vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM HÀ NỘI TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI VĂN MIẾU HUẾ VÀ CÁC VĂN MIẾU HÀNG TỈNH


Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám- Hà Nội (Trung tâm) được thành lập năm 1988 trong bối cảnh đất nước bắt đầu thực hiện đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế. Trong ba thập niên xây dựng và trưởng thành, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ viên chức củaTrung tâm đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Một trong những điểm sáng đó là Trung tâm đã chủ động liên kết với các đơn vị quản lý các di tích Nho học (văn miếu, làng khoa bảng, dòng họ, gia đình khoa bảng) tại các địa phương trong cả nước trong việc nghiên cứu, bảo tồn, sưu tầm, giới thiệu, tuyên truyền các giá trị di sản văn hóa Nho học của đất nước.

Từ năm 2008, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các nhà khoa học, các đơn vị quản lý di tích Nho học tổ chức các hội thảo khoa học và hội nghị các đơn vị quản lý di tích Nho học. Các hội nghị, hội thảo là dịp để bạn bè đồng nghiệp trên cả nước gặp gỡ trao đổi học thuật và kinh nghiệm về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Nho học.

Trong vòng 5 năm từ 2012 đến 2017, Trung tâm đã phối hợp với nhiều đơn vị quản lý di sản văn hóa Nho học ở các miền tổ chức hàng chục cuộc triển lãm chuyên đề và cuộc thi (dưới dạng các Hành trình Di sản) tìm hiểu về Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội và lịch sử khoa cử Việt Nam, truyền thống khoa bảng ở các địa phương như: Bắc Ninh, Hải Dương, Huế, Đồng Nai, Kiên Giang, An Giang…

 

(Ảnh: Triển lãm Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long và Thơ văn Hà Tiên tai Phú Quốc  năm  2016)

 

(Ảnh: Đại biểu tham quan triển lãm “Tiếp cận Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn”

tại Di tích đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 2017)

 

(Ảnh: Triển lãm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Lịch sử khoa cử Việt Nam tai An Giang năm 2017)

 

Trung tâm không dừng ở việc đưa sưu tập hiện vật, tài liệu của mình phối hợp trưng bày giới thiệu tại các địa phương. Khu di tích Văn Miếu Quốc Tử  Giám- Thăng Long Hà Nội còn là địa chỉ mở mời gọi các địa phương, dòng họ khoa bảng tổ chức các hoạt động hội thảo khoa học, trưng bày về văn miếu, khoa cử, các vị khoa bảng. Tại đây đã tổ chức nhiều Hội thảo khoa học về danh nhân và truyền thống khoa bảng các dòng họ như: Tế tửu Quốc Tử Giám Nguyễn Nghiễm, Khiếu Năng Tĩnh, Trương Công Giai, Nguyễn Duy Thì, Trạng Nguyên Nguyễn Đăng Đạo và Truyền thống khoa bảng họ Nguyễn Đăng ở Hoài Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh, truyền thống khoa bảng Bắc Giang… vv.

Năm 2017, triển lãm về Mộc bản Trường Lưu (phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh) và triển lãm với chủ đề “Tiếp cận di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn” (phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế,Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV) đã được tổ chức tại nhà Thái Học, Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Tháng 3/2018, Đơn vị phối hợp với Cục Văn thư lưu trữ nhà nước và các Trung tâm lưu trữ tổ chức triển lãm “Khoa cử xưa qua tài liệu lưu trữ” tại khu vực sân Đại Bái.

Các Hành trình di sản và trưng bày trên đã giới thiệu đến công chúng (đặc biệt là đến các em học sinh, sinh viên) một cái nhìn khái quát về lịch sử khoa cử Thăng Long; lịch sử hình thành và sự phát triển của di tích Văn Miếu –Quốc Tử Giám; các di tích Nho học tại các địa phương, di sản tư liệu cùng những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc như: tôn sư trọng đạo, hiếu học, hiếu nghĩa, tôn trọng hiền tài…góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khuyến khích, giáo dục thế hệ trẻ kế thừa, phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Các hoạt động nêu trên đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Trung tâm và các đơn vị văn hóa, quản lý di tích Nho học trên cả nước. Tạo nên sự gắn kết và phối hợp ngày càng đồng bộ, hiệu quả trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Nho học. Kinh nghiệm hoạt động những năm qua cho thấy Trung tâm với lợi thế là một khu di tích có vị trí thuận lợi, di tích, di vật còn được bảo tồn khá nguyên vẹn, nằm ở trung tâm Thủ đô, được sự quan tâm ủng hộ của các nhà khoa học, của chính quyền thành phố Hà Nội, thu hút được sự quan tâm đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

 Các hoạt động liên kết đó đã góp phần nâng nâng cao vị thế của hệ thống di tích Nho học trong mạng lưới di sản văn hóa ở nước ta hiện nay. Các kết quả đã đạt được tuy còn khiêm tốn nhưng đã cho thấy ảnh hưởng từ các hoạt động của Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám trong hệ thống các di tích Nho học ở nước ta khá rõ, tạo được ấn tượng trong lòng bè bạn, đồng nghiệp. Để phát huy tốt hơn, hiệu quả hơn vai trò cầu nối giữa các đơn vị quản lý di tích Nho học ở nước trong thời gian tới Trung tâm cần chủ động lập kế hoạch phối hợp với các di tích trong cả nước phù hợp với lợi thế của mình, hỗ trợ các đơn vị bạn còn đang khó khăn. Trung tâm cần tiếp tục củng cố mối quan hệ các cơ quan nghiên cứu lịch sử, Hán Nôm, những người yêu di sản, mở rộng sự quan tâm đến các làng, dòng họ, gia đình khoa bảng trong các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu lịch sử khoa cử, thân thế sự nghiệp của các nhà khoa bảng, sưu tầm tài liệu hiện vật liên quan đến khoa cử, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền, hỗ trợ trong việc tra cứu, dịch thuật, phục chế tài liệu, tham gia đào tạo, tập huấn về di sản văn hóa Nho học, đồng thời mở rộng đối tác và các hình thức hợp tác mới. 

Di tích Văn miếu- Quốc Tử Giám Hà Nội chứa đựng các giá trị di sản văn hóa Nho học, lịch sử khoa cử của nước nhà gần một nghìn năm, là một di tích quốc gia đặc biệt, có sưu tập bia Tiến sĩ được ghi vào Chương trình ký ức thế giới của UNESCO, đó là lợi thế để Trung tâm có thể mở rộng quan  hệ với các đơn vị quản lý di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, nhất là những di tích chứa đựng nhiều thông tin liên quan đến Nho học, lịch sử khoa cử, các nhà khoa bảng. Trung tâm cũng nên mở rộng mối quan hệ với các đơn vị quản lý di sản được ghi vào Chương trình ký ức thế giới và Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở trong nước như mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) và các di sản tư liệu khác ở trong và ngoài nước, trước hết là những tư liệu Hán - Nôm như mộc bản chùa Bổ Đà (Bắc Giang), chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).v.v. Sau nữa là các di sản tư liệu thuộc các loại hình khác. Ngoài mối quan hệ với các đơn vị quản lý di sản văn hóa Nho học truyền thống cũng cần nghĩ đến việc tạo lập mối quan hệ với các đơn vị quản lý di sản văn hóa liên quan đến giáo dục và đào tạo trong các giai đoạn  sau cho đến hiện nay để có thể mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung tâm.

Để sự gắn kết giữa Trung tâm và các đơn vị quản lý di sản Nho học ngày càng mật thiết hơn, nên tiến tới thành lập Câu lạc bộ các đơn vị quản lý di sản Nho học trong cả nước để tăng cường sự gắn kết giữa các đơn vị với những nội dung hoạt động thiết thực. Với sự phát triển khoa học công nghệ hiện nay cần thiết lập mạng lưới thông tin giữa các đơn vị quản lý di tích Nho học, Trung tâm làm đầu mối để trao đổi cập nhật các thông tin liên quan đến hoạt động của mạng lưới di sản văn hóa Nho học và di sản văn hóa. Trung tâm cũng nên chủ động bổ sung nâng cấp cơ sở dữ liệu của mình, phối hợp với các đơn vị bạn để tập hợp, lưu trữ các dữ liệu về Nho học, khoa cử,  giáo dục, đào tạo, hỗ trợ chia sẻ cho các thành viên trong mạng lưới di sản văn hóa Nho học. Mối quan hệ giữa các đơn vị trong mạng lưới chỉ có thể bền chặt và phát huy hiệu quả khi các đơn vị liên kết hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu- Quốc Tử Giám Thăng Long, Hà Nội (25/4/1988 – 25/4/2018), hy vọng mối quan hệ giữa Trung tâm và các đơn vị bạn ngày càng bền chặt, có nhiều sáng tạo trong hoạt động liên kết, hiệu quả, thiết thực đáp ứng yêu cầu càng cao của sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn  hóa trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, kỷ nguyên 4.0./.

PGS, TS. Nguyễn Quốc Hùng – Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám