vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Tư Nghiệp Quốc Tử Giám Ngô Sĩ Liên


Ngô Sĩ Liên sinh ra tại làng Chúc Lý, huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên nay là thôn Chúc Lý, xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Hiện nay, chưa có tài liệu nào cho biết ông sinh năm nào, nhưng theo Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, cũng như tấm bia hiện còn lưu giữ tại quê thì ông thọ 99 tuổi. Ngô Sĩ Liên từng tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Thái Tổ lãnh đạo chống lại giặc Minh. Sau khi nước nhà độc lập cũng là lúc nhà Lê mới thành lập, cần người tài giỏi, nên đã tổ chức nhiều khoa thi kén chọn quan chức. Năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo 3 (1442), Lê Thái Tông tổ chức khoa thi Tiến sĩ đầu tiên của triều Lê.  Khoa thi này có 450 người dự thi và trúng tuyển được 33 người,  trong đó có Trạng nguyên Nguyễn Trực, Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, Thám hoa Lương Như Hộc. Ngô Sĩ Liên đỗ đầu hàng Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, tên ông hiện được khắc ghi trên bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Sau khi thi đỗ, ông được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình. Dưới triều vua Lê Nhân Tông (1443-1459), ông giữ chức Đô Ngự sử. Theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, mục Quan chức chí, Đô Ngự sử là chức quan đứng đầu Ngự sử đài, cơ quan chuyên trách giữ phong hóa pháp độ. Ngự sử đài chịu trách nhiệm: Đàn hặc các quan, nói bàn về chính sự hiện thời. Phàm các quan làm trái phép, chính sự hiện thời có thiếu sót, đều được xét hặc trình bày, cùng là xét bàn về thành tích của các nha môn.. chức danh rất trọng.

Đời Lê Thánh Tông (1460-1497) ông từng giữ chức Lễ bộ Hữu Thị lang, là  chức quan đứng hàng thứ 2 sau Thượng thư. Bộ Lễ là bộ chuyên công việc về lễ nghi, tế tự, yến tiệc, trường học, thi cử, áo mũ, ấn dấu, chương tấu, bài biểu, đi sứ... Năm Quang Thuận thứ 12 (1471), Lê Thánh Tông lấy Ngô Sĩ Liên vào làm Sử quan tu soạn, người chịu trách nhiệm trực tiếp biên soạn sử trong Quốc sử viện, cơ quan giữ công việc về biên soạn sử sách. Lưu Tri Cơ, sử gia nổi tiếng đời Tống (Trung Quốc) đã nêu lên yêu cầu thiết yếu về người làm công tác biên soạn lịch sử là phải có ba sở trường: tài năng, học lực và tri thức. Lê Thánh Tông, vị vua anh minh, tài lược đã chọn Ngô Sĩ Liên làm sử quan, hẳn đã đánh giá đúng tài năng và đạo đức của ông. Quả không phụ lòng tin của Vua, 8 năm sau, năm Hồng Đức 10 (1479), bộ Quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư mà ông biên soạn đã hoàn thành.

Bộ Đại Việt sử ký toàn thư được Ngô Sĩ Liên biên soạn trên cơ sở 2 bộ sách Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên. Ngô Sĩ Liên đánh giá cao những nhà sử học tiền bối này, nhưng cũng nêu lên những nhược điểm của hai bộ quốc sử, để từ đó hiệu chỉnh, bổ sung. Bộ quốc sử do Ngô Sĩ Liên hoàn thành gồm 15 quyển, chia thành hai phần: Phần một (ngoại kỷ), gồm 5 quyển, chép từ thời Hồng Bàng đến hết thời Bắc thuộc (năm 938). Phần hai (bản kỷ) gồm 10 quyển, chép từ thời Ngô Quyền dựng nước (năm 938) đến khi vua Lê Thái Tổ lên ngôi (năm 1428), trong đó, phần biên soạn mới của Ngô Sĩ Liên là phần Ngoại kỷ, chép lịch sử từ họ Hồng Bàng cho đến hết đời An Dương Vương - giai đoạn lịch sử lần đầu tiên được chính thức đưa vào quốc sử.

Qua các lời nhận xét của ông trong quá trình biên soạn về các sự kiện, nhân vật, cũng như phương pháp biên soạn sử của ông, các nhà nghiên cứu sau này đều thống nhất đánh giá, ông là một nhà sử học bậc thầy, là người có khả năng nhận xét tinh tế, trí tuệ tuyệt vời và là người có lòng yêu nước và tự hào dân tộc mãnh liệt. Bộ Đại Việt sử ký toàn thư của ông đã là cơ sở quan trọng, đặt nền móng cho bộ Quốc sử đầu tiên trọn vẹn còn lại cho đến ngày nay, một tư liệu không thể thiếu của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, giáo dục, một di sản quý giá của nền văn hóa Việt Nam.

Không chỉ đóng góp trong lĩnh vực sử học, Ngô Sĩ Liên còn là một người thầy, một nhà giáo dục có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Trong thời gian ông làm Tu soạn ở Viện quốc sử, ông còn giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Tư nghiệp là chức quan thứ 2 ở Quốc Tử Giám, sau Tế tửu và là quan chịu trách nhiệm chính đối với chương trình dạy, học ở Quốc Tử Giám. Chưa có những tài liệu cụ thể về những đóng góp của ông trong việc đào tạo nhân tài ở trường, nhưng chúng ta đều biết, giáo dục, khoa cử thời Lê Thánh Tông được coi là đạt đỉnh cao trong lịch sử khoa cử thời quân chủ. Chỉ trong vòng gần 30 năm dưới thời Lê Thánh Tông (1460-1497), giáo dục, khoa cử Việt Nam đã lựa chọn được hơn 500  vị Đại khoa qua 12 khoa thi. Đây cũng là thời gian ông đảm nhiệm chức vụ Tư nghiệp Quốc Tử Giám, trường học cao cấp, cơ quan quản lý giáo dục lớn nhất, quan trọng nhất của đất nước, là nơi đào tạo nhân tài, quan lại cấp cao cho bộ máy quản lý đất nước. Đóng góp vào sự hưng thịnh của giáo dục nước nhà thời kỳ này, hẳn không thể thiếu công sức, trí tuệ của ông.

Sự kiện ông tham gia làm giám khảo khoa thi năm Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức 9 (1478) là một minh chứng khẳng định nhận định trên. Văn bia Tiến sĩ khoa thi năm 1478 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám ghi rõ chức vụ của ông tại khoa thi này là Độc quyển cùng với những nhà khoa bảng danh giá là Tiến sĩ, Hàn Lâm viện Thừa chỉ, Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung, Bảng nhãn,Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Như Đổ, Thám hoa, Đông các Học sĩ Quách Đình Bảo. Độc quyển là một chức quan rất quan trọng trong khoa thi, chịu trách nhiệm đọc bài thi sách đối của thí sinh trước khi trình lên Vua cùng những lời đánh giá, nhận xét, để từ đó nhà vua chọn lựa cao thấp. Khoa thi này chọn được 62 nhà khoa bảng với đầy đủ danh hiệu: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ… Đây là khoa thi chọn được nhiều nhân tài nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam, trong đó có những danh nhân nổi tiếng như Vũ Quỳnh, Bùi Xương Trạch…Đặc biệt, Vũ Quỳnh là một trong những người góp phần hoàn thiện Bộ Đại Việt sử ký toàn thư của ông sau này.

Quan điểm về phương pháp tuyển chọn nhân tài của ông được thể hiện rõ qua những nhận xét đánh giá của ông trong bộ Quốc sử: chọn người bằng khoa cử thì văn học không thể thiếu được. Phương châm để lựa chọn người hiền tài cho đất nước này hẳn đã giúp Lê Thánh Tông xây dựng được quốc gia phồn thịnh.

Triều liệt Đại phu, Quốc Tử Giám Tư nghiệp kiêm Quốc sử Tu soạn Ngô Sĩ Liên nghỉ hưu và mất tại quê nhà. Dân làng kính trọng, lập đền thờ và hàng năm cúng tế vào ngày 20 tháng tám âm lịch. Dù cho đền thờ của ông do thời gian không còn, nhưng tên ông cùng những đóng góp của ông cho văn hóa, giáo dục nước nhà mãi mãi trường tồn trên bia Tiến sĩ, trên đường phố, các trường học ở Thủ đô Hà Nội và cả nước. Ông xứng đáng là một nhà giáo dục, nhà sử học lớn, một danh nhân của Hà Nội./.

Ths. Lê Thị Thu Hương

Cán bộ Phòng Thuyết minh – Nghiệp vụ, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám