vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC ĐÀO TẠO CÁN BỘ CỦA TRUNG TÂM HOẠT ĐỘNG VHKH VĂN MIẾU –QUỐC TỬ GIÁM


Tôi vẫn nhớ ngày đầu đến nhận công tác tại Văn Miếu (đầu năm 1993), Di tích vẫn còn vắng vẻ với những con đường gạch cũ, vỡ khấp khểnh từng đoạn; vườn bia cỏ ngập tràn, bia đá vẫn để ngoài trời, chưa có nhà che bia như bây giờ, cán bộ nhân viên cả Đơn vị chỉ có chưa đầy chục người… Thời gian thấm thoát, vậy mà đã 30 năm. Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngày nay, những công trình kiến trúc xưa thì vẫn vậy, cổ kính, trang nghiêm nhưng không gian Di tích thì khác hẳn, khắp nơi nhộn nhịp hoạt động, du khách người già, trẻ em, học sinh, sinh viên, người Việt Nam, người nước ngoài nô nức đến tham quan, chật kín cả lối đi, sân trước, sân sau trong những ngày lễ, tết.

Cán bộ nhân viên của Trung tâm giờ đã ngót trăm người. Lớp sau nối tiếp lớp trước, thế hệ đầu tiên đã về nghỉ hưu cả, thế hệ thứ hai, thứ ba cũng chỉ còn dăm ba người, còn lại phần lớn là những gương mặt mới trẻ trung, đầy sức sống. Thời gian trôi qua, thật may mắn: Di tích vẫn giữ nguyên nét trầm mặc vốn có, còn tất cả mọi thứ dường như đều đẹp lên, tốt lên. Trong các thùng rác bây giờ chỉ có lá cây khô, vỏ lon hộp nước uống và những mẩu giấy loại mà du khách để lại, chứ không phải đầy rẫy vỏ kim tiêm chích ma túy như trước kia. Sân, vườn trong Di tích rực rỡ hoa tươi. Các ban thờ hoa quả trang nghiêm, nghi ngút khói hương. Hệ thống biển thông tin, biển chỉ dẫn, quầy vé, nhà vệ sinh, phòng làm việc… mọi thứ đều ngăn nắp, sạch sẽ…

 Và hơn cả là sự trưởng thành của những CBNV trong đơn vị. Ba mươi năm, người đi trước dìu dắt người đi sau bằng những trải nghiệm cuộc sống và bài học rút ra từ chính thực tiễn công việc và người đi sau sẵn lòng chia sẻ những thành tựu kiến thức, khoa học công nghệ hiện đại mà thế hệ đi trước chưa may mắn có cơ hội được tiếp cận. Riêng nói về việc học, thì phải nói tất cả anh chị em từ cán bộ đến nhân viên Văn Miếu đều được đơn vị quan tâm, tạo điều kiện thời gian cho đi học. Và, chắc vì Văn Miếu – Quốc Tử Giám xưa vốn là Trường học, nên quả thật anh chị em ở đây cũng rất chịu khó học. Nhiều người học, trưởng thành và chuyển về công tác tại các viện Nghiên cứu, các trường Đại học lớn … Nhiều người vừa học, vừa làm, trưởng thành và gắn bó với Đơn vị. Chỉ tính riêng trong 5 năm  từ 2010 đến 2015, Trung tâm đã có tới 4 người học xong Cử nhân, 8 người hoàn thành học vị Thạc sĩ, và hiện nay đang có 2 nghiên cứu sinh và 3 cao học. Đó là chưa kể gần đây, năm nào Sở và Thành phố cũng tổ chức các đợt tập huấn chung và tại đơn vị cũng có vài ba đợt học tập nghiệp vụ (ứng xử văn hóa, nghiên cứu, thuyết minh, phòng cháy chữa cháy, tiếng Anh giao tiếp) hay nghe nói chuyện về chủ đề: văn hóa nơi thờ tự, gia đình, lối sống…cho tất cả CBNV.

 

(Ảnh: CBNV Trung tâm HĐ VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám

trong Lễ đón Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 2013)

 

(Ảnh: Lớp học tiếng Anh của CBNV Trung tâm do các Tình nguyện viên quốc tế giảng dạy)

 

 

(Ảnh: Một góc Trưng bày chuyên đề về Khoa cử do CBNV nghiệp vụ của Đơn vị thực hiện)

 

Tinh thần tự học là nhân tố không thể không nói đến trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ của đơn vị. Nhiều người lao động ở các vị trí nhau, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý của đơn vị đều khát khao học hỏi, tìm tòi những cách thức làm việc mới hiệu quả, xây dựng đơn vị vững mạnh. Kết quả là, nhiều đồng chí đã trưởng thành, đa số các vị trí cán bộ quản lý của Trung tâm hiện nay đều là những người vào làm việc tại Di tích từ các vị trí nhân viên ở các bộ phận. Từ chỗ chỉ vẻn vẹn có 8 CBNV, Trung tâm nay đã lớn mạnh trở thành “Một thiết chế văn hóa phù hợp …có nhiều đóng góp đáng kể cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám”[1]. Trong kết quả đó, âu cũng có một phần đóng góp không nhỏ từ sự nỗ lực “học tập” của tất cả các thế hệ CBNV.

Trong giai đoạn hiện nay, với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ các hoạt động của Trung tâm trên tinh thần quản lý di sản có trách nhiệm, để đáp ứng được nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị của Di tích bền vững, công tác đào tạo cán bộ càng phải được chú trọng. Việc kết hợp giữa đào tạo tại nhà trường, đào tạo trong công việc và tự đào tạo là con đường phù hợp nhất để xây dựng được đội ngũ cán bộ, người lao động có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và tinh thần phụng sự, xứng đáng làm việc tại di tích đặc biệt quan trọng như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi hội tụ của tinh hoa trí tuệ Việt Nam.

Nguyễn Quốc Thành

 

[1] Trích lời Phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại lai Lễ đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám năm 2013.


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám