vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Khai mạc triển lãm Văn Miếu – Quốc Tử Giám (1884 – 1945) qua tài liệu lưu trữ


Chiều ngày 16/1, Trung tâm HĐVH KH Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã khai mạc Triển lãm Văn Miếu – Quốc Tử Giám (1884 – 1945) qua tài liệu lưu trữ tại Nhà Thái học, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.

 

Ảnh: Đại biểu cắt băng khai mạc "Triển lãm Văn Miếu – Quốc Tử Giám (1884 – 1945) qua tài liệu lưu trữ"

 

Đến dự buổi lễ có, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, PGS.TS Đỗ Văn Trụ - PCT Thường trực Hội Di sản văn hóa Việt Nam,PGS.TS Đặng Văn Bài - Thành viên Ủy ban Di sản thế giới, PCT Hội Di sản văn hóa Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội.

Phát biểu tại Lễ khai mạc ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định “sự tồn tại và đứng vững của Di tích trong giai đoạn chiến tranh đầy khốc liệt này một lần nữa minh chứng cho sức mạnh tinh thần của những giá trị văn hóa truyền thống quí báu của dân tộc đã, đang và mãi mãi được lưu giữ và bảo tồn tại Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám”.

 

Ảnh: Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phát biểu tại Lễ khai mạc

 

Triển lãm Văn Miếu – Quốc Tử Giám (1884 – 1945) qua tài liệu lưu trữ, nhằm tái hiện lại một giai đoạn lịch sử với nhiều biến động, thăng trầm của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đặc biệt thời kỳ trước năm 1900, Văn Miếu cũng như nhiều di tích lịch sử khác ở Hà Nội đã bị biến đổi công năng sử dụng. Di tích lúc thì bị biến thành trại lính khố đỏ, lúc thành trường lính khèn của Quân đội Viễn chinh Pháp, khi lại là bệnh xá của Thành phố; mặt bằng diện tích bị chia cắt, chiếm dụng vào các mục đích dân sự…vv. Những sự kiện này đã châm ngòi cho cuộc đấu tranh bảo tồn di sản của nhân dân Hà Nội, Hà Đông do các sĩ phu yêu nước dẫn đầu trong suốt 61 năm (1884-1945)”. Cuối cùng, với sự ủng của các trí thức Pháp tiến bộ tại Hà Nội, Văn Miếu đã được trả lại cho người Việt Nam thờ cúng, sau đó được xếp hạng bảo vệ Công trình lịch sử cần được bảo vệ của Thành phố Hà Nội (năm 1905), đến năm 1925 được xếp hạng là Công trình lịch sử cần được bảo vệ của xứ Bắc kỳ. Về sau Văn Miếu được tu sửa, bảo vệ và hoàn trả lại những phần đất bị chia cắt ra khỏi Di tích (điển hình là việc hoàn trả lại Hồ Văn năm 1940).

 

Ảnh: Đại biểu tham quan triển lãm

 

Triển lãm “Văn Miếu – Quốc Tử Giám giai đoạn 1884-1945 qua tài liệu lưu trữ” được tổ chức từ ngày 16/1/2017 đến ngày 16/3/2017 sẽ giúp công chúng hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám./.

Minh Anh

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám