vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Văn Miếu Mao Điền


Văn miếu Mao Điền dưới thời Nguyễn là Văn miếu cấp tỉnh, được đặt tại địa phận xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương ngày nay). Trước đó, được khởi dựng vào thế kỷ XVI, Văn miếu thuộc cấp trấn Hải Dương, được dựng tại làng Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay là Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang). Văn miếu Mao Điền được dựng nên thờ Khổng Tử và các bậc đại khoa.

 

Cổng Văn Miếu Mao Điền Hải Dương (Ảnh P.NCST)

 

Năm 1801, Văn miếu được chuyển về xã Mao Điền, nơi có trường thi của trấn Hải Dương. Mỗi khi kỳ thi Hương được triều đình tổ chức tại đây, đông đảo thí sinh đến tham dự. Tại đây, họ sẽ dựng lều chõng của mình tại Cánh đồng Tràng (xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng) trong suốt kỳ thi Hương để làm bài. Đầu thế kỷ XVI, những biến động chính trị, xã hội khiến cho nhà Mạc tổ chức 4 kỳ thi Hội ngay tại trường thi Hương này.

Ngoài các công trình Bái đường, Hậu cung đều 5 gian thì Văn miếu còn có Nghi môn, Đông vu, Tây vu, gác Khuê văn, nhà bia, giếng Thiên Quang, đền Khải Thánh thờ cha mẹ Khổng Tử… Dưới thời Nguyễn (1802 - 1945), Văn miếu được triều đình cho tu sửa nhiều lần, vào các năm 1810 và 1823. Hằng năm, vào các ngày 18/2 và 20/8 âm lịch, các quan chức thuộc cấp trấn, phủ, huyện, xã cùng các vị Tiến sĩ, Cử nhân tham dự buổi tế Thánh Khổng được tổ chức tại Văn miếu Mao Điền. Đến thế kỷ XX, nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ nên những hoạt động diễn ra tại Văn miếu bị ngưng trệ. Văn miếu lúc này trở thành nơi đóng đồn bốt của binh lính Pháp, hoặc là nơi để lương thực, vật tư của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với những mục đích sử dụng như vậy, khi hòa bình được lập lại (năm 1975), di tích này đã bị xuống cấp nghiêm trọng, chỉ còn lại Bái đường và Hậu cung, Đông vu, 3 tấm bia và 1 khánh đá thời Nguyễn.

Nhận thấy tầm quan trọng của Văn miếu Mao Điền - nơi lưu giữ, khởi nguồn cho truyền thống hiếu học, khoa bảng xứ Đông, năm 1990, cán bộ và nhân dân xã Cẩm Điền đã trùng tu lại di tích này. Năm 1994, chính quyền cho đảo ngói. Một năm sau, Nghi môn của Văn miếu được xây dựng dựa theo Văn miếu môn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Bốn năm sau, nhà Tiền tế, Hậu cung, Đông vu là những công trình được chính quyền cấp phép trùng tu. Đặc biệt, năm 2002, dự án trùng tu, tu bổ lớn của Nhà nước được thực hiện nhằm xây dựng lại những công trình kiến trúc đã bị mất trong thời kỳ trước. Về bố cục thờ tự tại Văn miếu lúc này có sự thay đổi. Ngoài thờ Đức Khổng Tử, có 8 vị danh nhân được phối thờ là: Thiền sư Tuệ Tĩnh, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mạnh, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Thần toán Vũ Hữu, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế thì công tác bảo tồn phát huy giá trị di tích ngày càng được các cấp lãnh đạo, trung ương quan tâm. Do đó, từ khi được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (1992), Văn miếu Mao Điền đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía chính quyền và người dân. Một loạt các công trình xuống cấp được trùng tu hay phục dựng lại. Có thể nói, diện mạo của Văn miếu Mao Điền đang từng bước thay đổi, khang trang, qua đó thể hiện tôn vinh sự học của nhân dân ta. Nhằm thực hiện tốt công tác phát huy giá trị di tích, từ năm 2005, Ban quản lý Di tích (được thành lập năm 2004) cùng với chính quyền địa phương đã bắt đầu tổ chức lễ hội và các hoạt động văn hóa như: lễ tế tôn vinh các vị Tiến sĩ của Hải Dương, giao lưu văn nghệ, kể chuyện danh nhân văn hóa cho học sinh phổ thông… Tất cả hoạt động đã góp phần giới thiệu, tuyên truyền về lịch sử của di tích, truyền thống hiếu học và khoa bảng của xứ Đông thời phong kiến, đồng thời, củng cố hình ảnh Văn miếu Mao Điền trong tâm thức của người dân Hải Dương nói riêng, nhân dân cả nước nói chung.

Nhiều thế kỷ đã trôi qua, Văn miếu Mao Điền vẫn tồn tại, trở thành một trong những di tích Nho học tiêu biểu ở nước ta. Ngày nay, Văn miếu Mao Điền trở thành nơi bảo tồn, phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng của tỉnh Hải Dương, khuyến khích con em mình học tập tốt để góp sức mình dựng xây quê hương đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.

 

Lâm Thuỳ Ngân

Cán bộ Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám