễn Trực không chỉ là một vị quan thanh liêm, một nhà chính trị xuất sắc, thường được vua mời tham gia nghị bàn những việc cơ mật của triều đình mà còn là một nhà giáo ưu tú của đất nước. Năm Hồng Đức thứ 4 (1473), ông được thăng Gia hạnh đại phu, Thừa chỉ viện Hàn lâm, kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám(2), trở thành người đứng đầu trường Quốc học lớn nhất đất nước. Đây là một cơ hội lớn để ông biến những tư tưởng cầu hiền – trị quốc trong bài văn đình đối (viết năm Đại Bảo 1442) của mình trở thành hiện thực.

Những tư tưởng này chính là các tiêu chí đào tạo nhân tài, là những luận bàn về đạo của người Quân tử và kẻ Tiểu nhân trong đó khẳng định rõ đường lối chiêu hiền, đãi sĩ (dùng người quân tử, đẩy lui kẻ tiểu nhân) nhằm “trao chức vụ cho hiền tài, giao công việc chỉ theo năng lực cho những người có đủ 3 yếu tố: Trí - Nhân – Dũng, tạo điều kiện cho họ có thể cống hiến cho đất nước.

Muốn vậy, các bậc Đế vương cần xa lánh tiểu nhân, nêu gương sáng về tài đức cho trăm họ và giỏi thuật dùng người. Ông nói: "trí, nhân, dũng" là ba đức lớn lao trong thiên hạ, không có "trí" thì không thể biết người, không có "nhân" thì không thể chọn người, không có "dũng" thì không thể dùng người. Lấy "trí" biết người thì có thể biết rõ ràng và biết được thực tài của họ; lấy "nhân" chọn người thì không bỏ người tài ngay trong lúc họ khốn cùng, ắt chọn được lòng thành của họ; lấy "dũng" mà dùng người thì tin dùng mà chẳng nghi ngờ, ắt thấy được chuyên tâm của họ. Nếu có đủ ba điều "trí, nhân, dũng " thì nghĩa lý của việc "dùng người, bỏ người" sáng tỏ và lòng yêu ghét chính trung (Văn Đình đối của Trạng nguyên Nguyễn Trực khoa thi năm 1442do PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh dịch)

Đề cập đến cách tìm người Hiền, Nguyễn Trực cũng chỉ rõ:“Người hiền tài nơi dân chúng của muôn nước cũng là bề tôi của bậc Đế vương”. Vì vậy thì nhà Vua muốn trọng dụng người tài thì trước hết phải “gần gũi bề tôi cương trực, dùng kẻ sĩ chính trực để dẫn Vua đi vào đường đúng, đặt Vua ở chỗ không sai” và “chỉ có bậc đại nhân mới có thể sửa sai trái trong lòng Vua”. Từ quan điểm đó, ông đưa ra kết luận:“Vua có nhân, không ai không nhân; Vua có nghĩa, không ai không nghĩa; Vua chính không ai không chính. Trước nhất Vua chính thì nước mới định được”.

Chính nhờ những nhận định thẳng thắn, xác đáng này mà bài văn Đình đối của ông đã giật giải Nguyên trong kỳ thi năm 1442.

Nguyễn Trực qua đời vào ngày 28 tháng 12 năm Hồng Đức thứ 4 (1473) tại Thăng Long, hưởng thọ 57 tuổi. Tài năng và công lao của ông mãi được sử sách và dân gian lưu truyền./.

Ths. Đặng Anh Vân

Cán bộ phòng Nghiệp vụ Thuyết minh, Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám