vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Thầy Chu Văn An những năm tháng ở Trường Huỳnh Cung


Thanh Trì – Vùng đất ven kinh đô Thăng Long là nơi đã chung đúc khí thiêng sản sinh ra nhiều nhân tài cho dân tộc, trong đó có Thầy giáo lỗi lạc Chu Văn An (1292-1370) tự Linh Triệt, hiệu Tiều Ẩn. Tương truyền, thủa nhỏ, Thầy rất ham đọc sách và nỗ lực tự học vươn lên, về sau đỗ Thái Học sinh (tương đương với Tiến sĩ) nhưng từ chối không ra làm quan mà trở về quê hương mở trường dạy học.

Chặng đường đầu tiên của cuộc đời Thày gắn liền với ngôi trường Huỳnh Cung bên bờ sông Tô (Tô Lịch). Dựng ngay trên gò đất tiếp giáp giữa hai làng Quang Liệt và Cung Hoàng (nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội), ngôi trường làng của Thày Chu An chẳng mấy chốc đã đầy ắp học trò từ khắp Kinh thành Thăng Long, Kinh Bắc, Châu Ái, Châu Hoan, xứ Thanh, xứ Nghệ ... kéo về “đầy cửa, đầy nhà” xin theo học.

Vốn nổi tiếng học vấn uyên thâm, tiết tháo cương trực và nghiêm khắc, Thầy không chỉ truyền dạy những bài học tri thức về Nhân - nghĩa - lễ - Trí - Tín mà còn chú trọng rèn rũa cho học trò đức tính nghiêm túc trong công việc, ứng xử và hết sức đề cao những bài học đạo đức bình dị, dạy đạo làm người phải biết yêu thương gia đình, kính trọng ông bà, bố mẹ..., dạy đạo làm quan phải biết quí trọng người dân và quan tâm chăm lo đến đời sống của họ...vv.

Học trò của Thày (không phân biệt xuất thân giàu - nghèo, sang - hèn) về sau đỗ đạt làm quan trong triều có tới cả trăm người nhưng trong tâm thức của họ Thầy Chu An luôn là “Ngôi sao Bắc Đẩu”sáng chói giữa đêm trường. Bởi vậy, khi chép về Thày, nhà sử học Phan Huy Chú đã ca ngợi: “Về tư cách làm thầy của Tiên sinh rất long trọng mà cứng cỏi, nghiêm trang, ngay như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm chức Hành khiển (tương đương với chức Tể tướng thời Lê), cũng đều giữ lễ học trò; khi tới thăm hỏi còn lạy dưới giường, được cùng Thầy nói chuyện thì rất vui mừng. Nếu họ có điều gì không phải, Ông trách mắng liền, có khi thét quở không cho vào. Nghiêm nghị đáng sợ là như thế. Đức vọng của Ông rất cao, các bậc công khanh đều hâm mộ”.

Nhắc lại những năm tháng dạy học của Thầy Chu Văn An ở Trường Huỳnh Cung cần nhấn mạnh rằng: Khởi thủy từ triều Lý (thế kỷ XI-XIII), trải qua các triều đại Trần (thế kỷ XIII-XV), Lê (thế kỷ XV-XVIII), Nguyễn (thế kỷ XIX-XX), một hệ thống các trường lớp Nho học dần được thiết lập từ trung ương đến địa phương, bắt đầu từ Trường Quốc Tử Giám Thăng Long (1076) rồi lan rộng đến các phủ, huyện trong cả nước. Năm 1253, triều đình lập Quốc học viện, năm 1281 lập nhà học ở phủ Thiên Trường, năm 1397 đặt học quan tại Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Đông; Trường, lớp được mở khắp các vùng từ Kinh thành Thăng Long, lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình đến Thanh Hóa, Nghệ An; Đến cuối thế kỷ XVIII, hầu hết khắp các phủ, lộ đều có trường công, khắp các làng quê trên cả nước đều có trường tư, góp phần đào tạo cho Đất nước hàng nghìn các bậc Đại khoa - Hiền tài.

Và Ngôi trường Huỳnh Cung củaThầy Chu Văn ở Thanh Trì chính là một trong những Ngôi trường Tư thục đầu tiên ở Việt Nam./.

Đỗ Thị Tám 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám