vanmieu.d.webcom.vn

DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT

VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM

vanmieu.d.webcom.vn

Lời ngỏ

Văn Miếu được lập dưới thời Lý Thánh Tông, năm Canh Tuất niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết), đồng thời là nơi Hoàng Thái tử Lý Càn Đức tới học …

Văn Miếu Bắc Ninh


Bắc Ninh - Kinh Bắc là địa phương có truyền thống hiếu học tiêu biểu hàng nhất nhì nước ta. Tính theo địa danh hành chính khi gọi là Kinh Bắc - thời phong kiến nơi đây có tới 600 vị đỗ Đại khoa, hơn 1000 vị đỗ Cử nhân, Tú tài. Vì thế, để phát huy truyền thống vẻ vang của cha ông, giáo dục cho thế hệ sau tinh thần hiếu học, nhân dân Kinh Bắc đã xây dựng Văn miếu hàng tỉnh thờ phụng các Tiên hiền, Tiên triết và bảng vàng bia đá khắc tên của các nhà khoa bảng quê hương mình.

 

Cổng Văn Miếu Bắc Ninh (Ảnh P.NCST)

 

Văn miếu Bắc Ninh được khởi dựng từ thời Lê sơ, địa điểm xây dựng Văn miếu nằm trên vùng sơn phận Thị Cầu, là trấn sở Kinh Bắc thời Lê. Tới năm Thành Thái thứ 5 (1893), Văn miếu được chuyển về núi Phúc Sơn (nay là xã Đại Phúc), là nơi danh thắng, lại là trung tâm gần tỉnh lỵ Bắc Ninh.

Văn miếu Bắc Ninh là nơi thờ Khổng Tử và các bậc Tiên hiền, đồng thời là nơi vinh danh các nhà khoa bảng của xứ Kinh Bắc. Trải qua thời gian dài, các công trình của Văn miếu Bắc Ninh đã bị xuống cấp. Văn miếu đã trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo vào các năm 1802, 1844, 1896, 1912, 1928. Sau năm 1928 đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, vì nhiều lý do Văn miếu chẳng những không được tiếp tục tu bổ, tôn tạo mà còn bị xâm hại rất nghiêm trọng. Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, chúng đã xây dựng tại khu vực Văn miếu nhiều lô cốt, chòi canh và đóng quân ngay tại đó. Trải qua quá trình trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, Văn miếu đã trở thành trụ sở tạm thời của một số cơ quan, trường học.

 

Ảnh: Nhà Tiền đường Văn Miếu Bắc Ninh

 

Đến năm 1988, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Văn miếu Bắc Ninh là Di tích lịch sử. Từ đó đến nay Văn miếu được nhà nước cấp kinh phí liên tục để tu bổ, tôn tạo vào các năm 1995, 1996, 1997, 1998. Trải qua những lần tu bổ, tôn tạo đó Văn miếu Bắc Ninh đã được khôi phục lại gần như hoàn chỉnh.

Văn miếu Bắc Ninh hiện nay là một quần thể di tích bao gồm nhiều công trình được sắp xếp liền kề nhau gồm: Tam môn, Tiền tế, Hậu cung, Tả vu, Hữu vu.

Từ đường làng lên bậc tam cấp là cổng Tam môn. Qua cổng Tam môn đến tấm bình phong “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn miếu bi ký” dựng năm 1928 đặt ở sân. Sau bình phong là nhà Tiền tế.

 

 Ảnh: Tấm bình phong “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn miếu bi ký” dựng năm 1928 đặt ở sân.

 

Tiền tế là nơi hành lễ trước kia, hiện có 2 tấm bia “Phụ ký” (ghi chép các vị Tiến sĩ không được khắc trên Kim bảng lưu phương) và “Bắc Ninh tỉnh quan viên cung tiến” (dựng năm 1896, nội dung văn bia đề cập quan viên tỉnh Bắc Ninh cung tiến ruộng cho Văn miếu để làm tự điền) được đặt ở đầu hồi nhà. Hậu đường nằm phía sau Tiền tế, cách nhau bằng một khoảng sân rộng 2m. Đây là nơi thờ Khổng Tử, Tứ phối và các bậc Tiên hiền.

Hai bên Tiền tế là dãy Tả vu, Hữu vu là nơi thờ tự các Cử nhân, Tú tài của đất Kinh Bắc.

Ngoài các công trình trên còn có các công trình như: Bi đình, nhà Hội đồng trị sự, nhà Tạo soạn, Cải trang… song các công trình này đều đã bị phá hại, đến nay chưa khôi phục được.

Đặc biệt, Văn miếu còn lưu giữ được hệ thống 15 bia đá phong phú, trong đó  có 12 tấm “Kim bảng lưu phương” dựng năm Kỷ Sửu niên đại Thành Thái tháng 10 (năm 1889), nội dung ghi chép về các khoa thi, họ tên, quê quán, học vị, chức tước của các vị đại khoa (từ Tiến sĩ trở lên) người Kinh Bắc xưa (bao gồm cả tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, một số xã của huyện Gia Lâm, Đông Anh (Hà Nội), Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc ngày nay) từ khoa thi Ất Mão (1075) đến khoa thi năm Mậu Ngọ (1858), các bia còn lại đều được khắc dựng sau đó. Bia “Bắc Ninh tỉnh quan viên cung tiến” khắc dựng năm Thành Thái thứ 8 tháng 7 ngày 15 (1896) ghi chép lại số ruộng do các quan viên tỉnh Bắc Ninh cung tiến, tiền của vào Văn miếu để làm tư điền phục vụ cho việc tế lễ hàng năm. Bia “Trùng tu Bắc Ninh bi đình ký” khắc dựng năm Duy Tân thứ 6 (1912) ghi chép về việc di chuyển Văn miếu từ sơn phận Thị Cầu về núi Phúc Sơn (Phúc Đức). Bia “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn miếu bi ký” dựng năm Bảo Đại thứ 3 (1928) có kích thước lớn (270cm x 320cm) ghi chép việc trùng tu tôn tạo Văn miếu vào năm này.

Cùng hệ thống bia đá, hệ thống câu đối hoành phi chữ Hán ở Văn miếu Bắc Ninh có nội dung ca ngợi phong cảnh Văn miếu, cũng như phong tục tập quán tốt đẹp, truyền thống văn hiến, văn hóa giáo dục của nhân dân Kinh Bắc xưa.

Như vậy, có thể thấy, Văn miếu Bắc Ninh là công trình tiêu biểu phản ánh về lịch sử khoa bảng của đất Bắc Ninh - Kinh Bắc. Văn miếu Bắc Ninh vừa là nơi thờ Khổng Tử và các bậc Tiên hiền, vừa là nơi lưu danh các vị khoa bảng của cả xứ Kinh Bắc. Hệ thống bia đá ở Văn miếu Bắc Ninh là những hiện vật quý cung cấp cho chúng ta nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục về nghệ thuật điêu khắc, thể hiện quan điểm thẩm mỹ và tài năng của nhân dân Kinh Bắc thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX./.

 

Ths. Hoàng Mai Lan

Cán bộ Trung tâm HĐVHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám

 


vanmieu.d.webcom.vn

vanmieu.d.webcom.vn

        Hướng dẫn tìm đường

58 phố Quốc Tử Giám,
Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Định vị thiết bị

Bản quyền 2017 thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám